Việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Nhưng theo các nguồn thạo tin của Nikkei Asia, Bắc Kinh đã dày công lên kế hoạch suốt gần 1 năm trước khi chính thức gửi đơn gia nhập.
Một khi Bắc Kinh đã tham gia, động lực của CPTPP sẽ thay đổi căn bản, theo Nikkei Asia.
Kế hoạch 300 ngày
Ngay từ tháng 11/2020, một bản kế hoạch gia nhập CPTPP đã được lưu hành trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc. Mục tiêu mà bản kế hoạch đề ra là xúc tiến gia nhập CPTPP vào mùa thu năm 2021.
Một nguồn thạo tin về chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc cho biết ở thời điểm ấy, cuộc chạy đua tổng thống Mỹ đã ngã ngũ, đồng thời các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng đã hoàn tất. Trái với CPTPP, Trung Quốc là thành viên trung tâm thúc đẩy RCEP.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch 300 ngày của Trung Quốc là gia nhập CPTPP trước khi chính quyền Tổng thống Biden cân nhắc khả năng đưa Mỹ trở lại hiệp định này. Theo tính toán của Bắc Kinh, khả năng này có thể xảy ra vào năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiềm chế.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến lãnh đạo các nước APEC hôm 20/11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh "sẽ xem xét" khả năng gia nhập CPTPP. Và từ tuyên bố này, sau 300 ngày, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ảnh: AP. |
Trung Quốc cũng muốn gây sức ép lên chính quyền đảng Dân Tiến nắm quyền tại Đài Loan, trong bối cảnh Đài Loan cũng có ý định gia nhập CPTPP.
Hôm 22/9, Đài Loan chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP chỉ vài ngày sau Trung Quốc.
Trước khi đưa ra tuyên bố tại APEC, Chủ tịch Tập đã theo sát các chính sách kinh tế đối ngoại. Hỗ trợ ông Tập có Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Từ tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp Nhân Đại rằng Bắc Kinh "có thái độ cởi mở, tích cực" đối với CPTPP.
Ngoài ông Lý, Phó thủ tướng Lưu Hạc - một thân tín của ông Tập - cùng Thứ trưởng Bộ Thương mại Du Kiến Hoa cũng tham gia vào kế hoạch.
Trung tâm chỉ huy kế hoạch gia nhập CPTPP được đặt bên trong chính phủ. Các cuộc họp được tổ chức khi cần đưa ra những quyết sách quan trọng.
Theo kế hoạch, mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tiếp cận là New Zealand. New Zealand là một trong 4 thành viên sáng lập TPP, tiền thân của CPTPP. Wellington hiện đóng vai trò là cơ quan lưu chiểu của CPTPP, người gác cổng đối với đơn xin gia nhập của các nước.
Hồi tháng 1, tức 2 tháng sau tuyên bố của Chủ tịch Tập, Trung Quốc và New Zealand ký một văn kiện nâng cấp thỏa thuận tự do thương mại song phương. Thỏa thuận mới được cho là mang lại lợi ích cho Wellington lớn hơn nhiều so với Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng liên hệ Singapore, một nước sáng lập khác của TPP, trước khi chính thức nộp đơn gia nhập. Singapore sẽ sớm đóng vai trò quan trọng bởi nước này đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên CPTPP vào năm 2022.
Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Singapore vào giữa tháng 9. Truyền thông Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishan cam kết với người đồng cấp rằng nước này hoan nghênh sự quan tâm của Bắc Kinh với CPTPP.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia đã thể hiện sự ủng hộ đối với đơn xin gia nhập của Trung Quốc.
Bắc Kinh tin rằng nhiều nước Đông Nam Á sẽ không phản đối Trung Quốc tham gia đàm phán gia nhập CPTPP.
Sự mâu thuẫn của Trung Quốc
CPTPP luôn được coi là con đường để Bắc Kinh thiết lập ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực. Sự hỗn loạn tại Afghanistan là nhân tố quyết định cuối cùng khiến Trung Quốc gửi đơn xin gia nhập khối kinh tế 11 thành viên.
Bắc Kinh tin rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ mất nhiều thời gian với Afghanistan và còn mắc kẹt ở Trung Đông ít nhất trong tương lai gần, và vì thế chưa thể sớm lên kế hoạch quay trở lại CPTPP.
Dựa trên đánh giá này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đi nước cờ đầu tiên ngay trước thềm hội nghị APEC dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Trung Quốc có sẵn sàng bắt tay vào cải cách toàn diện nền kinh tế trong nước để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không.
"Nhiều người dường như đang nhầm lẫn. Trong tình thế chính trị hiện nay ở Trung Quốc, giới lãnh đạo Bắc Kinh không có ý định sớm gia nhập CPTPP. Trung Quốc cũng không sẵn sàng cho các cuộc đàm phán 'có hoặc không' vào lúc này", một chuyên gia nhận định.
Để có thể gia nhập CPTPP, Trung Quốc cần nhận được cái gật đầu từ tất cả 11 thành viên của khối. Ngay cả khi đàm phán đã khởi động, Trung Quốc sẽ tốn rất nhiều công sức trong các cuộc đàm phán đi vào từng chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất.
Đại diện 11 nước thành viên tại buổi ký Hiệp định CTPP ở Santiago, Chile hôm 8/3/2018. Ảnh: AFP |
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã theo đuổi các biện pháp kinh tế hoàn toàn đối lập với những gì mà CPTPP theo đuổi. Sáp nhập các tập đoàn nhà nước là một ví dụ, theo Nikkei Asia.
Trong khi áp đặt các biện pháp chống độc quyền hoặc buộc các công ty tư nhân phải chia tách, Bắc Kinh lại không giải quyết vấn đề trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước.
Trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc cũng phải trải qua những cuộc đàm phán căng thẳng và chấp nhận rủi ro cải cách hệ thống trong nước, đặc biệt liên quan tới các tập đoàn sở hữu nhà nước.
Trong lúc này, Trung Quốc lại không hoan nghênh cho phép dữ liệu tự do dịch chuyển xuyên biên giới, một yêu cầu của CPTPP. Thực tế, Bắc Kinh đi theo hướng ngược lại. Từ 1/9, Trung Quốc bắt đầu thực thi luật an ninh dữ liệu nhằm tăng cường kiểm soát dòng chảy dữ liệu từ trong nước.
Một số chính trị gia bảo thủ Trung Quốc kiên quyết phản đối việc gia nhập CPTPP. Nhưng yêu cầu như hạn chế trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước bị nhóm này coi là nguy cơ dẫn đến xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Bởi vậy, việc tuyên bố nộp đơn gia nhập CPTPP dường như có điểm mâu thuẫn với tình thế hiện tại của Trung Quốc.
Một nguồn tin cho rằng quyết định của Bắc Kinh gửi đi thông điệp cả đối ngoại lẫn đối nội, nhằm khẳng định Trung Quốc là "một nền kinh tế thị trường".