Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Quan hệ đối ngoại giữa hai nước phát triển nhanh chóng vì lợi ích chiến lược chung, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Hợp tác quốc phòng giữa hai nước chính thức được thiết lập vào tháng 2/1998, với việc mở Văn phòng Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Australia ở Hà Nội vào năm 1999. Văn phòng Tùy viên quân sự đầu tiên của Việt Nam được được mở tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canberra vào tháng 9/2000.
Tập trung vào lĩnh vực đào tạo
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Australia những năm qua chủ yếu tập trung vào đào tạo sĩ quan Việt Nam tại Australia theo Chương trình hợp tác quốc phòng song phương. Từ khi hai nước thiết lập hợp tác quốc phòng, quân đội Australia đã đào tạo hơn 1.500 quân nhân Việt Nam ở trong nước và tại Australia.
Australia đang hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh và huấn luyện chuyên môn cho quân nhân Việt Nam chuẩn bị triển khai đến Nam Sudan trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Australia ký Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng mở rộng. Hai bên thống nhất mở rộng từ trao đổi quốc phòng lên hợp tác đào tạo thực tế có giới hạn giữa hải quân và lực lượng đặc nhiệm hai nước.
Phó đô đốc Raymond Griggs, Phó tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia (áo trắng) cùng Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng và các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bộ Quốc phòng. Ảnh: VNA. |
Từ năm 2012, hai nước thường xuyên tổ chức Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng. Hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2013. Năm 2015, trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Australia đã thông qua tuyên bố tăng cường hợp tác toàn diện, bao gồm lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
Tàu chiến Hải quân Hoàng gia Australia thường xuyên thăm các cảng của Việt Nam. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ quốc phòng, 23 tàu chiến Australia đã ghé thăm các cảng của Việt Nam. Lần gần nhất tàu chiến Australia cập cảng Việt Nam là vào tháng 6/2017. Tàu hộ vệ tên lửa HMAS Ballarat, lớp Anzac đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Trước đó, cuối năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa HMAS Warramunga đã thăm cảng quốc tế Cam Ranh.
Hướng đến sự hợp tác sâu rộng
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Australia có bước phát triển đột phá thông qua Đối thoại chính sách quốc phòng lần đầu tiên được tổ chức tại Canberra, Australia, vào đầu tháng 11/2017. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự đối thoại.
Đoàn Australia do ông Marc Ablong, Phó tổng thư ký Quốc phòng, làm trưởng đoàn. Trong cuộc đối thoại, hai bên trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống mà sự hợp tác là giải pháp tốt nhất để cùng nhau vượt qua.
Về hợp tác quốc phòng song phương, hai trưởng đoàn đã thông qua kết quả làm việc của Nhóm tham vấn quốc phòng cấp Cục Đối ngoại đã tiến hành vào ngày 2/11/2017. Hợp tác quốc phòng năm 2017 được triển khai hiệu quả theo nội dung Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng song phương năm 2010, cũng như cam kết của lãnh đạo hai nước, hai Bộ Quốc phòng.
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Australia lần thứ nhất năm 2017. Ảnh: Báo quân đội nhân dân. |
Đặc biệt là việc triển khai các nội dung được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của bà Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, vào tháng 8/2017.
Sự thành công của Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ nhất đã mở ra tiềm năng hợp tác sâu hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng và các lĩnh vực khác. Hai bên đã thống nhất cần có những hoạt động thiết thực hơn nữa để cụ thể hóa tinh thần Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký.
Quân đội hai nước cần tập trung vào trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác đào tạo cả về số lượng và chất lượng, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, chống khủng bố, an ninh mạng và an ninh hàng hải. Nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Công nghiệp quốc phòng Australia có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực đóng tàu, thiết bị xử lý tín hiệu, hệ thống dưới nước. Các tàu chiến mặt nước của hải quân nước này đều đóng mới trong nước. Đặc biệt, công nghiệp đóng tàu quân sự Australia đã đóng mới thành công tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra có lượng choán nước tới 27.000 tấn. Các nhà thầu quốc phòng Australia có sự hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới như Boeing, Raytheon, BAE Systems, Thales và Airbus.
Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và 20 hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Theo thông cáo Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức New Zealand từ ngày 12-14/3 và Australia từ ngày 14-18/3. Tại Sydney, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia.
Giới phân tích nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc phòng là thời cơ để hai bên nâng quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược và thiết lập một bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng.