Ở Trung Quốc, những thần tượng công nghệ kiểu Jack Ma từng được xem là động lực phát triển kinh tế quốc gia. Giờ đây, họ lại bị chính người dân khinh miệt vì khai thác dữ liệu người dùng, lạm dụng công nhân và bóp nghẹt sự đổi mới.
Những ông chủ lớn của giới công nghệ Trung Quốc dần trở thành bù nhìn và để chính phủ kiểm soát. Ảnh: SCMP. |
Trong quá khứ, Jack Ma được ca tụng như một biểu tượng của sự thành công. Tuy nhiên, ông chủ Alibaba đã trở thành thần tượng sa ngã khi chấp nhận nép mình dưới sự giám sát của chính phủ. Có thể nói, kiểm soát các tập đoàn lớn đã trở thành sách lược của đất nước tỷ dân nhằm giữ vững quyền lực. Điều này đã khiến nhiều người dân Trung Quốc bất mãn và vỡ mộng.
Với bối cảnh ấy, họ bắt đầu tìm thấy ở Elon Musk những tố chất để trở thành hình mẫu tiên phong cho sự đổi mới của giới công nghệ.
"Elon Musk sẵn sàng đấu tranh để thoát khỏi sự thống trị và trở thành người giàu nhất thế giới. Ông ấy là niềm hy vọng của chúng tôi", Jane Zhang, CEO của ShellPay chia sẻ.
Thần tượng công nghệ mới của giới trẻ Trung Quốc
Theo New York Times, sự thành công của xe điện Tesla tại thị trường Trung Quốc và tham vọng chinh phục vũ trụ của chính phủ nước này là những yếu tố giúp SpaceX nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Cộng đồng hâm mộ Elon Musk tích cực chia sẻ những nội dung bình luận, điều tra về thân thế, sở thích của vị tỷ phú. Các startup Trung Quốc cũng bắt đầu xem những tôn chỉ của Elon Musk là nguyên tắc kinh doanh thành công. Trong những cuốn sách viết về Elon Musk tại Trung Quốc, nhiều tác giả đã gọi ông là "Iron Man của Thung lũng Silicon".
Elon Musk trở thành niềm hy vọng của giới trẻ Trung Quốc về sự đổi mới những quy tắc lỗi thời. Ảnh: NYT. |
“Chỉ một siêu nhân như Musk mới có thể vượt qua cái tầm thường để hướng tới cái vô tận, để thấy được sự kỳ vĩ của vũ trụ", người dùng có tên Moonshake chia sẻ trên trang Zhihu.
Một người dùng khác cũng từng cho biết anh đã đặt tên con mình là Elon để bày tỏ sự ngưỡng mộ đến Musk.
Những tập đoàn công nghệ táo bạo tại Trung Quốc chỉ còn là quá khứ
New York Times cho biết người dân Trung Quốc thất vọng vì các tập đoàn công nghệ trong nước đang dần thụ động và không chịu đổi mới.
Theo đó, trong khi Elon Musk thúc đẩy phát triển những chiếc xe tương lai và định vị vũ trụ, những bộ óc xuất sắc tại Trung Quốc lại chỉ tập trung làm game cho smartphone, tìm cách tăng lượt quảng cáo trên mạng xã hội và đầu cơ vào bất động sản.
“Trung Quốc không còn những "kẻ điên" như Thung lũng Silicon. Nhiều ông chủ công nghệ giờ đây không khác gì bù nhìn. Không còn ai dám thử nghiệm những ý tưởng táo bạo nữa”, ông Yan chia sẻ.
Những tập đoàn công nghệ tại Trung Quốc đã khiến những hy vọng của giới trẻ về sự phát triển công nghệ tan biến. Ảnh: Financial Times. |
Theo New York Times, Chính phủ Trung Quốc càng muốn thể hiện sự độc tài với Tesla bao nhiêu, người dân Trung Quốc lại càng ngưỡng mộ Elon Musk bấy nhiêu.
Cộng đồng hâm mộ lại tiếp tục ấn tượng khi vị tỷ phú đạt được những thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. Đưa Tesla trở thành công ty sản xuất ôtô nước ngoài đầu tiên được vận hành nhà máy mà không cần một đối tác địa phương.
"Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của anh ấy khi phá bỏ những quy ước lỗi thời. Nhưng tôi không thích cách anh ấy xâm phạm vào những điều quan trọng của xã hội", Hong Bo, nhà bình luận công nghệ lâu năm tại Trung Quốc cho biết.
Năm 2020, Musk từng lên tiếng đả kích các quan chức y tế California khi họ cho đóng cửa nhà máy Tesla vì lo ngại đại dịch Covid-19. Công ty cũng bị nghi ngờ vì gây thương tích tại nơi làm việc và phân biệt chủng tộc. Musk và Tesla từ chối bình luận về những điều này.
Giấc mơ của giới trẻ Trung Quốc tan vỡ
Theo Biao Xiang, Giám đốc của Max Planck, trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế chóng mặt, điều mà những người trẻ ở Trung Quốc nhận được là sự cạnh tranh gay gắt để giành lấy cơ hội làm việc. Họ bị cuốn vào những hy vọng được "thay đổi cuộc đời", nhưng cuối cùng lại là một công việc không ổn định.
Thất nghiệp, vô gia cư là những thực trạng mà giới trẻ Trung Quốc đang đối mặt. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài việc chỉ trích văn hóa làm việc áp lực và bốc lột sức lao động tại các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, nhiều người còn hoài nghi về ảnh hưởng của các nền tảng như Alibaba đến yếu tố thương mại và tài chính. Tuy nhiên, họ vẫn tin rằng những tiến bộ công nghệ có thể thay đổi mọi thứ. "Đó là lý do Elon Musk có sức hút", theo Xiang.
“Họ không chống lại công nghệ. Họ chỉ phản đối kiểu thao túng mà các nền tảng công nghệ tại Trung Quốc đang làm”, Xiang cho biết.
Tại Trung Quốc không thiếu những ông trùm công nghệ thẳng tính bày tỏ sự bất mãn với chỉnh phủ. Và điều này đã khiến sự nghiệp của họ không mấy vươn xa. Điển hình là khi Jack Ma bày tỏ sự khó chịu đối với các cơ quan quản lý, ông đã vô tình đưa công ty mình vào tầm ngắm.
Chính phong cách bất cần đã giúp Elon Musk đánh lừa được nhiều người. Họ không cảm thấy ông là một mối nguy tiềm ẩn. New York Times nhận định các quan chức Trung Quốc đã không dự tính được tương lai lâu dài này.
Musk luôn thể hiện sự bông đùa khiến nhiều người cho rằng ông thiếu nghiêm túc khi giải quyết những vấn đề quan trọng của xã hội. Ảnh: Axios. |
Vào năm 2019, Elon Musk và Jack Ma đã gặp nhau tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới được tổ chức ở Thượng Hải. Cuộc tranh luận của ông chủ Alibaba và CEO Tesla, xoay quanh các chủ đề về AI, khai phá Sao Hỏa và tương lai, diễn ra căng thẳng với sự bất đồng lớn trong quan điểm của hai tỷ phú.
Trong một video tổng hợp các khoảnh khắc khó xử từ sự kiện được đăng trên trang Bilibili, đa phần những bình luận tàn bạo đều hướng vào Jack Ma.
“Đây là người Trung Quốc từng được tôn sùng như vị thần. Đứng trước một bậc thầy chuyên môn, ông ấy không khác gì một con khỉ đang biểu diễn", trích bình luận từ Bilibili.