Năm 2020, tài sản của Elon Musk đã tăng nhanh chóng khi cổ phiếu công ty Tesla do ông điều hành tăng giá gần 8 lần. Nhờ đó, Musk trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản gần 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, chỉ trong 1 tuần qua tài sản của ông đã giảm mất 27 tỷ USD do sự mất giá của cổ phiếu Tesla. Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaire Index, tổng tài sản của Elon Musk hiện ở mức 157 tỷ USD, thấp hơn 20 tỷ USD so với Jeff Bezos.
Cổ phiếu Tesla mất giá khiến tài sản của Elon Musk hụt đi tới 27 tỷ USD chỉ trong 1 tuần. Ảnh: The Verge. |
Theo CNBC, việc sở hữu phần lớn cổ phần Tesla khiến tài sản của Elon Musk cũng biến động theo cổ phiếu công ty này. Elon Musk nắm giữ 22% cổ phần Tesla, và cổ phiếu đã giảm 15% kể từ đầu năm, xuống mức 600 USD lần đầu tiên từ tháng 12/2020.
Dưới đây là những lý do chính khiến cổ phiếu Tesla giảm giá mạnh.
Áp lực từ thị trường
Vào ngày 4/3, Chủ tịch Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch. Thị trường đã phản ứng với những lo ngại rằng lãi suất có thể tăng và Fed cũng không thể kiểm soát.
Đây là yếu tố khiến các cổ phiếu công nghệ, bao gồm cả Tesla, bị điều chỉnh giảm mạnh. CNBC đánh giá cổ phiếu công nghệ có giá trị do các công ty luôn có dòng tiền ổn định. Nếu lạm phát tăng, giá trị của dòng tiền mặt sẽ giảm xuống. Ngoài Tesla, cổ phiếu Apple cũng giảm từ 129 USD xuống 121 USD, còn với Netflix là 523 USD xuống 516 USD.
Những đối thủ lớn trong làng xe như Porsche giờ đây cũng tập trung vào xe điện, cạnh tranh với Tesla. Ảnh: Porsche. |
Bên cạnh đó, những nhà đầu tư lớn trên thị trường bắt đầu để ý đến những công ty cạnh tranh với Tesla. Ron Baron của Baron Capital đã bán 1,7 triệu cổ phiếu Tesla và đầu tư vào 2 công ty đối thủ là Cruise của GM và Rivian do Amazon đứng sau.
Nhiều hãng xe truyền thống như Ford, Porsche thời gian gần đây cũng ra mắt những mẫu xe điện rất ấn tượng, như F-150 phiên bản chạy điện, hay Taycan Cross Turismo.
Steve Westly, cựu thành viên hội đồng quản trị của Tesla cũng cho rằng dù ông vẫn giữ quan điểm mua vào, Tesla sẽ không thể đứng trên đỉnh thị trường xe điện mãi mãi.
"Họ đang đối mặt với sự cạnh tranh từ mọi phân khúc, và sẽ phải nỗ lực rất nhiều", ông Westly nói với CNBC.
Thiếu hụt linh kiện, chưa cắt giảm được chi phí
Việc thiếu hụt chip đã trở thành vấn nạn chung đối với toàn bộ ngành xe. Vào ngày 25/2, Elon Musk cho biết nhà máy của Tesla ở Fremont, California đã phải đóng cửa tạm thời vì thiếu linh kiện. Musk cho biết toàn bộ nhà máy chỉ đóng cửa trong 2 ngày, nhưng không nói thêm liệu các dây chuyền đơn lẻ có bị ảnh hưởng.
Trước đó, ở báo cáo tài chính quý IV/2020, Tesla cho biết việc thiếu chip có thể ảnh hưởng tới sản lượng dự kiến của họ trong nửa đầu 2021.
"Model S và X vẫn sẽ có sản lượng thấp do đang chuyển sang sản phẩm mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng hết sức để vượt qua tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, cũng như ảnh hưởng từ các cảng", Giám đốc Tài chính Zachary Kirkhorn của Tesla cho biết.
Tesla gần đây phải triệu hồi hơn 36.000 mẫu Model S và X để sửa màn hình cảm ứng. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài ảnh hưởng đến số lượng xe xuất xưởng, nếu Tesla không thể sản xuất xe vượt trội so với các hãng khác thì lượng điểm thưởng phát thải của hãng cũng sẽ ít đi. Đây là nguồn thu quan trọng của Tesla, khi họ có thể bán bớt điểm thưởng cho các hãng xe khác.
CNBC cho rằng kiểm soát chi phí cũng là một vấn đề lớn với Tesla. Tháng 12/2020, ông thừa nhận với nhân viên rằng nếu các nhà đầu tư nhận thấy Tesla không thể tạo ra lợi nhuận, cổ phiếu công ty này sẽ mất giá thảm hại.
Tuy nhiên, Tesla đang ở trong hoàn cảnh buộc phải bỏ tiền để mở rộng. Họ đang xây thêm nhà máy ở Texas, Brandenburg (Mỹ) và mở rộng cơ sở tại Trung Quốc.
Musk còn có tham vọng xây dựng công ty tự khai thác lithium để làm pin cho Tesla. Những nỗ lực này đều rất tốn kém, và kết hợp cùng những đợt triệu hồi cả trăm nghìn xe để sửa chữa, sẽ khiến Tesla khó mà cắt giảm chi phí.