Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hoàng Mỹ trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục tình báo Bộ Quốc phòng. Từ năm 1948, ông đã góp phần đào tạo, xây dựng và tổ chức được một số nhà tình báo chiến lược cài trong các cơ quan quyền lực tối cao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau này...
Vào dịp kỉ niệm 39 năm Đại thắng mùa xuân 1975, tại một căn hộ trong ngõ nhỏ gần Sân vận động Hàng Đẫy (SVĐ Hà Nội), gia đình ông Vũ Mạnh Kha (nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội) và một số đồng đội đã tổ chức buổi lễ đầm ấm kỉ niệm 100 năm ngày sinh ông Hoàng Mỹ (tức Vũ Văn Địch, tức Trần Hiệu), nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ thời kỳ 1945-1946, nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng.
Ông Hoàng Mỹ chính là người được Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược với những tên tuổi xuất sắc như Trần Quốc Hương, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…
Giữa tháng 4/2014, tôi đến thăm Đại tá Hà Mai (tức Hà Xuân Thái, cựu sĩ quan tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện trú tại phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tôi có may mắn được quen biết Đại tá Hà Mai trong một lần lấy tư liệu viết loạt bài kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Ông Hà Mai từng là một trong những người tham gia hỏi cung phi công Mỹ tại “Khách sạn Hilton Hà Nội”, tức nhà tù Hỏa Lò trứ danh một thời. Trong phòng khách của gia đình ông Hà Mai, có treo một bức ảnh chụp tại chính căn phòng khách đó. Hầu hết gương mặt trong ảnh là những nhà tình báo tên tuổi của Việt Nam như: Trần Quốc Hương (tức Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương), “Ông cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ, “Ký giả” Phạm Xuân Ẩn...
Chỉ vào một người trong bức ảnh, Đại tá Hà Mai nói: “Đây là ông Trần Hiệu, tức Hoàng Mỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ”. Tôi còn được ông Hà Mai cho biết: “Tôi với vợ chồng anh Trần Hiệu là chỗ thân thiết. Thuở anh còn bình sinh, chúng tôi vẫn đi lại, thăm hỏi lẫn nhau”. Cũng xin nói thêm về ông Hà Mai, là một trí thức từ thời Pháp thuộc, được giác ngộ cách mạng và trở thành sỹ quan tình báo Quân đội.
Từ thông tin ông Hà Mai cung cấp, tôi tìm đến thăm gia đình người con trai cả của đồng chí Hoàng Mỹ trong một khu tập thể thuộc quận Ba Đình - Hà Nội. Thì ra, đây là một người không xa lạ: Ông Vũ Mạnh Kha, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khóa X. “Ông cụ nhà tôi - ông Kha xúc động nhớ về người cha của mình - sau này chuyển sang ngành Kiểm sát, làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao suốt 23 năm cho đến khi nghỉ hưu”...
Ông Hoàng Mỹ và vợ. |
Ông Hoàng Mỹ (Trần Hiệu) tên thật là Vũ Văn Địch, sinh năm 1914 tại làng Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội). Năm 1926, cậu học trò Vũ Văn Địch tham gia để tang chí sĩ Phan Châu Trinh tại trường làng, sau đó được giác ngộ cách mạng. Với sự giới thiệu của nhà cách mạng Trường Chinh, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938, sinh hoạt tại chi bộ Hà Nội, rồi được cử về hoạt động ở Hải Phòng.
Sau khi sa vào tay mật thám Pháp (tháng 9/1939), Vũ Văn Địch bị giam cầm ở các nhà tù Bắc Mê, Sơn La rồi bị đày sang Madagascar khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, cùng với một số chiến sĩ cách mạng như Hoàng Đình Giong, Phan Bôi, Lê Giản, Dương Công Hoạt... Họ bị người Pháp liệt vào diện “nguy hiểm đối với an ninh của Đông Dương”, nên phải đi đày biệt xứ.
Tại nơi lưu đày, những người tù Cộng sản đã khôn khéo tranh thủ sự ủng hộ của quan chức và người dân địa phương, giữ gìn khí tiết của những người cách mạng chân chính. Không lâu sau khi họ đặt chân đến Madagascar, năm 1942, quân Anh đánh chiếm Madagascar; tù nhân đều được tuyên bố trả tự do. Các sỹ quan Anh tới gặp, hỏi kỹ về những người tù Việt Nam đang bị lưu đày và nhận được câu trả lời: Chúng tôi mong muốn được tham gia cùng Đồng minh chống phát xít. Do vậy, tình báo Anh đã đưa họ sang Ấn Độ đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ tình báo, kĩ thuật truyền tin...
Cuối năm 1944, nắm bắt thời cơ cách mạng đang đến gần, những tù nhân Cộng sản do Hoàng Đình Giong và Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, sau Cách mạng Tháng Tám là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ cách mạng lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch) đứng đầu, đã tác động để được người Anh đưa về nước. Họ nêu nguyện vọng: “Chúng tôi muốn sớm được về nước để tham gia chống Nhật.
Khi đánh bại Nhật rồi, mong Đồng minh công nhận Việt Nam độc lập”. Con đường lưu đày dài dằng dặc và gian khổ bao nhiêu, thì lúc về lại nhanh chóng, thuận lợi bấy nhiêu; lần lượt 7 chiến sĩ cách mạng được máy bay của Không quân Anh đưa từ Ấn Độ sang Việt Nam để nhảy dù xuống các địa điểm đã chọn.
Nhóm ông Hoàng Đình Giong (sau này là Khu trưởng Khu 9, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp) và Lê Giản (tức Tô Gĩ, sau này là Giám đốc Nha Công an Trung ương) nhảy dù xuống huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày 25/10/1944, bắt liên lạc với đồng chí Hồng Kỳ (tức Đoàn Văn Nhật, một người bạn tù chính trị của họ ở nhà tù Sơn La); được đồng chí Vũ Anh, đại diện Tỉnh ủy Cao Bằng đón tiếp.
Sau khi được đồng chí Vũ Anh báo cáo, Bác Hồ đã rất vui mừng và chỉ đạo giao nhiệm vụ ngay cho họ, bởi tình hình cách mạng chuyển biến từng ngày. Đặc biệt, Bác chỉ đạo: “Giữ liên lạc thường xuyên với người Anh, xin thêm điện đài, thuốc men và vũ khí”.
Chuyến nhảy dù thứ hai gồm Phan Bôi và Dương Công Hoạt, cũng đáp xuống Cao Bằng cuối tháng 11/1944. Trong lần này, Không quân Anh còn thả hàng tiếp tế gồm radio, pin, chăn màn, quần áo, thuốc men, một số dụng cụ y tế; riêng vũ khí như ta đề nghị, người Anh trả lời sẽ gửi sau.
Nhóm cuối cùng gồm các ông Nguyễn Văn Phòng, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Địch nhảy dù xuống vùng Chúc Sơn (vùng giáp ranh giữa Hà Nội - Hòa Bình). Sau khi đáp xuống đất (làng Tiên Lữ, gần chùa Trầm hiện nay), họ tìm được nơi ẩn náu an toàn và bắt mối với tổ chức.
“Ông cụ nhà tôi có nhiều tên khi hoạt động cách mạng. Cái tên Hoàng Mỹ, là do cụ ghép chữ cái địa danh quê hương tổng Hoàng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông xưa. Còn Trần Hiệu, cụ lấy theo tên ông Tô Hiệu, một người Cộng sản kiên cường trong nhà ngục Sơn La, nơi chính ông cụ nhà tôi cũng bị giam cầm...”. Ông Vũ Mạnh Kha, trưởng nam của đồng chí Hoàng Mỹ nhớ lại.
Tại phòng khách của gia đình ông Kha, có treo trang trọng một bức ảnh đen trắng: Bác Hồ và các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong lễ vinh thăng cấp hàm Tướng và Đại tá tháng 12/1959. Trong bức ảnh còn có Bác Tôn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo khác... Ông Kha chỉ cho tôi người sỹ quan có nét mặt oai nghiêm song rất tươi, đứng ở hàng thứ tư, và bảo: “Ông cụ nhà tôi đây. Năm ấy, cụ được phong quân hàm Đại tá”.
Sau khi nhảy dù và bắt liên lạc với cách mạng, ông Trần Hiệu được đồng chí Trần Quốc Hoàn (Phó Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đương thời) giao nhiệm vụ: Giữ liên lạc thường xuyên qua điện đài với người Anh; Chuẩn bị tổ chức liên lạc bằng điện đài giữa Trung ương và Xứ ủy; Chuẩn bị chương trình mở lớp công tác trinh sát quân sự cho Xứ ủy Bắc Kỳ... Trong Cách mạng Tháng Tám, ông Trần Hiệu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông.
Các nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam trong một lần gặp mặt. (Hàng dưới từ trái qua: Ông Vũ Ngọc Nhạ, ông Hoàng Mỹ, ông Trần Quốc Hương; hàng trên, thứ hai và thứ ba từ trái qua: ông Hà Mai và ông Phạm Xuân Ẩn). |
Sau ngày tuyên bố độc lập và ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời, cân nhắc kĩ và đánh giá khả năng của những chiến sĩ cách mạng bị lưu đày đã được huấn luyện về tình báo, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định giao cho đồng chí Hoàng Mỹ nhiệm vụ phụ trách Phòng Án chính trị (an ninh), rồi Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ; khi chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Nha Công an Trung ương, đồng chí Hoàng Mỹ là Bí thư. Giữa năm 1946, người thứ hai trong nhóm tù chính trị lưu đày ở Madagascar là ông Lê Giản, cũng được giao trọng trách Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương.
Không phụ niềm tin của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, ông Lê Giản, ông Hoàng Mỹ và các cộng sự của mình đã có nhiều đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ trật tự, trị an trong những ngày vận nước lâm nguy. Đặc biệt, qua vụ án Ôn Như Hầu, lực lượng Công an cách mạng non trẻ đã đập tan âm mưu thâm độc của bọn phản động Quốc dân đảng, Đại Việt, Việt Cách... câu kết với thực dân Pháp định tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Theo Hiệp định Sơ bộ (3/1946), quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng để giải giáp quân Nhật.
Quân Pháp liên tục gây hấn, ngang ngược đòi tước khí giới của tự vệ ta, đòi quyền giữ gìn trật tự, trị an ở Hà Nội. Trong khi đó, các tổ chức Việt gian phản động cũng ra sức chống phá. Lợi dụng thời điểm Bác Hồ đang thăm nước Pháp, đầu tháng 7/1947, bọn phản động lập kế hoạch đảo chính rất thâm độc.
Theo đó, nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7/1946), khi phía Pháp diễu binh trên một số đường phố Hà Nội; lực lượng đảo chính sẽ ném lựu đạn vào đoàn diễu binh, rồi vu cho Việt Minh. Lập tức, quân Pháp sẽ tấn công các trụ sở cách mạng, giải tán Chính phủ; bọn phản động “đục nước béo cò”, đứng ra thành lập tân Chính phủ.
Tuy nhiên, với sự mưu trí và tinh thần yêu nước nồng nàn, những người lãnh đạo lực lượng Công an non trẻ, trong đó có các đồng chí Lê Giản, Hoàng Mỹ... đã đề xuất với quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp có những quyết sách kịp thời, đập tan âm mưu thâm độc của bọn phản động.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hoàng Mỹ trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục tình báo Bộ Quốc phòng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ và Trung ương Đảng, lực lượng tình báo Quân đội đã trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, góp phần vào những thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt, ngay từ năm 1948, đồng chí Hoàng Mỹ đã góp phần đào tạo, xây dựng và tổ chức được một số nhà tình báo chiến lược cài cắm trong các cơ quan quyền lực tối cao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau này...
Năm 1960, đồng chí Hoàng Mỹ được cách mạng giao nhiệm vụ mới: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và đảm trách cương vị này suốt 23 năm cho đến khi nghỉ hưu năm 1984... Ghi nhận những công lao, đóng góp của đồng chí Hoàng Mỹ với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất.
Hơn nửa thế kỷ tận trung với nước, với dân, năm 1997, Đại tá Hoàng Mỹ, người chiến sỹ Cộng sản kiên cường bị lưu đày ở Madagascar, một trong những người lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, đã trút hơi thở cuối cùng. Trong dòng người tiễn đưa ông về thế giới vĩnh hằng, người ta dễ dàng nhận ra những gương mặt là niềm tự hào của lực lượng tình báo chiến lược Việt Nam