Phát minh này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế giải pháp hữu ích. Sau đó, hệ thống xử lý khói thải lò hỏa thiêu áp dụng tại công viên nghĩa trang Thanh Bình (tỉnh Nam Định) của ông Giao đạt huy chương vàng “Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế dành cho các sáng tạo mang tính xã hội” do Euro Business Haller tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan, Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới.
Sáng 29/11, tại chung kết “Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020”, ông Giao là một trong 4 nhà sáng chế đoạt giải thưởng quốc tế, được Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng Hiệp hội Sáng chế Việt Nam vinh danh.
Ông Trần Đình Giao (giữa) trong buổi trao chứng nhận tại Techfest 2020. |
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Giao cho biết, là người đứng đầu công ty cung cấp dịch vụ tang lễ, bản thân ông luôn tâm niệm phải cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Ý tưởng về lò thiêu không xả thải ra môi trường được ông ấp ủ nhiều năm.
Năm 2012, Công ty Hoàng Long bắt đầu nhận dự án xây dựng lò hoả thiêu tại Nam Định. Để triển khai kế hoạch tốt nhất, ông Giao dành nhiều thời gian sang các nước trên thế giới để tham khảo công nghệ lò hỏa thiêu. Ông cũng đến tất cả lò thiêu trong nước. Ông nhận thấy ống khói của lò thiêu những nơi mình đi qua đều đưa thẳng lên trời, ảnh hưởng lớn tới môi trường và cuộc sống người dân xung quanh.
Xuất phát từ trăn trở làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa bảo vệ môi trường, ông tìm cách thử bẻ gập ống khói xuống lòng đất. Qua quan sát, ông thấy lượng khí thải ra từ lò thiêu lớn, lượng gió thổi ra tương đương cấp 9 trong khi hơi nóng tỏa ra là 500 độ C.
“Sức nóng này hoàn toàn có thể làm sôi nước. Gió thổi cấp 9 nếu thành dòng được thì có thể đẩy nước chảy tuần hoàn thay vì thoát ra môi trường”, ông kể.
Phát hiện ra điều này, ông say mê thiết kế, làm tất cả mô hình từ nhỏ đến lớn, tạo ra mương tuần hoàn.
“Tôi lợi dụng sức gió cấp 9 này đẩy nước thành dòng dưới nhiệt độ 500 độ C ra trước cửa ống khói. Theo đó, nhiệt làm nước sôi lên và nước bốc hơi dập bụi, mùi xuống. Cứ như vậy, khí thải không xả ra môi trường nữa”, ông Giao kể về sáng kiến của mình.
Ông Trần Đình Giao nhận giải vàng cuộc thi sáng chế và sáng tạo. |
Trong giai đoạn 2012-2014, công ty của ông đưa vào thử nghiệm 2 lò đầu tiên theo công nghệ này. Trong quá trình hoạt động, các chi tiết chưa tối ưu được hoàn thiện dần. Đến năm 2017, công ty có 7 lò hoàn thiện và chạy ổn định tại tỉnh Nam Định, giải quyết nhu cầu an táng của người dân Nam Định và một số tỉnh thành Bắc Bộ.
So với các lò xả thẳng khói lên cao hiện nay, lò hỏa thiêu của Công ty Hoàng Long khắc phục 100% khói bụi từ lò thiêu ra ngoài môi trường.
“Nếu nói về quan trắc môi trường, những lò thiêu này không làm ảnh hưởng tới người dân. Kể cả đứng sát lò cũng không có cảm giác nóng hay mùi”, ông Giao khẳng định. Việc cải tiến này cũng làm giảm thời gian thiêu gấp 3 lần so với các lò thông thường (45-75 phút so với 150 phút).
Công viên nghĩa trang Thanh Bình tại tỉnh Nam Định. |
“Trong thời gian tới, tôi mong muốn chuyển giao công nghệ này cho các tỉnh nghèo, các tỉnh miền Trung hay bị lũ lụt và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì mùa nước ngập hết, không có chỗ an táng, người dân sẽ đưa thân nhân của mình vào thiêu. Việc sử dụng lò thiêu không khói vừa tiện lợi văn minh, vừa đảm bảo về mặt môi trường”, ông Giao chia sẻ.
Sáng chế của ông Trần Đình Giao được đánh giá cao, mang ý nghĩa nhân văn. Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: “Các ý tưởng chúng ta đem đi tham dự những cuộc thi về sáng chế được nước ngoài đánh giá rất cao. Đây là ý tưởng, nguồn lực lớn. Nếu chúng ta có chính sách, cơ chế tạo điều kiện, những nguồn lực ấy được giải phóng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế, xã hội của Việt Nam trong tương lai”.
Bình luận