Từng được Forbes xếp hạng trong danh sách 200 tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2011, Philip A. Falcone trải qua tuổi thơ nghèo khó khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em ở Chisholm, Minnesota.
Một bài viết còn lưu lại trên tờ tạp chí nội bộ của trường Harvard cho biết, gia đình Philip A. Falcone chỉ sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ nhưng có tới 11 nhân khẩu. Cha ông là một giám sát viên công cộng, còn mẹ làm công nhân tại xưởng may áo sơ mi, với mức lương chỉ 80 cent mỗi giờ.
Bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn, Falcone trở thành học sinh đầu tiên ở ngôi trường phổ thông của mình được nhận vào Harvard. Dù học ngành kinh tế, nhưng thời gian đầu, Falcone lại sớm thể hiện năng khiếu thể thao. Sinh viên này từng theo đuổi con đường của một cầu thủ khúc côn cầu khi còn ngồi trên ghế đại học.
Quỹ đầu tư của Philip A. Falcone rót vốn vào Việt Nam từ năm 2007 với dự án Hồ Tràm Strip. Ảnh: BI. |
Tốt nghiệp đại học năm 1984, Falcone rời Boston để chơi cho một đội khúc côn cầu Thụy Điển trước khi phải nghỉ thi đấu vì chấn thương một năm sau đó. Đây chính là bước ngoặt khiến cuộc đời của Falcone thay đổi, đưa ông trở thành một trong những tỷ phú đặc biệt nhất trong danh sách Forbes.
Năm 1985, Falcone khởi nghiệp tài chính với một vị trí trong nhóm đầu tư trái phiếu rủi ro cao tại Công ty chứng khoán Kidder, Peabody & Co. Điều đặc biệt là Philip A. Falcone không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập với công việc mới, cũng như đống giấy tờ và các mối quan hệ chẳng liên quan gì đến khúc côn cầu.
"Làm tài chính với tôi như một lẽ tự nhiên", Falcone nói. "Tuy vậy, tôi biết mình sẽ không thể trở thành một ông chủ nhà băng, bởi bản thân không phải người kiên nhẫn cho lắm".
Năm 1991, Philip A. Falcone hùn vốn với vài người bạn học cùng trường Harvard để mua lại một công ty chuyên sản xuất lược và những sản phẩm tiêu dùng, có trụ sở ở New Jersey. Thật không may, công ty này gặp thua lỗ liên tục, và ông đã phải dốc những đồng xu cuối cùng để trả nợ cho tới năm 1997.
Sau một thời gian ngắn làm việc tại Barclay's Capital dưới nhiều cương vị, năm 2001, Falcone lập đế chế riêng của mình, thông qua việc quản lý quỹ đầu tư Harbinger Capital Partners.
Với Harbinger Capital, Philip A. Falcone tiếp tục chinh phục những khoản đầu tư rủi ro khi quỹ của ông chỉ chú trọng mua trái phiếu của các công ty đang trên bờ vực phá sản.
Tiếng tăm của Philip A. Falcone vụt sáng khi ông bất ngờ kiếm được hàng tỷ USD nhờ thương vụ đặt cược vào các hợp đồng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2006. Chỉ sau một đêm, Philip A. Falcone trút bỏ hình ảnh của một gã vô danh, ngập đầu trong nợ khi trở thành tỷ phú, sở hữu 1,7 tỷ USD, và là ông chủ của căn penthouse 27 phòng ngủ tại Manhattan, có giá lên tới 49 triệu USD.
Với số tiền kiếm được, Falcone đầu tư vào Công ty viễn thông LightSquared. Tuy nhiên, công ty này hoạt động không mấy suôn sẻ, khiến tài sản của Falcone bị thâm hụt nhanh chóng.
Năm 2012, ông mất tới một nửa tài sản vì thua lỗ trong kinh doanh, và đến nay, danh sách tỷ phú của Forbes không còn ghi nhận cái tên Philip A. Falcone nữa.
Năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ra lệnh cấm Falcone tham gia thị trường chứng khoán trong ít nhất 5 năm, do những sai phạm nghiêm trọng khi điều hành quỹ đầu tư Harbinger Capital.
Dù bác bỏ cáo buộc sử dụng bất hợp lý 113 triệu USD tiền của khách hàng để trả thuế cá nhân, thiên vị đề nghị rút tiền của một số nhà đầu tư và thao túng giá trái phiếu, nhưng Falcone vẫn phải chấp nhận nộp phạt cá nhân với số tiền lên tới 11,5 triệu USD.
Vào năm 2007, Philip A. Falcone với tư cách là Giám đốc điều hành Harbinger Capital Partners đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD cho dự án Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được truyền thông Việt Nam khi đó rất quan tâm, bởi Harbinger Capital Partners có kế hoạch xây dựng một casino tầm cỡ thế giới ở đây - mô hình kinh doanh còn mới lạ tại Việt Nam.
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp kéo dài suốt 30 năm, Philip A. Falcone vẫn giữ nguyên tâm niệm về sự thành công và đức tính chăm chỉ. "Không có gì có thể thay thế được làm việc chăm chỉ. Nếu như bạn chăm chỉ làm việc thì cơ hội, may mắn của bạn sẽ lớn hơn những người khác. Và một điều quan trọng nữa là niềm say mê. Tôi yêu những gì tôi đang làm, tôi không làm chúng vì tiền", ông chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Doanh nhân Sài Gòn.