Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Là lãnh đạo một trong 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống, ông Trần Bắc Hà từng được xem lãnh đạo quyền lực giới tài chính Việt.

Ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển và Đầu tư Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán BID) để nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016. 

Hành trình hơn 35 năm gắn bó tại BIDV

Đây cũng là điểm kết cho hành trình hơn 35 năm gắn bó của ông với ngân hàng này.

Trước đó, ông được xem là một trong những nhân vật quyền lực và có nhiều ảnh hưởng nhất đối với giới tài chính Việt Nam.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định. Từ khi bắt đầu sự nghiệp ông đã gắn bó với BIDV. Khi đó, ông mới 25 tuổi. Sau 10 năm công tác tại nhà băng này, tháng 7/1991, ông được bổ nhiêm chính thức làm Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định. Trước đó, ông từng giữ các chức vụ như Giám đốc Sở Giao dịch III; Giám đốc Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, Giám đốc Công ty chứng khoán BIDV…

Sai pham cua ong tran bac ha thoi dieu hanh BIDV anh 1
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV. Ảnh: BIDV.

Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến tháng 5/2003, ông được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng.

Ông chính thức trở thành lãnh đạo quyền lực nhất tại nhà băng này từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQTvà là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần Nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BID.

Ngoài vai trò lãnh đạo tại BIDV, ông Hà cũng từng là Chủ tịch HĐQT hàng loạt công ty như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC); Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC); Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC); rồi Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM)

Trong suốt năm tháng ở BIDV, ông Hà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp BIDV khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng.

Sai pham cua ong tran bac ha thoi dieu hanh BIDV anh 2

Sự nghiệp của ông gắn với sự kiện BIDV lên sàn chứng khoán giúp ngân hàng này thu về hàng nghìn tỷ đồng. Thương vụ IPO BIDV vào năm 2011 đã giúp ngân hàng này thu về hơn 1.575 tỷ đồng từ việc chào bán thành công toàn bộ 84,7 triệu cổ phần đưa ra đấu giá khi đó. BIDV cũng trở thành ngân hàng có sức ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt khi là 1 trong 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Dưới sự lãnh đạo của ông Hà, năm 2015, BIDV đã nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) để trở thành nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

2 lần dính tin đồn bị bắt

Tuy nhiên, bên cạnh những chiến tích trong sự nghiệp của mình, ông Hà cũng từng vướng vào nhiều lùm xùm, tin đồn bị bắt.

Cụ thể, ông Hà từng 2 lần dính tin đồn bị bắt vào năm 2013 và 2017 vừa qua. Cả 2 lần thông tin này xuất hiện đều ảnh hưởng khiến thị trường chứng khoán "bốc hơi" tỷ USD.

Trước đó, ông Hà cũng từng dính vào tin đồn cho Ngân hàng Phương Nam vay 5.000 tỷ đồng, hỗ trợ Phương Nam thâu tóm Sacombank. Tuy nhiên, ông Hà bác bỏ tin và cho hay hỗ trợ Phương Nam là trong sáng, minh bạch.

Sai pham cua ong tran bac ha thoi dieu hanh BIDV anh 3

Sau khi nghỉ hưu, ông Hà thường xuyên sang Lào để cùng một số người thân triển khai các dự án trồng cây nông nghiệp tại đây.

Gần đây, ông nhiều lần được triệu tập đến phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Hà nhiều lần vắng mặt vì lý do sức khỏe và sang Singapore chữa bệnh.

Ông Hà là một trong gần 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ đại án này được TAND TP.HCM triệu tập lấy lời khai. Trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.

Vi phạm của ông Trần Bắc Hà đến mức phải xử lý kỷ luật

Theo biên bản kết quả kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về dấu hiệu vi phạm tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.

Với cá nhân ông Trần Bắc Hà, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm của ông là "rất nghiêm trọng".

Cụ thể, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Cựu Chủ tịch BIDV cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ủy ban Kiểm tra đánh giá, các vi phạm của ông Trần Bắc Hà cùng với 2 cá nhân khác là ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

 

Vi phạm của ông Trần Bắc Hà đến mức phải xử lý kỷ luật

Những vi phạm của cựu Chủ tịch BIDV khi điều hành ngân hàng này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là "rất nghiêm trọng", phải xem xét, xử lý kỷ luật.


‘Kết luận của Ủy ban Kiểm tra giúp BIDV, NHNN hoạt động lành mạnh hơn’

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hoàng Thanh

Bạn có thể quan tâm