Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai trong một sự kiện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: V.Đ. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bà Loan và Quốc Cường Gia Lai được xác định có liên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị liên quan.
Từ xưởng buôn gỗ đến đại gia bất động sản
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960. Không chỉ là Tổng giám đốc, nữ doanh nhân gốc Bình Định còn là người sáng lập Quốc Cường Gia Lai và từng có thời gian đảm nhận vị trí Chủ tịch doanh nghiệp.
Quốc Cường Gia Lai xuất phát là một cơ sở khai thác chế biến gỗ xuất khẩu ở Gia Lai vào năm 1994. Cùng với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), bà Nguyễn Thị Như Loan từng là một trong 2 chủ buôn gỗ lớn nhất Gia Lai.
Năm 2007, doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần, đồng thời đổi tên thành CTCP Quốc Cường Gia Lai.
Với thế mạnh ở ngành gỗ, công ty đã cung cấp hơn 100.000 m3 gỗ dùng để sản xuất các sản phẩm cửa, kệ bếp, tủ âm tường và nội thất cho các công trình, căn hộ, biệt thự, nhà phố….
Ngay từ sớm, Quốc Cường Gia Lai đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM và sở hữu quỹ đất lớn tại các quận trung tâm thành phố cũng như ở Bình Chánh, Nhà Bè… Tiêu biểu nhất có thể kể đến hàng trăm ha đất tại dự án Phước Kiển.
Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan từng là một trong 2 chủ buôn gỗ lớn nhất Gia Lai. Ảnh: H.B. |
Quốc Cường Gia Lai cũng bước chân vào ngành cao su với các dự án tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai từ năm 2008. Để mở rộng quy mô và tăng sức cạnh, doanh nghiệp còn triển khai đầu tư dự án trồng cao su tại Campuchia. Từ năm 2013 đến nay, Quốc Cường Gia Lai đã đi vào khai thác mủ với năng suất 100% trên 7.000 ha.
Ở mảng thủy điện, công ty đã khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Lagrai 1 với công suất 10,8 MW từ năm 2012. Sau đó tiếp tục rót vốn vào dự án thủy điện có quy mô nhỏ và vừa như Lagrai 2, Pleikeo và Anyun Trung.
Hiện bà Loan và gia đình nắm phần lớn cổ phần tại Quốc Cường Gia Lai. Tính đến cuối năm 2023, vị lãnh đạo sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương 37,05% vốn doanh nghiệp.
Trong khi đó, con trai và con gái bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường (hay còn được biết đến với biệt danh Cường Đô La) và bà Nguyễn Thị Ngọc My nắm lần lượt 537.500 cổ phiếu và 39,384 triệu cổ phiếu QCG. Nếu tính cả cổ phần của người liên quan, sở hữu của nhóm này chiếm 60% vốn doanh nghiệp.
Đây cũng là lý do phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Quốc Cường Gia Lai không thể diễn ra vào cuối tháng 6 vì bà Loan và con gái đều vắng mặt với lý do cá nhân.
Danh mục bất động sản vướng nhiều lùm xùm
Dù sớm vươn mình trở thành đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, danh mục dự án của Quốc Cường Gia Lai lại vướng nhiều lùm xùm khác nhau.
Trong đó, dự án 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4, TP.HCM) là sai phạm khiến bà bà Loan bị khởi tố, bắt tạm giam.
Về nguồn gốc, khu đất này là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa (cùng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) quản lý.
Tháng 12/2009, 2 doanh nghiệp này góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín với vốn điều lệ 60 triệu đồng.
Đến tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất nói trên cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.
Khu phức hợp căn hộ, thương mại văn phòng, dịch vụ được xây dựng trên khu đất 39-39B Bến Vân Đồn. Ảnh: A.V.N. |
Đầu tháng 9/2014, Quốc Cường Gia Lai mua lại toàn bộ vốn góp của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Phú Việt Tín, qua đó sở hữu 99,5% vốn doanh nghiệp này.
Chỉ vài tháng sau, Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 40% vốn của Phú Việt Tín cho CTCP Bất động sản Thịnh Vượng với giá hơn 340 tỷ đồng; chuyển nhượng 0,5% vốn cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng; và 54% vốn còn lại cũng bán cho CTCP Biệt thự Thành phố với giá 459 tỷ đồng.
Dự án này sau đó đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra một loạt sai phạm liên quan việc giao đất và thực hiện dự án.
Cuối tháng 5, Quốc Cường Gia Lai đã có văn bản giải trình và khẳng định giao dịch liên quan dự án 39-39B Bến Vân Đồn không liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh việc nhận chuyển nhượng vốn tại dự án này đúng quy định.
Ngoài dự án trên, Quốc Cường Gia Lai cũng vướng lùm xùm trong vụ sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Khu dân cư Ven Sông (quận 7). Đây là 2 dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Văn phòng Thành ủy TP.HCM là chủ sở hữu.
Tại vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, HĐXX đã buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan liên quan dự án gần 92 ha cũng tại Phước Kiển.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.