Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dài Việt và thế lực 'chống lưng'

Bước đường thành danh của các người đẹp, người mẫu luôn không thể thiếu sự hỗ trợ của các cộng sự. Nhiều gương mặt trở thành sao bởi có thế thực “chống lưng” hùng hậu.

Lò luyện sắc đẹp

Lò luyện sắc đẹp là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam trước những năm 2000 và kéo dài đến những năm 2003-2004. Thời bấy giờ, các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi luôn là sân chơi đầy sức hấp dẫn với các cô gái trẻ. Ngày đó, các cuộc thi nhan sắc chưa được tổ chức một cách ồ ạt như bây giờ và Hoa hậu Việt Nam được xem là mục tiêu lớn nhất của các cô gái.

Nhằm lựa chọn những thí sinh đạt tiêu chuẩn cho vòng bán kết và chung kết toàn quốc, hầu hết các tỉnh thành đều tổ chức các cuộc thi hoa khôi hoặc nữ sinh duyên dáng. Chỉ những người đẹp nằm trong top 3 với những ngôi vị hoa khôi, á khôi mới đủ điều kiện góp mặt tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Điều này giúp chất lượng thí sinh tốt hơn những năm gần đây.

Từ các câu lạc bộ, trung tâm đào tạo người mẫu nhiều cô gái trẻ tìm đến các cuộc thi sắc đẹp.

Để có thể góp mặt các tại cuộc thi, nhiều cô gái trẻ đã tìm đến các câu lạc bộ người mẫu, trung tâm đào tạo để tham gia các khóa học ngắn hạn. Mỗi câu lạc bộ và lò đào tạo đều có những giáo trình riêng, nhưng trên tổng thể cách hoạt động đều có điểm chung là hướng dẫn khả năng catwalk, tổ chức các hoạt động biểu diễn giúp thành viên dày dạn hơn trên sân khấu. Đặc biệt là chuẩn bị kỹ về mọi mặt để tham gia các cuộc thi nhan sắc được tổ chức từ địa phương cho tới trung ương.

Hải Phòng là mảnh đất có nhiều lò luyện sắc đẹp nhất. Người trong nghề thường ví nơi đây như Venezuela trên thế giới bởi sự hoạt động nghiêm túc và chuyên nghiệp của các câu lạc bộ người mẫu. Trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam, các thí sinh của thành phố hoa phượng đỏ luôn giành chiến thắng ngoạn mục như hoa hậu Hoàng Nhật Mai, á hậu Vũ Minh Thúy, hoa khôi thể thao Vũ Kim Oanh, á hậu Ngọc Oanh, hoa hậu Phương Mai, hoa hậu Trần Thị Quỳnh và hoa hậu Nguyễn Thị Huyền.

Khi làng mẫu Việt chưa xuất hiện các công ty quản lý người mẫu, những lò luyện sắc đẹp luôn là nơi phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cô gái trở thành ngôi sao.

Đêm chung kết của mỗi cuộc thi đều mở ra những cơ hội mới cho các nhan sắc thắng cuộc.

Danh hiệu tạo nên thương hiệu

Những giải thưởng có giá trị từ các cuộc thi uy tín luôn là mục tiêu thứ 2 của quá trình đẩy sao trong làng mẫu. Nó được ví như chiếc khóa vạn năng, là tấm giấy thông hành giúp nhiều cô gái trẻ bước chân vào showbiz Việt.

Dễ dàng nhận thấy những chân dài đình đám hiện tại của làng thời trang Việt hầu hết đều bước ra từ các cuộc thi lớn như siêu mẫu Thanh Hằng với giải thưởng Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Hoàng Yến từ cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, Trúc Diễm từ cuộc thi Hoa hậu Trái đất, Trương Thị May từng đoạt giải á hậu tại Hoa hậu các dân tộc Việt Nam…

Thanh Hằng bước chân vào làng người mẫu sau khi giành giải thưởng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua ảnh 2000.

Danh hiệu không đóng vai trò quyết định khả năng trở thành ngôi sao đình đám của người đẹp nhưng nó lại là điều kiện không thể thiếu. Vì thế, những cuộc đua nhan sắc và tranh giành giải thưởng đã được người đẹp hưởng ứng hết mình. Sự nở rộ của muôn vàn cuộc thi nhan sắc tạo điều kiện cho họ thực hiện ước mơ tỏa sáng.

Nhiều cô gái “nhẵn mặt” tại các cuộc thi nhan sắc bởi quyết tâm dành được giải thưởng. Trên thực tế, người đẹp có giải thưởng cao luôn được ưu ái trong các show diễn, tiền cát-xê cũng cao hơn và được công chúng biết đến nhiều hơn. Từ các cuộc thi trong nước, các công ty quản lý người mẫu cũng mạnh dạn đưa “gà” của mình chinh chiến trên đấu trường quốc tế.

Trúc Diễm từng tham gia các cuộc thi sắc đẹp trong nước và thế giới để tìm kiếm cơ hội mới cho việc phát triển sự nghiệp.

Các cuộc thi nhan sắc luôn tạo ra sân chơi hấp dẫn và vinh danh những “đóa hoa mới”, nhưng chính cơn khát danh hiệu làm nảy sinh những điều tiếng không hay. Nhiều người đẹp, người mẫu mang tiếng “mua giải” khi nhan sắc và hình thể chưa thực sự thuyết phục công chúng. Thùy Dung, Ngọc Bích, Thùy Lâm, Thu Thảo, Thu Hoài và gần đây nhất là hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Oanh… là những nhân vật từng gây ồn ào bởi nghi án “mua, bán” giải thưởng.

Cùng với sự phát triển của làng thời trang Việt, bên cạnh các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi các cuộc thi tìm kiếm người mẫu trẻ cũng ra đời. Những cô gái có niềm đam mê với sàn catwalk lại có thêm nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ. Những ngôi vị cao tại Siêu mẫu Việt NamVietnam’s Next Top Model đã giúp rất nhiều chân dài có được bước đệm vững chắc. Nhiều gương mặt như Hoàng Yến, Kim Dung, Minh Triệu, Ngọc Oanh, Diệu Huyền, Huyền Trang, Tuyết Lan… đã khẳng định được vị trí sau khi bước ra các cuộc thi.

Minh Triệu thành danh sau khi đạt giải đồng của Siêu mẫu Việt Nam 2008.

Khi đã có danh hiệu, các người mẫu phải tiếp tục lao vào quá trình xây dựng hình ảnh, tạo dựng phong cách. Lúc này các công ty quản lý người mẫu, các ê-kíp hoạt động riêng lẻ sẽ có những chiến lược riêng để giúp “gà” của mình có cơ hội khẳng định tài năng. Thế lực “chống lưng” là điều không thể thiếu để giúp mỗi cá nhân vững bước trên con đường thành công. Các công ty quản lý ra đời cũng nhằm giúp giấc mộng ngôi sao của các người đẹp trở nên thực tế hơn. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt lẩn khuất sau màn nhung, thảm đỏ. Người chiến thắng là những nhân vật mới trong dàn sao Việt và kẻ thất bại thường hiếm khi được nhắc đến tên.

Ngọc Trinh cũng từng tham gia một cuộc thi nhan sắc được tổ chức tại Mỹ để củng cố vị trí của mình trong showbiz Việt.


Thực tế cho thấy, những người mẫu có sự hậu thuẫn tốt của một ê-kíp hay cả công ty chuyên nghiệp đều có nhiều thuận lợi hơn người mẫu tự do. Không có người “chống lưng”, chân dài thường phải gồng mình để xoay sở mọi bề cho công việc của mình. Chuyện về các mô hình quản lý người mẫu Việt Nam sẽ phần nào hé mở sự thật về thế lực “chống lưng” cho chân dài.

Theo Khám phá

Bạn có thể quan tâm