Cuộc khai quật lịch sử cổ vật tàu đắm, thuộc vùng biển Hòn Cau (nay thuộc huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trôi qua hơn 20 năm. Thế nhưng vài năm trở lại đây, giới buôn đồ cổ tại TP HCM lại rộ lên thông tin, một lão ngư ở thị trấn Long Hải vẫn còn “ém” nhiều cổ vật quý.
Hững hờ kho báu triệu đô
Chuyện về kho báu Hòn Cau, theo thời gian tưởng đã chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, đến nay nó vẫn có sức hút lạ kỳ với bất cứ ai. Bên cạnh giá trị kho cổ vật được Nhà nước định giá lên đến 7,6 triệu USD, thì số phận những ngư dân từng bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận từ kho báu vẫn còn là một ẩn số.
Ông Năm Son nhớ về cổ vật. |
Cách đây không lâu, giới săn đồ cổ tại TP HCM đoán định rằng, lão ngư Lê Văn Son - người đầu tiên chạm tay tới kho báu vẫn còn cất giấu cổ vật Hòn Cau. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện trên, chúng tôi trở lại thị trấn Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), tìm gặp những ngư phủ đến nay vẫn được giới buôn đồ cổ nhắc tới.
Câu chuyện kho báu bắt đầu từ lão ngư Lê Văn Son (Năm Son). Đã hơn 20 năm sau ngày kho báu được khai quật, ông Năm Son nay đã ở tuổi 80, mái tóc và đôi lông mày đã ngả màu bạc. Những ngày giông tố tại tọa độ X, nơi chứa kho báu Hòn Cau tưởng chừng đã lui vào dĩ vãng. Nhưng hễ có người nhắc tới, nét mặt lão ngư bỗng bừng sáng đến lạ...
Lão hồ hởi: “Năm 1987, tôi là người đầu tiên phát hiện ra địa điểm con tàu đắm chứa cổ vật giá trị ở vùng biển Hòn Cau. Nhưng mãi đến năm 1990, Nhà nước mới tiến hành khai quật, hiện vật hầu hết là gốm sứ như bình bông, chén dĩa, bình trà…có từ trên 3 thế kỷ”.
Trong một chuyến quăng câu giữa vùng biển Hòn Cau (nhằm hướng Đông Nam của huyện Côn Đảo), ông Năm Son đã trúng mẻ lưới béo bở. Tại đây, cá nhiều vô kể, chỉ mấy ngày ra khơi, cá mực đã đầy ghe. Tò mò, lão ngư quyết định lặn xuống đáy biển thám thính.
Chẳng có rặng san hô hay cụm đá ngầm nào ngoài một chiếc tàu đắm. 2/3 thân tàu đã bị cát biển vùi lấp, trên mũi tàu vương vãi nhiều đồ sành sứ. Lão ngư ám hiệu cho mấy thợ lặn, trước khi ngoi lên mặt nước đã lận lưng vài món đồ về dùng.
Ngư dân chẳng hề biết đã chạm tay vào kho cổ vật triệu đô. “Tôi bảo với mấy thợ lặn đi cùng, mang mấy món đồ sành sứ về xài, chén mình ăn cơm, dĩa đựng thức ăn…”, ông Năm Son nhớ lại. Thậm chí, những ngày sau, ông Năm Son còn gom nhiều đồ vật, để thừa mứa giữa sân. Hàng xóm thấy món đồ lạ mắt xin về, ông cho tất.
“Khi đó tôi còn nhặt được nhiều nắp bình trà, thấy hoa văn đẹp, sáng, tôi đem ra gắn làm trang trí hàng rào. Chỉ khi ông Ch., mối thu mua hải sản của gia đình đem lên Sài Gòn tẩu tán các món đồ này, tôi mới hay đó là những cổ vật quý giá”, ông Son kể.
Có tiếng, chẳng có “miếng”
Khi nghe tôi đề cập đến lời đoán định gần đây của giới buôn đồ cổ Sài Thành rằng, ông còn “ém” cổ vật Hòn Cau trong nhà, lão ngư nét mặt tần ngần, đắng đót thốt lên: “Thạch Sanh ít, Lý Thông nhiều. Kể từ ngày hay tin tôi nhặt được nhiều đồ sành sứ, ngư dân nghèo chẳng ai ngờ đó là cổ vật, riêng ông Ch đã tìm cách thu mua với giá rẻ như bèo, ngang vài cân khô mực. Đến lúc phát hiện ra con tàu đắm ngoài khơi là kho báu, thì ông ta đã mua hết rồi, lặn mất tăm từ đó đến nay”.
Cổ vật được trục vớt từ con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau. |
Năm 1991, rộ lên vùng biển Hòn Cau chứa cổ vật tàu đắm, giới buôn đồ cổ đổ xô tìm về. Các con thuyền ở vùng lân cận cũng đi theo “tiếng vọng biển khơi” ngày đêm đua nhau quần thảo lặn tìm kho báu. Vùng biển bao đời sóng yên, bỗng chốc bất đắc dĩ trở thành “tọa độ nóng”. Các tay thợ lặn sẵn sàng giành giật, hãm hại nhau để sở hữu từng món đồ cổ.
Việc khai thác rầm rộ đang diễn ra thì chính quyền địa phương phát hiện và cấm ngư dân khai thác. Đến lúc này, lão ngư Năm Son mới hay biết và chạy đến đồn Biên phòng 500 - Long Hải báo tin vị trí chính xác nơi con tàu đắm án ngự. Có sự can thiệp của cơ quan chức năng, “buộc” các hiện vật cũng phải lên tiếng...
Những cổ vật được chế tác đến độ chuẩn mực này có từ đời Khang Hy, ngót cũng hơn 3 thế kỷ.
Chuyện kho báu Hòn Cau tưởng đến đây đã có hồi kết, nhưng với ông Năm Son thì không hẳn. Ngư dân làng biển Long Hải cho rằng, ông Son sẽ là người được trao thưởng khi khai báo ra địa điểm kho báu. Thế nhưng, tới lúc ông đi làm thủ tục lãnh thưởng thì bất ngờ, giải thưởng 40 triệu đồng đã được trao cho ngư dân khác. Lí do vì có người đã khai báo trước ông.
Đúng lúc này, chiếc ghe “cần câu cơm” duy nhất của gia đình cũng hỏng. Không tiền sửa sang, ông Son đành gác lưới ngày đêm quên ăn quên ngủ đi... đòi quyền lợi. Suốt 10 năm ròng rã, lão ngư nhiều lần làm đơn nhưng không có kết quả.
“Tôi nhớ 3 năm đầu, số tiền lộ phí đi gõ cửa cơ quan chức năng đã lên đến 50 triệu, còn về sau tôi chẳng thể nhớ nổi. Trong khi tiền thưởng chỉ được 40 triệu, tôi cũng vỡ nợ từ đó. Cái tôi đòi hỏi ở đây là quyền lợi công bằng”.
Buồn vì mãi không đòi được quyền lợi, phần vì tiếc nuối để tuột “lộc trời”, ông Son chẳng còn thiết tha với biển, bỏ nghề từ đó. Ông chép miệng: “Giờ nghĩ lại kho báu Hòn Cau, tôi vẫn còn tiếc nuối và ấm ức. Mặc dù tôi không còn sở hữu món đồ cổ nào nhưng người dân nơi đây vẫn gọi tôi là “trùm đồ cổ”. Thực ra họ chế nhạo tôi, có lẽ vì thế mà giới săn đồ cổ cho rằng tôi vẫn còn giữ kho báu…”. Lão ngư phủ không ngờ bao năm bám khơi mưu sinh, đến một ngày lại bị kho cổ vật “trùm mền” cuộc đời.