Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Reuters. |
Đây là tinh thần được thống nhất tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra, khi Chính phủ thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Tại bản dự thảo đang lấy ý kiến hoàn thiện có nêu quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đó 3 phương án xử lý được nêu bao gồm: phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp là về biện pháp mua bắt buộc.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trình bày dự thảo luật tại phiên họp. Ảnh: VGP |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc NHNN.
Đây là biện pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng không nên quy định về biện pháp này vì có thể vi phạm quyền lợi cổ đông và quyền công dân.
Theo giải trình của NHNN, về nguyên tắc, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi ngân hàng thương mại yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.
Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của NHNN là cần có quy định về biện pháp này.
Cụ thể, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng. Sau đó, nhà nước có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Các chỉ số cơ bản của nhóm ngân hàng "0 đồng" theo báo cáo tài chính công bố gần nhất. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
|
Dự thảo cũng nêu, đối với các ngân hàng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng sẽ được xử lý theo các phương án mà dự án luật quy định.
Trong thời gian qua, NHNN đã triển khai việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, trong các hình thức tái cơ cấu thì hình thức cho phá sản chưa được lựa chọn.
Tính đến nay đã có 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Ocenanbank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPbank).