"Có một vấn đề đang xảy ra ở Olympic Tokyo, một chuyện phi thường như những pha nhào lộn tinh tế và những cú trượt nước, nâng tạ đầy bùng nổ và khoảnh khắc kết thúc trận đấu đầy kịch tính. Đó là khi cả thế giới đang nhìn vào, và những vận động viên nữ nói: 'Thôi đủ rồi'", Yahoo News mở đầu bài viết về vấn đề trang phục của vận động viên nói riêng và vấn nạn tình dục hóa phụ nữ ở thế vận hội nói chung.
Bộ trang phục liền thân của đội tuyển thể dục dụng cụ Đức như lời tuyên chiến với nạn tình dục hóa vận động viên trong thi đấu thể thao. Ảnh: AP. |
Yahoo News mô tả Olympic Tokyo là kỳ thế vận hội đáng chú ý, bởi đây là kỳ thi đấu đầu tiên sau khi cựu bác sĩ đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ Larry Nassar bị kết án, và cũng là kỳ thế vận hội diễn ra trong giai đoạn hậu #MeToo.
Ở thời điểm này, phụ nữ không quanh quẩn trong văn hóa im lặng - điều mà nhiều người cho rằng đó là cái giá phải trả của vinh quang. Những vận động viên nữ đang đứng lên, khởi mào cuộc trò chuyện vốn nên bắt đầu từ lâu về tầm quan trọng của an toàn, văn minh và không tình dục hóa vận động viên (kể cả nam và nữ).
Ép mặc hở để thu hút nam giới theo dõi thể thao?
Khi hay tin đội bóng ném bãi biển nữ của Na Uy bị phạt khoản tiền 1.800 USD vì... dám không mặc bikini thi đấu, ca sĩ Pink lập tức lên tiếng ủng hộ các nữ vận động viên và mong được trả khoản tiền phạt trên thay họ.
"Tôi tự hào khi đội bóng ném nữ Na Uy dám phản đối thái độ phân biệt giới tính một cách rõ rệt trong những quy định về trang phục thi đấu. Liên hiệp Bóng ném châu Âu nên xem xét lại vấn đề trên và tôi rất vui nếu được trả giúp các bạn khoản tiền phạt này. Hãy tiếp tục mạnh mẽ nhé", Pink nhắn nhủ.
Pink không phải nghệ sĩ duy nhất ủng hộ phong trào bình đẳng giới tính và ngăn chặn tình dục hóa phụ nữ. Nhiều diễn viên, ca sĩ như Emily Blunt, Jennifer Aniston, Charlize Theron, Reese Witherspoon... cũng lên tiếng phản đối vấn nạn biến phụ nữ, và trang phục của họ, trở thành trò tiêu khiển tình dục của đàn ông.
Tuy nhiên, những lần lên tiếng trước chưa thực sự "đánh" vào mảng thể thao. Sự việc chỉ được thổi bùng lên khi đội thể dục dụng cụ Đức lựa chọn bộ jumpsuit bọc kín toàn thân để thi đấu ở Olympic Tokyo.
Pink ủng hộ quyết định thay đổi trang phục thi đấu và muốn đóng tiền phạt thay đội tuyển bóng ném Na Uy. Ảnh: Getty Images. |
Trả lời vấn đề trên, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Đức cho biết bộ đồng phục thi đấu mới đã thay cho tuyên bố chống lại "tình dục hóa" vận động viên trong thi đấu. Vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Elisabeth Seitz chia sẻ trên trang cá nhân: "Mọi vận động viên thể dục dụng cụ có quyền quyết định đâu là trang phục giúp cô ấy cảm thấy thoải mái nhất khi thi đấu".
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng văn minh như Liên đoàn Thể dục dụng cụ Đức, tiêu biểu như việc đội bóng ném bãi biển Na Uy bị phạt vì "vi phạm quy định về trang phục thi đấu". Nhiều cây viết đã châm biếm những quy định ngặt nghèo và đậm chất bất bình đẳng về trang phục thi đấu của nữ vận động viên.
Theo nhà nghiên cứu truyền thông thể thao Mary Jo Kane, việc có hẳn quy định vận động viên nữ phải mặc bikini với những tiêu chuẩn như không được dài quá 10 cm, hay phải cắt chéo hở xương hông... trong danh sách trang phục thi đấu là kết quả của tham vọng thu hút đàn ông theo dõi thể thao phái nữ hơn.
"Chính sách đồng phục phân biệt giới tính có thể xuất phát từ lầm tưởng rằng nếu để hở và làm nổi bật cơ thể phụ nữ, khán giả sẽ bị thu hút nhiều hơn, và các môn thể thao cũng trở nên 'ngon lành' hơn đối với khán giả nam", Yahoo News trích lại nghiên cứu của Mary Jo Kane.
Và rõ ràng, với mục đích thu hút ánh nhìn nam giới, những người đưa ra quy định về trang phục thi đấu (thực chất chỉ là những bộ bikini hoặc swimsuit, quần siêu ngắn hở hang) đã cố tình tình dục hóa những người phụ nữ đang nỗ lực thi đấu và ghi danh trên bảng vàng thể thao. Đồng thời, việc này cũng khiến nhiều người lầm tưởng rằng với phụ nữ, ngoại hình quan trọng hơn năng lực.
Chấm dứt góc máy quay nhạy cảm
Hiện tại, đơn vị Dịch vụ Truyền thông Olympic (Olympic Broadcasting Service) đã cam kết sẽ hạn chế các cảnh quay gây hiểu lầm hoặc có thể khiến các vận động viên cảm thấy bị xúc phạm khi ghi hình chương trình thi đấu. Phương pháp đầu tiên được đưa ra chính là sử dụng nhiều góc máy toàn cảnh và cảnh quay từ xa hơn, thay vì tập trung vào chân, đùi hay ngực các nữ vận động viên.
Nữ vận động viên điền kinh, cũng như nhiều bộ môn khác, đều phải mang quần siêu ngắn, bằng kích cỡ nội y. Ảnh: Getty Images. |
Như New York Post đã viết, đây là vấn đề còn tồn đọng và cần sự nỗ lực hợp tác của các bên để cải thiện. Với khẩu hiệu "hấp dẫn ở thể thao, không phải ở giới tính", các đơn vị ghi hình và tiếp sóng Olympic đang cố gắng tuân theo một bộ hướng dẫn nghiêm ngặt về các góc quay không cần thiết, không nên có với các vận động viên - điều đã tồn tại từ lâu trong chiều dài lịch sử thế vận hội.
"Các chương trình phát sóng Olympic đang cố gắng tập trung vào 'hấp dẫn ở thể thao, không phải hấp dẫn giới tính'. Nhưng điều này rõ ràng là nói dễ hơn làm", tờ Inside Hook nhận xét.
Tờ này viết thêm: "Không tình dục hóa phụ nữ, nhất là khi họ chẳng làm ra điều gì gợi dục, đáng lẽ ra nên là điều dễ dàng nhất. Đáng tiếc là trong chiều dài lịch sử nhân loại, không quấy rối phụ nữ hóa ra lại là việc khó khăn hơn nhiều vì một số nguyên nhân nào đó. Rõ ràng để mặc phụ nữ làm công việc và sống cuộc sống của họ, hoặc đơn giản là để họ thi đấu trên tivi trong không khí hòa nhã, không quấy rối, không tình dục hóa lại là điều cần phải có luật, có văn bản hướng dẫn nghiêm ngặt mới làm được".
Đương nhiên, đây là vấn đề một khi đã đưa ra thì khó mấy cũng phải làm, gồm cả việc cân bằng cán cân giới tính và san bằng quan niệm "trọng nam khinh nữ" tồn đọng lâu năm trong xã hội nói chung và lãnh đạo ngành thể thao nói riêng.
Cheryl Cooky - giáo sư nghiên cứu về phụ nữ tại Đại học Purdue và là đồng tác giả cuốn No Slam Dunk: Gender, Sport and the Uniformness of Social Change - chia sẻ vấn đề phân biệt giới đặc biệt nổi cộm trong thể thao.
"Các phạm trù ưu tú trong lịch sử và văn hóa thể thao luôn gắn liền với nam giới, họ thống trị, cả về thể chất và cảm xúc. Phụ nữ và sự mềm mại, nữ tính của họ bị đánh giá thấp và cho rằng chẳng đáng kỳ vọng trong thi đấu thể thao. Do đó, có nhiều điểm khác biệt khi người ta nghĩ đến các vận động viên nữ", Cooky chia sẻ.
Đơn vị Dịch vụ Truyền thông Olympic (Olympic Broadcasting Service) cam kết sẽ quay từ góc xa, lựa chọn hình ảnh văn minh. Ảnh: Getty Images. |
Cô cho biết thêm ngay cả các cơ quan quản lý thể thao quốc tế cũng như tại các quốc gia, phần lớn người nắm quyền điều hành và đặt ra mọi quy định là nam giới. Phụ nữ không được hiện diện, và cũng không được lên tiếng một cách công bằng.
Chỉ có 29 trong số 100 thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) là phụ nữ. Trong đó, chỉ có 4 người được ghi tên vào ủy ban điều hành (tổng số 15 người), theo báo cáo vào năm 2018 của Tổ chức Thể thao Phụ nữ phi lợi nhuận và Tổ chức Ủng hộ Công bằng trong Thể thao nữ. Theo báo cáo trên, chưa bao giờ có một nữ chủ tịch IOC.
Và với bộ máy cầm quyền toàn nam giới trên, họ mặc nhiên đưa ra quy định về việc các nữ vận động viên mặc gì, được mang theo gì, phải chịu sự kiểm soát ra sao cũng như nghĩa vụ của họ khi thi đấu. Những quy định bất cập trên phần nào dẫn đến loạt vụ lạm dụng vận động viên nữ khiến nhiều người chịu tổn thương, hoặc bỏ thi đấu.