Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chấm dứt thông đồng và 'xin cho' trong xuất bản

Theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, cấp thẻ hành nghề cho 804 biên tập viên thuộc các NXB trên toàn quốc được xem như là cách sạch môi trường xuất bản.

- Thưa ông, là người trong cuộc, ông đánh giá thế nào về việc lần đầu tiên cấp thẻ hành nghề đối với biên tập viên NXB?

- Đây là việc làm cần thiết, nâng cao chất lượng xuất bản ở Việt Nam. Trong rất nhiều những giải pháp từng được đưa ra để ổn định, phát triển xuất bản thì có giải pháp về con người, điểm mấu chốt của Luật Xuất bản, ban hành năm 2012. Có những NXB, tuổi đời vài chục năm, cực kỳ uy tín, nhắc đến tên các NXB đó thôi người đọc đã thấy tin tưởng mà mua sách rồi.

Đến khi xã hội hóa, điểm lợi là chúng ta huy động được nguồn lực xã hội, nhưng điểm không thuận lợi là mở rộng sự tham gia của nhiều thành phần, chúng ta chưa quản lý kịp, nên suốt thời gian dài, kẽ hở bị lợi dụng. Việc biên tập sách cũng vậy, vai trò của chủ thể đang mất dần, trong khi xã hội giao cho họ chức năng, dùng tri thức của mình, sàng lọc tri thức cần thiết cho xã hội. Nhưng rồi bộ sàng đó đôi chỗ bị thủng với nhiều lý do khác nhau.


- Vậy mấu chốt của việc vá lại những lỗ thủng đó này nằm ở đâu, thưa Cục trưởng?

- Nằm ở chỗ kích thước nan tre phải đúng chuẩn, thủng ở đâu vá kịp thời chỗ đó. Tôi ví von thế để thấy, việc vá lại cái sàng giống như việc chúng ta kiện toàn lại chất lượng đội ngũ, chẳng phải chỉ dừng lại ở cấp thẻ mà quan trọng hơn là đặt nền móng lâu dài, bước đi ổn định đầu tiên. Sách chưa xuất bản là quyền của tác giả, sách xuất bản rồi thì phải lọt qua con mắt của hơn 804 biên tập viên (BTV) này. Nếu nhu cầu xã hội cần, thời gian tới con số này có thể lên tới 900 hoặc 1.000 BTV được cấp thẻ, nhưng phải rõ ràng, ai là mắt sàng- ai đủ chuẩn, ai không đủ chuẩn thì mới được.

Cấp thẻ hành nghề cho các biên tập viên NXB là cần thiết để làm sạch môi trường xuất bản

Cấp thẻ hành nghề cho các biên tập viên NXB là cần thiết để làm sạch môi trường xuất bản

- Lâu nay, mỗi khi một cuốn sách có sự cố dư luận thường dồn hết lên đầu tác giả, hoặc là Tổng biên tập còn trách nhiệm của BTV đến đâu thì rất mờ nhạt. Với việc cấp thẻ này, trách nhiệm của BTV sẽ rất rõ ràng và cụ thể hơn?

- Đúng đấy, lâu nay người biên tập ít phải chịu trách nhiệm gì, có sai phạm thì hầu hết Giám đốc, Tổng biên tập chịu, nặng quá thì cơ quan có hình thức xử lý. Xã hội giao cho BTV vinh dự, nhưng trách nhiệm lại bị bỏ ngỏ, vì thế việc cấp thẻ hành nghề sẽ giúp người ta nhìn lại trách nhiệm của mình. Theo quy định, nếu trong 1 năm có 2 xuất bản phẩm vi phạm hoặc bị thu hồi chỉnh sửa hoặc có 1 xuất bản phẩm thu hồi tiêu hủy (đây là trường hợp nặng), bên cạnh đó, BTV không tham gia các khóa đào tạo cập nhật của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ bị thu hồi thẻ.

1 năm sau đủ tiêu chuẩn mới được cấp lại. Việc cấp thẻ đáng ra phải làm từ lâu rồi. Trước đây, BTV không có nhiều trách nhiệm, nhưng giờ trách nhiệm buộc phải đặt lên hàng đầu, điều đó đồng nghĩa, họ sẽ tăng khả năng bảo vệ nghề của mình, không thể để Giám đốc, Tổng biên tập tự quyền quyết định nhiều việc như trước đây. Ví dụ tình trạng NXB bán giấy phép cho đối tác, ghi khống tên biên tập, vì thế mới ra đời những tác phẩm chất lượng rất tệ.

Đến khi bị cơ quan quản lý tuýt còi, nhiều biên tập viên mới giật mình, không biết mình biên tập tác phẩm đó từ bao giờ. Vì thế, BTV đôi khi bị rơi vào tình thế “thấp cổ bé họng”. Nếu cấp thẻ hành nghề, liệu lãnh đạo các NXB còn dám bán tên biên tập nữa không? Giấy phép hành nghề chính là để giảm tải tình trạng đi đêm kiểu này.

- Thẻ hành nghề sẽ tạo thuận lợi cho các nhà quản lý như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định của Luật Xuất bản, sách được phát hành phải ghi rõ tên Giám đốc, Tổng biên tập và Biên tập viên. Đây là 3 thành tố quan trọng không thể thiếu trên bìa xuất bản phẩm. Chúng tôi sẽ cập nhật tất cả các thông tin qua một phần mềm quản lý, từ đó cân nhắc có ra quyết định xuất bản hay không. Quy trình này chỉ mất 1 ngày. Ngay sau khi có quyết định, danh sách sẽ được cập nhật công khai trên một số trang web. Việc cấp thẻ hành nghề, kết hợp cả quản lý, cải cách hành chính bằng công nghệ thông tin khiến quy trình sẽ chặt chẽ hơn, công khai hơn. Và tuyệt nhiên sẽ không còn chuyện thông đồng, xin cho.

- Hiện nay có tới 1/3 tổng biên tập NXB chưa tham gia các khóa học và chưa được cấp thẻ. Thời hạn ngày 1/1/2016 đang đến gần, nếu không có thẻ, điều đó đồng nghĩa với việc cả NXB phải tạm dừng hoạt động?

- Chúng tôi đã gửi đi 10 công văn nhắc nhở suốt từ năm 2014 đến nay. Cách đây khoảng 45 ngày, Cục còn có công văn tối hậu thư nhắc nhở rằng, đây là khóa học cuối cùng của giai đoạn này, đề nghị bố trí nhân sự tham gia. Nhưng rồi nhiều người cứ nghĩ là không học cũng chẳng sao. Sự thể thế này mới choáng. Sẽ có một số NXB phải chịu trách nhiệm trước Cục Xuất bản, In và Phát hành - cơ quan chủ quản về việc không chấp hành pháp luật. Việc dừng mọi hoạt động sản xuất không phải lỗi của Bộ TT-TT hay Cục Xuất bản mà chính là của NXB. Đây là quyền lợi hoạt động của họ. Luật không thể đứng chờ ai!

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/cham-dut-thong-dong-xin-cho-trong-xuat-ban/649750.antd

Theo Quỳnh Vân/Báo An Ninh Thủ Đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm