Sau trận bóng tối 14/11 giữa tuyển Việt Nam và UAE, bài viết trên Facebook của tài khoản Nguyen Khanh Trinh được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi với nội dung lên án hành vi chặt chém giá hàng hóa bên trong sân vận động Mỹ Đình.
"Bên ngoài sân vận động, các gánh hàng rong vẫn bán 5.000-10.000 đồng một chai nước, 10.000 đồng một quả trứng hay cái bánh bao. Nhưng chỉ cách đó 50 m, hoàn toàn trong khuôn viên của sân vận động, vài chục quầy hàng đồng loạt tăng giá gấp 5-6 lần: 30.000-50.000 đồng một chai nước, 40.000-50.000 đồng một cái bánh. Còn giá gửi xe bụi là 400.000 đồng cho ôtô", tác giả nêu vấn đề khiến nhiều người bức xúc.
Độc quyền, bắt chẹt khán giả
Bài viết của Nguyen Khanh Trinh nhanh chóng nhận được hơn 1.000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ.
Nhiều người cho biết hiện tượng này đã diễn ra từ lâu tại sân Mỹ Đình. Các quầy hàng không niêm yết giá và cũng không bán theo giá cố định. Những trận đấu đông khán giả thì giá càng bị đẩy lên. Thậm chí có tình trạng chặt chém với khán giả nhưng lại bán rẻ cho người của ban tổ chức.
Các quầy hàng được bố trí sơ sài bằng vài chiếc bàn với hàng hóa bày la liệt bên trên. Ảnh: Khanh Trinh. |
Theo ghi nhận của phóng viên tại các quầy hàng bên trong khu vực hành lang các khán đài của sân Mỹ Đình, giá chai nước lọc là 30.000 đồng, 50.000 đồng một chiếc bánh mì xúc xích. Gói bim bim cũng có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng. Trung bình mỗi sản phẩm đều đắt gấp 4-6 lần giá thị trường.
Nhiều khán giả có mặt tại sân vận động bày tỏ bức xúc khi đồ ăn, nước uống được bán trong sân với giá "cắt cổ" nhưng không rõ người bán hàng đến từ đâu, được ai cấp phép.
Trao đổi với Zing.vn, bà Đỗ Hoàng Yến, Chủ tịch Vietnam Golden Star (một hội cổ động viên Việt Nam), cho biết tình trạng đồ ăn thức uống trong sân vận động đắt đỏ là trái với mong muốn của các cổ động viên, vì quá khát nên họ mới phải mua.
"Tại các sân vận động nước ngoài cũng có tình trạng này. Tuy nhiên đội giá gấp 5-6 lần như tại Mỹ Đình là quá đắt", bà Yến chia sẻ.
Chai nước vứt la liệt bên ngoài sân Mỹ Đình do lực lượng an ninh không cho mang chai nhựa vào sân. Nhiều khán giả bất đắc dĩ phải mua nước ở trong hành lang khán đài. Ảnh: TTXVN. |
Theo nữ cổ động viên dày dạn kinh nghiệm, trong khi chưa giải quyết được ngay vấn đề giá cả chặt chém thì cách tốt nhất là khán giả tự mang đồ ăn, nước uống vào sân.
Lực lượng an ninh không cho mang chai nhựa nhưng người dân vẫn có thể để nước vào túi ni lông. Riêng các loại đồ ăn nhẹ như bánh mỳ thì được thoải mái mang vào.
"Đắt quá thì thôi không mua nữa"
Trao đổi với Zing.vn sáng 15/11, ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cho biết các nhóm kinh doanh đồ ăn, nước uống trong sân vận động đều được sự cho phép của ban quản lý sân thông qua hình thức thuê mặt bằng kinh doanh.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao các quầy hàng này được đội giá sản phẩm gấp nhiều lần, ông Tiến cho biết ban quản lý sân chỉ cho thuê mặt bằng chứ không quản lý hoạt động kinh doanh.
"Việc kinh doanh trước đây chúng tôi giao cho công đoàn làm, mỗi trận cũng không được bao nhiêu, nhiều thì được 20-30 triệu. Giờ không có người làm nữa thì cho thuê hết. Nguồn thu từ cho thuê mặt bằng được nộp vào ngân quỹ của cơ quan để tự chủ tài chính", ông Tiến nói.
Nhiều cổ động viên đến sân với lòng nhiệt thành dành cho đội tuyển, nhưng một số cá nhân lại tranh thủ nhu cầu của đám đông để kinh doanh với giá "trên trời". Ảnh: Phương Lâm. |
Cũng theo lãnh đạo sân, việc giá hàng hóa trong sân đắt hơn ở ngoài là điều bình thường. Ông Tiến lấy ví dụ giá cả hàng hóa ở trong sân bay phải đắt đỏ hơn ở ngoài và cho rằng trong sân bóng cũng tương tự.
Khi được hỏi mức giá đội lên đến 5-6 lần (chai nước giá 5.000 đồng đội lên thành 30.000 đồng) có hợp lý hay không, ông Tiến cho rằng người bán cũng phải bỏ vốn và nhân công, rồi "chi phí nọ, chi phí kia" nên phải tính cả vào phí dịch vụ. "Có nhiều đơn vị vào làm bị lỗ, lần sau cũng chẳng làm nữa", ông Tiến nói.
Về giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo sân Mỹ Đình cho biết sẽ gặp gỡ, trao đổi với các đối tác kinh doanh.
"Chúng tôi có thể gặp đối tác và yêu cầu niêm yết giá sản phẩm để người dân lựa chọn. Đắt quá thì thôi không mua nữa hay thế nào đó", lãnh đạo sân vận động Mỹ Đình trả lời.