"Điều gì sẽ xảy ra khi nhân viên của những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc - thường được biết đến là chaebol - vô tình chạm trán với một con gấu khi đang đi dạo trong rừng?". Câu trả lời là nhân viên của Hyundai sẽ dùng gậy gộc đập gấu đến chết; người của Daewoo sẽ gọi cho Chủ tịch Kim Woo-jung và chờ chỉ đạo. Samsung tổ chức ngay một cuộc họp bàn cách đối phó (dù con gấu vẫn hiện diện ngay trước mắt họ), trong khi LG chờ động thái của Samsung và sau đó thì làm theo y hệt.
Theo Cnet, đây thực chất chỉ là câu đùa khá phổ biến của người Hàn Quốc khi nói về những tập đoàn hàng đầu từ năm 90, và đến nay, câu chuyện này vẫn còn được nhiều người sử dụng. Nó cho thấy cách mà những chaebol tồn tại sâu sắc trong ý thức và văn hóa của người Hàn Quốc, và tạo ra tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Những đế chế làm nên con hổ châu Á
Phát triển bắt đầu từ thời kỳ Nhật còn chiếm đóng Hàn Quốc (từ năm 1910-1945), chaebol tồn tại như một tập đoàn gia đình với cách thức chú trọng giao dịch nội bộ. Tỷ lệ sở hữu chéo giữa công ty mẹ và các công ty con trong một chaebol có lúc đã lên tới 43%. Việc vay nợ cũng được ưu tiên dùng nguồn nội bộ thay vì tìm kiếm từ thị trường bên ngoài. Hoạt động nội bộ này được đảm bảo do người đứng đầu tập đoàn và các công ty con là người một nhà.
Samsung là một trong 4 chaebol hùng mạnh nhất của Hàn Quốc. Ảnh: Straits Times. |
Hàn Quốc ngày nay được coi là con hổ châu Á, bên cạnh các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, lật giở lại lịch sử, vào năm 1953, GDP bình quân đầu người của quốc gia này chỉ là 67 USD, trong khi con số tại Mỹ khi đó khoảng 2.500 USD. Năm 1963, tướng Park Chung-hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc, với tư tưởng biến Hàn Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh, ông đã bắt tay vào thúc đẩy kinh tế.
Mối quan hệ giữa Chính phủ và các công ty tư nhân được thiết lập, để tạo ra một môi trường mà giáo sư khoa kinh tế của Đại học Myongji, ông Cho Dong-keun, từng gọi là "nơi mà chính phủ can thiệp tích cực vào hoạt động của các công ty". Kết quả của sự hợp tác này là những tập đoàn hàng đầu ra đời, trong đó phải kể đến hai đại diện của nhóm Big Four là Samsung và LG, đồng thời, nâng GDP bình quân của Hàn Quốc lên mức 10.315 USD trong năm 1996, và giờ là 27.600 USD.
Tuy nhiên, sợi dây liên kết trong các tập đoàn quá chặt chẽ cũng khiến những ông lớn này không phản ứng kịp với bất ổn kinh tế trong khu vực. Năm 1997, khủng hoảng kinh tế châu Á nổ ra, Daewoo là kẻ tử nạn đầu tiên, cùng với 3.500 công ty phá sản mỗi tháng.
Chính phủ đã buộc phải thực hiện những biện pháp mạnh tay để cải tổ hoạt động của các chaebol, vốn là nhóm công ty nắm quyền kiểm soát nền kinh tế nhưng lại trì trệ khi cần chuyển mình. Các chaebol được lệnh giữ lại một số mảng kinh doanh cốt lõi, và bán bớt đi những chân rết.
Kế hoạch này ban đầu bị các công ty từ chối, sau đó dưới áp lực của chính phủ, LG bán đi mảng bán dẫn, còn Samsung loại bỏ công ty sản xuất ôtô. Thực tế, việc tái cơ cấu là yêu cầu tất yếu của các tập đoàn Hàn Quốc, dù có hay không khủng hoảng kinh tế. Bởi dù có quy mô cực lớn, lợi nhuận của các công ty này lại rất nhỏ so với đối thủ tại Mỹ và châu Âu.
"Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một bài kiểm tra sức chịu đựng cho các chaebol," giáo sư Cho Dong-keun nhận xét. "Trong số 30 chaebol hàng đầu, 16 công ty đã bị phá sản vì quên mất chiến lược đa dạng hóa trong kinh doanh cốt lõi. Những cái tên còn lại sẽ làm nên bản sắc cho nền kinh tế Hàn Quốc".
Cuộc chiến trong nội bộ
Điều làm nên thành công của chaebol là các mối quan hệ dày đặc trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, những khủng hoảng trong lòng các tập đoàn này cũng nảy sinh từ đây.
Theo Straits Times, công ty góp mặt trong nhóm 4 chaebol lớn nhất Hàn Quốc hiện nay là Samsung, đang phải đối mặt với cuộc điều tra cáo buộc giao dịch nội gián của 9 lãnh đạo cấp cao. Các giao dịch này liên quan tới vụ sáp nhập của Cheil Industries và Samsung C&T, với giá trị lên tới 9,3 tỷ USD.
Shin Dong-bin cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo, nhưng khẳng định quyết tâm sẽ ngồi lên chiếc ghế cao nhất của Lotte. Tuy nhiên, nhóm cổ đông Nhật lại quyết hạ bệ vị chủ tịch này. Ảnh: AP. |
Trước đó, gia đình Chủ tịch Samsung từng bị cho là đang tìm cách giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ trên danh nghĩa, để tránh khoản thuế thừa kế lên tới 6 tỷ USD sau khi Chủ tịch đương nhiệm Lee Kun-hee có kế hoạch chuyển giao chiếc ghế quyền lực cho người con trai duy nhất. Trong văn hóa Hàn Quốc, bất cứ hành động trốn thuế nào cũng bị xã hội lên án, và sẽ gây hư tổn nghiêm trọng tới hình ảnh của công ty.
Ngay cả cuộc chuyển giao quyền lực trước đó của nhà sáng lập Tập đoàn Samsung Lee Byung-chull cho người con út Kun-hee cũng đã khiến nội bộ gia đình của tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc nhiều lần đưa nhau ra tòa. Các anh chị của ông Lee Kun-hee đều nhắm đến miếng bánh béo bở là một phần cổ phần của Công ty bảo hiểm Samsung Life, khi đó vừa lên sàn được 2 năm, với giá trị gần 800 triệu USD.
Riêng ông Lee Kun-hee cũng đã từng bị chính quyền nước này điều tra và bỏ tù một năm vì tội trốn thuế năm 2008, trước khi được Tổng thống Hàn Quốc ký lệnh ân xá.
Trong khi đó, cuộc chuyển giao quyền lực ồn ào giữa anh em họ Shin của Tập đoàn Lotte đã trở thành câu chuyện tốn giấy mực trong suốt 2 năm qua của báo chí quốc tế. Sau khi người con út Shin Dong-bin của Chủ tịch Shin Kyuk-ho tiếm quyền cha, sa thải anh trai, nhóm các cổ đông lớn của công ty này lại tìm cách đưa kẻ yếu thế Shin Dong-joo lên chiếc ghế cao nhất.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, một công ty con của Lotte là Lotte Shopping cùng với Kaengnam bị điều tra lập quỹ đen, gian lận kế toán và đút lót. Thậm chí, cựu Chủ tịch của Keangnam đã tự tử trong quá trình điều tra, còn công ty mẹ của tập đoàn xây dựng này rơi vào vỡ nợ, phải bán những công ty con như Keangnam Vina tại Việt Nam để thu xếp tài chính.