Trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh sốt siêu vi trong thời tiết chuyển mùa. Ảnh: Healthplus. |
Sốt siêu vi là bệnh cấp tính do virus gây ra, thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần. Mọi lứa tuổi đều dễ mắc sốt siêu vi khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là trẻ nhỏ - trường hợp có hệ miễn dịch còn yếu.
Nguyên nhân
Khi hệ thống miễn dịch phát hiện và tấn công các bệnh nhiễm trùng xâm nhập, kết quả là gây sốt. Các sinh vật nguy hiểm như virus hoặc vi khuẩn xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng theo bản năng bằng cách cố gắng loại bỏ mối đe dọa. Khi điều này xảy ra, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng vọt.
Trong hầu hết trường hợp, virus lây lan từ:
- Hít phải giọt không khí bị ô nhiễm: Khi một người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện mà không che miệng, họ sẽ giải phóng những giọt nhỏ chứa mầm bệnh vào không khí và có thể lây nhiễm cho những người xung quanh. Khi hít vào, trẻ có thể bị nhiễm trùng.
- Ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm: Ô nhiễm thực phẩm là nguồn lây truyền bệnh truyền nhiễm chính.
- Muỗi đốt: Sốt rét và sốt xuất huyết chỉ là hai trong số nhiều bệnh do muỗi truyền đạt đỉnh điểm khi thay đổi thời tiết. Muỗi đốt cũng có thể lây lan virus có thể gây sốt.
Dấu hiệu phổ biến
Theo Bệnh viện Nhi Seattle (Mỹ), các dấu hiệu sốt ở trẻ em:
- Trực tràng, tai hoặc trán: Nhiệt độ cao hơn 38,0 độ C.
- Miệng: Nhiệt độ cao hơn 37,8 độ C.
- Dưới nách: Nhiệt độ cao hơn 37,2 độ C.
Sốt siêu vi có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và đau nhức. Các triệu chứng khác có thể thay đổi tùy theo loại virus gây bệnh tiềm ẩn. Ví dụ, virus phát ban gây sốt trong 2-3 ngày ở trẻ em, sau đó là phát ban bắt đầu khoảng 12-24 giờ sau khi hạ sốt.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng như ớn lạnh, đổ mồ hôi, mất nước, đau đầu, đau nhức cơ, yếu ớt, chán ăn, viêm họng, chảy nước mũi, tiêu chảy.
Sốt siêu vi có thể khiến trẻ mệt mỏi, đổ mồ hôi, khó chịu, đau nhức cơ thể. Ảnh: Healthline. |
Cha mẹ nên làm gì?
Sốt siêu vi khiến cơ thể nóng hơn bình thường rất nhiều. Điều này khiến trẻ đổ mồ hôi trong nỗ lực hạ nhiệt, dẫn đến mất chất lỏng, có thể gây mất nước. Vì vậy, cha mẹ cố gắng cho con uống càng nhiều càng tốt khi bị sốt siêu vi để bổ sung lượng nước đã mất. Ngoài nước lọc, trẻ có thể uống nước ép, súp, canh... Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có thể uống đồ uống chứa chất điện giải, chẳng hạn Pedialyte.
Tiến sĩ Nipunie Rajapakse, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Trẻ em của Mayo Clinic, cho biết một quan niệm sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ là trẻ em bị sốt cần phải dùng thuốc kháng sinh để nhanh khỏi.
Chuyên gia này cho hay thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus. "Cho một đứa trẻ bị nhiễm virus uống thuốc kháng sinh không giúp ích gì. Nó sẽ không giúp trẻ khỏi bệnh nhanh hơn mà còn có thể gây hại cho chúng", tiến sĩ Nipunie nói.
Tiến sĩ Nipunie khuyên đối với nhiễm virus, thuốc hạ sốt, chẳng hạn acetaminophen hoặc ibuprofen, có thể làm giảm các triệu chứng trong khi cơ thể chống lại virus.
Cha mẹ nên nhớ không bao giờ cho trẻ uống aspirin. Nó có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng Reye, tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Ngoài ra, không sử dụng thuốc nhiều hơn mức nhà sản xuất khuyến nghị vì lạm dụng thuốc có thể dẫn đến chảy máu dạ dày, tổn thương gan hoặc các vấn đề về thận. Tốt nhất cha mẹ nên ghi lại thời gian cho trẻ uống thuốc để đảm bảo không dùng quá liều trong thời gian 24 giờ.
Trong khi điều trị, nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp trẻ giảm mệt mỏi và hồi phục nhanh. Sốt siêu vi là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nỗ lực chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Ngay cả khi không quá mệt, bé cũng không nên hoạt động nhiều.
Những điều cha mẹ có thể làm để hạ nhiệt cho trẻ an toàn:
- Mặc đồ ngủ hoặc quần áo nhẹ.
- Cố gắng tránh sử dụng quá nhiều chăn khi trẻ bị ớn lạnh.
- Uống nhiều nước mát hoặc nước ở nhiệt độ phòng.
- Ăn kem que.
- Sử dụng quạt để giữ không khí lưu thông.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.