1. Khoảng 40% trẻ nhỏ có biểu hiện đau nhức xương tăng trưởng trong giai đoạn trước tuổi 18, trong đó lứa tuổi trẻ hay kêu đau nhất là từ 3-5 tuổi và từ 8-12 tuổi.
Biểu hiện điển hình của tình trạng này đó là trẻ sẽ đau nhức chân một hoặc hai bên, vị trí đau không rõ ràng lúc chân này lúc chân kia, cơn đau thường đến đột ngột và về đêm làm trẻ thức giấc, khóc lóc và bắt bố mẹ bóp chân.
Về nguyên nhân, y học chưa giải thích được rõ ràng, tuy nhiên cha mẹ không nên quá lo lắng nhé! Mọi người có thể dự phòng cho cháu bằng cách tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, chế độ dinh dưỡng lành mạnh đầy đủ, bổ sung canxi, vận động thể dục thể thao tránh quá mức, khám sức khỏe định kỳ cũng như tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
2. Trẻ em trai từ 10-25 tuổi luôn có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn bất cứ lúc nào, đó là hiện tượng tinh hoàn xoay quanh trục của chính nó, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi và nếu không được phát hiện xử lý sớm, nguy cơ tinh hoàn thiếu máu, hoại tử phải cắt bỏ là rất cao. [...]
Vậy nên khi con trẻ kêu đau một bên bìu và tinh hoàn, bất luận thế nào, các bậc phụ huynh cần cho cháu đến bệnh viện ngay. Ở đó, các bác sĩ sẽ thăm khám và siêu âm doppler hệ mạch tinh hoàn để chẩn đoán. […]
3. Trẻ dưới 5 tuổi (cả nam và nữ) rất hay bị trật hoặc bán trật khớp quay trụ trên (vùng khuỷu) khi ông bà cha mẹ nhấc kéo cháu lên bằng một tay.
Nếu trẻ khóc, tay co lại và không chịu đưa ra cầm nắm đồ vật, cần nghĩ đến thương tổn này và đi khám chuyên khoa xương khớp để phát hiện sớm.
Khi trẻ bị như vậy, nhân viên y tế thường chỉ cần khám lâm sàng rồi nắn mất mấy giây, tay trẻ sẽ trở về bình thường. Ít khi phải chụp X-quang và sau này thường cũng không để lại di chứng gì với thương tổn này, mọi người nhé!
4. Trẻ em hay đau bụng và cũng có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng này như ngộ độc thức ăn, giun sán, viêm hạch mạc treo, xoắn u nang buồng trứng, thoát vị bẹn, lồng ruột, tắc ruột do bã thức ăn, viêm ruột thừa…
Khi trẻ đau kèm sốt, trẻ đau dữ dội, trẻ đau dội từng cơn, trẻ đau trên 24 giờ, trẻ đau kèm miệng nôn trôn tháo… cần cho cháu vào viện ngay để loại trừ những nguyên nhân ngoại khoa nguy hiểm (lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…) cũng như xử lý sớm những rối loạn cho trẻ (khi nôn ói và tiêu chảy kèm theo).
5. Nhiều trẻ bị hóc do nuốt phải dị vật như viên bi, hạt lạc, nhãn, cục tẩy, đồng xu, nắp chai, pin nhỏ… nếu không sơ cứu kịp, trẻ có thể bị ngạt thở, đe dọa tính mạng. Tuyệt đối không được cho trẻ chơi những vật tròn nhỏ vì phản xạ của trẻ luôn cho mọi thứ vào miệng.
Mọi người cũng không nên cho trẻ chơi những vật dài như đũa, bút, que gậy… vì nhiều cháu bị những vật này xuyên chọc vào miệng khi ngậm, chọc vào mũi vào mắt vì trẻ luôn có xu hướng ngã úp mặt ra trước. […]
6. Suy hô hấp cùng với tiêu chảy gây rối loạn nước điện giải là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ, vậy nên khi trẻ có bệnh lý hô hấp (ho, sốt, thở nhanh - nông, thở khó, co rút cơ liên sườn, thở khò khè, tím tái môi…) hoặc bệnh lý tiêu hóa (miệng nôn và đi ngoài liên tục), mọi người cần nhập viện càng sớm càng tốt vì diễn biến của bệnh là rất nhanh, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
7. Nhiều trẻ tử vong do ngã xuống bể cá, ao hồ trước nhà vì cha mẹ không làm rào chắn bảo vệ. Nhiều trẻ bị chấn thương do các loại tủ đổ đè vào (tủ sách, tủ rượu, tủ áo quần…) do cha mẹ không đính chặt tủ vào tường nhà.
Có trẻ bị ngạt do nằm sấp lúc ngủ và cha mẹ cũng ngủ quên hoặc ngạt do chui đầu vào túi nylon hoặc dây quấn cổ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi những túi nylon hoặc những loại sợi dây buộc và lưu ý khi trẻ có thói quen nằm úp mặt lúc ngủ.
8. Tỷ lệ trẻ bị bỏng do nghịch phích nước, trẻ bị điện giật do cho tay vào ổ cắm cũng không hề ít. Vậy nên ấm nước, nồi canh nóng, phích nước cần để ở nơi rất an toàn. Ổ cắm điện cần tránh làm thấp hoặc sử dụng loại ổ cắm có nắp an toàn để trẻ không cho ngón tay vào được.