Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quốc Hòa, người đang chế tạo chiếc tàu ngầm Trường Sa 01, cho biết, vài ngày gần đây, khá nhiều cá nhân đã ngỏ ý mời ông đưa tàu tới thử nghiệm.
“Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình không đồng ý để tàu ra biển, khá nhiều người đã tư vấn đưa nó sang các vùng biển lân cận, hay đưa đến cơ sở tư nhân như trường hợp anh Đào Hồng Tuyển ở Tuần Châu. Thậm chí, nhiều người còn khuyên tôi mang nó vào miền Nam”, ông Hòa kể.
Ông Hòa nhận định, dù tiến hành ở đâu, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép thì cũng đều là thử nghiệm chui, người chế tạo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Việc bất chấp luật pháp để đạt ước muốn của mình sẽ vô tình làm xấu đi hình ảnh và ý nghĩa của tàu ngầm Trường Sa”, ông Hòa cho biết.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (phải) chụp ảnh cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Khải trong một lần thử nghiệm trước đó. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Theo ông, việc thử nghiệm và cấp phép là hai bước cực kỳ quan trọng và phải luôn song hành với nhau. “Cấp phép là để pháp luật thừa nhận, là cách bạn tôn trọng pháp luật. Ngược lại, một sản phẩm chế tạo ra, nếu không được tiến hành thử nghiệm thì làm sao đánh giá được tính năng thực hành của nó”, ông Hòa phân tích.
Người đứng đầu công ty cơ khí Quốc Hòa khẳng định, thời điểm này, ông vẫn sẽ kiên trì chờ đợi phản hồi chính thức từ Bộ Quốc phòng. Sau khi nhận được kết quả từ cơ quan trên, ông và các cộng sự mới tính đến các bước đi tiếp theo.
Đến thời điểm này, tàu ngầm Trường Sa đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị thử nghiệm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Trước đó, trong văn bản trả lời gửi ông Hòa, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình tỏ ý lo ngại kế hoạch và độ an toàn thử nghiệm. "Việc tàu ngầm Trường Sa không được ra biển trong dịp nghỉ lễ vừa qua là một sự đáng tiếc. Tuy nhiên, tôi sẽ không từ bỏ ước mơ và sẽ tiếp tục kiên trì chờ đợi thêm", ông Hòa trải lòng.