Chiều 22/4, UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp bàn việc cấp phép tàu ngầm Trường Sa ra biển thử nghiệm. Trả lời Zing.vn sau buổi làm việc, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, buổi làm việc có sự tham gia của tất cả các đơn vị liên quan, không khí làm việc nghiêm túc. Chủ trương của tỉnh Thái Bình luôn ủng hộ việc tàu ngầm Trường Sa có cơ hội trải nghiệm thực tế.
“Ngoài gửi đơn xin phép lên Ủy ban tỉnh, chủ nhân tàu ngầm Trường Sa đã có văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng. Đến thời điểm này, tỉnh chưa nhận được phản hồi, chỉ đạo chính thức của Bộ này”, bà Hải cho biết.
Bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Internet) |
Theo Phó Chủ tịch Hải, ông Phạm Quốc Hòa (người chế tạo tàu ngầm Trường Sa) là một doanh nhân thành đạt. Vị giám đốc này từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng chế cấp quốc gia.
“Ông ta là người có tay nghề cao, nắm chắc kỹ thuật. Việc ông ấy mong muốn xin được cấp phép, vừa thể hiện sự tôn trọng pháp luật, vừa thể hiện niềm đam mê, óc sáng tạo. Doanh nhân này mong muốn góp sức mình đưa nền khoa học nước nhà phát triển hơn”, bà Hải nhận xét về doanh nhân Hòa.
“Tàu ngầm Trường Sa có được đưa ra biển thử nghiệm hay không, Bộ Quốc phòng sẽ quyết định. Việc tàu thử nghiệm ngoài biển đã vượt quá phạm vi quản lý của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay.
Đại diện UBND tỉnh Thái Bình cũng nhận định, vấn đề đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thử nghiệm luôn được tỉnh quan tâm và đốc thúc đơn vị chế tạo tàu ngầm thực hiện.
“Bất cứ trong lĩnh vực nào, đảm bảo tính mạng con người luôn được là nhiệm vụ then chốt. Tỉnh đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan đánh giá mức độ an toàn nếu được cấp phép”, bà Hải phân tích.
Sau khi lãnh đạo tỉnh Thái Bình đồng ý, việc tàu ngầm Trường Sa có thể được ra biển hay không còn chờ phản hồi từ Bộ Quốc phòng. |
Trước đó, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho hay: “Quan điểm của tỉnh là sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để công nhân hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo trong khuôn khổ luật pháp cho phép”.
Phản ứng sau khi cuộc họp trên kết thúc, ông Hòa bày tỏ sự cảm ơn tới UBND tỉnh Thái Bình và các sở đã mở đường để tàu ngầm Trường Sa có thể rẽ sóng ra khơi. “Việc tỉnh đồng ý là một tín hiệu tích cực. Tôi rất tiếc vì không được mời tham dự phiên họp này. Bởi khi đó, tôi sẽ giải thích để mọi người hiểu hơn về kỹ thuật và mục đích của việc chế tạo và độ an toàn khi đưa nó ra biển”, ông Hòa nói.
Sau khi hay tin Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan quyết định cấp phép, vị giám đốc này hy vọng sớm nhận được phản ứng tích cực để tàu ngầm Trường Sa sẽ được ra biển.
“Hãy cho tôi cơ hội để chứng minh khả năng. Kết quả đạt được không chỉ cho riêng tôi, đó còn là sản phẩm óc sáng tạo của cả dân tộc Việt Nam, tôi muốn thực hiện ước mơ”, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa bày tỏ.