Với việc năm 2014 đang dần khép lại, nhiều trang web công nghệ game hàng đầu đã đưa Hà Đông vào danh sách thống kê các sự kiện, nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất năm.
Đơn cử như Gamasutra đã xếp Hà Đông vào danh sách 10 nhà phát triển trò chơi hàng đầu trong năm 2014. Gamasutra là một trang web ra đời vào năm 1997, tập trung vào mọi khía cạnh trong hoạt động phát triển trò chơi.
Hà Đông dự sự kiện Wired BizCon ở Mỹ tháng 5/2014 (Nguồn: Zimbio) |
Trang web này được điều hành bởi công ty UBM TechWeb, có vai trò như một ấn bản chị em trên mạng của tạp chí Game Developer. Xếp hạng 10 nhà phát triển trò chơi hàng đầu cũng là danh sách thường niên thuộc loại quan trọng nhất của trang này.
Để lập ra danh sách, các biên tập viên của Gamasutra đã phải “cân đong đo đếm” khá vất vả cho tới khi chọn ra được 10 người xứng đáng nhất. Nhân vật được đưa vào danh sách không nhất thiết là những người làm ra trò chơi hay nhất trong năm, dù việc này có gây ảnh hưởng lớn.
Cá nhân được đưa vào danh sách có thể còn là những nhà phát triển, công ty đã để lại dấu ấn trong năm nay, thông qua phương thức có ý nghĩa và giúp định hình cộng đồng phát triển trò chơi điện tử trong năm.
Danh sách của Gamasutra trong năm nay có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lừng lẫy. Đó là: Bungie, studio đã tạo ra loạt game Halo, nhân vật Master Chief và năm nay là trò Destiny đình đám; Coffee Stain Studios, nơi cho ra đời trò chơi Goat Simulator đã gây nhiều chú ý và tranh cãi; Facepunch Studios, doanh nghiệp đứng sau các trò chơi khuyến khích sự sáng tạo của người chơi như Garry's Mod và Rust, với hàng triệu bản đã được tiêu thụ; Inkle, công ty cho ra đời các trò chơi giải đố chữ rất đa dạng và gây nghiện; Mojang, nơi làm ra siêu phẩm ăn khách Minecraft.
Cùng góp mặt trong danh sách này còn có Laralyn McWilliams, nữ giám đốc sáng tạo ở Workshop Entertainment, người lên tiếng bênh vực nữ quyền và sự sáng tạo của phụ nữ trong làng phát triển trò chơi; Masahiro Sakurai và công ty Sora Ltd, lực lượng đứng sau các trò chiến đấu đối kháng vui nhộn, ăn khách và rất sáng tạo của công ty Nintendo; Vlambeer, công ty không chỉ cho ra các trò chơi gây chú ý mà còn đưa ra cam kết sẽ giúp đỡ các nhà phát triển trò chơi khác và xây dựng một cộng đồng phát triển trò chơi lành mạnh; Adriel Wallick, người đã tổ chức sự kiện phát triển trò chơi truyền cảm hứng và sáng tạo nhất năm 2014 mang tên Train Jam.
Hà Đông lọt vào và đứng thứ 7 trong bảng tổng sắp của Gamasutra, hiển nhiên là nhờ ảnh hưởng của Flappy Bird, nhưng không chỉ có vậy. Theo trang web, cấu trúc trò chơi đơn giản, mang hơi hướng hoài cổ và khó một cách “tàn bạo” đã luôn là các yếu tố gắn liền với cộng đồng phát triển trò chơi độc lập kể từ thuở ban đầu. Nhưng khi Hà Đông giới thiệu trò chơi Flappy Bird gây nghiện và tiếng vang, các yếu tố này lại bị người ta sử dụng để chỉ trích anh.
Gamasutra cho rằng trường hợp của Hà Đông đã mang tới sự phản chiếu rất cần thiết cho cộng đồng phát triển trò chơi và đẩy con người có tính cả thẹn này tới tâm điểm chú ý của dư luận. Quyết định của Hà Đông trong việc rút bỏ Flappy Bird, đã diễn ra bởi áp lực mà “cộng đồng game thủ” gây ra cho anh, bên cạnh nỗi lo trò chơi có thể gây hại cho họ.
Gamasutra đánh giá Flappy Bird giống như một lời nhắc rằng cần phải thay đổi trong tư duy phát triển trò chơi. Nó cũng làm tăng các cuộc trao đổi về nỗi bực dọc và khổ sở khi chơi game khó, cũng như mặt trái của “văn hóa tham gia” (khái niệm chỉ sự chủ động tham gia của người dân vào mọi hoạt động của đời sống xã hội) bên cạnh nhiều vấn đề khác.
Ngoài Gamasutra, Hà Đông còn xuất hiện trong bảng tổng sắp 7 trò chơi trên nền tảng di động và nhà phát triển đáng chú ý nhất năm của trang gamezebo.com.
Theo đó Flappy Bird của Hà Đông đã sánh vai với các trò Super Evil Megacorp, Hipster Whale. Anh thì đứng ngang hàng với studio Beavl Games đã làm ra trò Kapsula; studio Little Worlds Interactive với trò Counting Kingdom; studio mi-clos cùng trò Space Disoder và nhà phát triển Vitaliy Zlotskiy, người tạo ra trò Pair Solitaire.
Gamezebo đã dành những lời đẹp đẽ này cho Hà Đông: “Nếu cho rằng việc thêm Hà Đông vào danh sách các tài năng mới nổi bật nhất năm 2014 có vẻ hơi quá thì rõ ràng bạn đã chưa để ý đầy đủ. Dù yêu hay ghét thì Flappy Bird đã thay đổi cách thức chúng ta nhìn vào trò chơi di động trong năm nay. Sự thay đổi xảy ra là nhờ nhà phát triển game độc lập kín tiếng này, người hoàn toàn chưa được chuẩn bị để đón nhận thành công theo sau trò chơi.
Cần lưu ý rằng Flappy Bird không ra mắt vào năm 2014 và thực tế là vào tháng 5/2013. Nó cần tới sự kết hợp giữa tình yêu của (mạng xã hội) Reddit, lời ca ngợi của người dùng YouTube và một nguyên liệu bí mật mà thiên hạ vẫn đang tìm kiếm, để đột nhiên thu hút sự chú ý của tất thảy mọi người trong năm nay.
Sau khi (Flappy Bird) gây sốt, chúng ta đã thấy nhiều người sao chép lại chơ chế trò chơi “gõ để bay trên không” này. Có cả những kẻ giễu nhại và tích hợp trò chơi vào đủ mọi góc độ, khiến nó trở nên phổ biến khắp nơi trong năm 2014.
Nhưng những dòng chữ này không nói về Flappy Bird mà là về Hà Đông. Đây là một nhà phát triển game có khá nhiều trò chơi đã được giản lược hóa như Flappy Bird. Về sau này Hà Đông có cho ra đời trò Swing Copters và nó đã không thể lặp lại thành công của Flappy Bird. Nhưng thành thực mà nói, thứ gì có thể lặp lại được thành công đó? Chúng tôi hiện rất mong chờ xem Hà Đông sẽ hướng tới điều gì trong năm 2015”.