Vượt qua nhiều đại gia
Ngày 17/3, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin vô cùng quan trọng. Đó là hàng loạt lãi suất chủ chốt được điều chỉnh giảm. Nhà đầu tư phản ứng tích cực với thông tin này nên VN-Index tăng mạnh, vượt ngưỡng quan trọng 600 điểm.
Trong bối cảnh “nhà nhà cùng đi lên”, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan, “cha đẻ” nước mắm Chinsu vượt mặt hàng loạt đại gia Việt, khi có tốc độ đi lên mạnh nhất. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, MSN tăng trần, tăng 7.000 đồng/CP lên 108.000 đồng/CP. Dư mua trần MSN đạt gần 200.000 đơn vị. Không chỉ được hưởng lợi từ đà tăng chung của thị trường, MSN còn được nhà đầu tư quan tâm, khi quỹ Market Vector Vietnam ETF (VNM ETF) công bố sẽ mua vào lượng cổ phiếu MSN trị giá hơn 40 triệu USD (tương đương 8 triệu cổ phiếu).
Tăng mạnh hơn tất cả các cổ phiếu của hàng loạt đại gia Việt, MSN khiến nhà đầu tư choáng váng. |
Chỉ trong một phiên giao dịch, MSN giúp vốn hóa thị trường của tập đoàn Masan có bước tiến dài, khi tăng 5.144 tỷ đồng lên 79.370,4 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất của cổ phiếu MSN và tập đoàn Masan trong nhiều tháng trở lại đây.
Trong các cổ đông của tập đoàn Masan, hai sếp lớn là bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, sau 5 tiếng giao dịch hôm nay, bà Hoàng Yến, thành viên HĐQT Masan có thêm 152,5 tỷ đồng vào tài khoản. Ông Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan có thêm 110,4 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong năm qua, hai sếp lớn được chứng kiến tài khoản của mình “phình to” đến như vậy.
Nếu tính từ đầu năm 2014 thì MSN thậm chí còn mang nhiều “lộc” hơn cho cổ đông Masan. So với thời điểm cuối cùng của năm 2013, MSN tăng 25.500 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của Tập đoàn Masan tăng 18.740 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Yến và ông Hùng Anh lần lượt đút túi 553,4 tỷ đồng và 402,1 tỷ đồng.Vượt mặt hàng loạt đại gia Việt
MSN đã giúp bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh vượt mặt hàng loạt đại gia Việt. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là người mất mát nhiều nhất khi cổ phiếu HPG giảm 1.000 đồng/CP xuống 49.000 đồng/CP. Tăng mạnh trong suốt thời gian dài qua nên HPG điều chỉnh giảm là điều đã được dự báo trước.
HPG suy giảm khiến một khoản tiền không nhỏ bốc hơi khỏi túi ông Long. Hôm nay, ông Long mất 101 tỷ đồng. Sự mất mát của vị đại gia này còn lớn hơn nữa nếu tính đến cả số cổ phiếu mà bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ. Bà Hiền mất 31 tỷ đồng.
Hai anh em đại gia họ Trầm cũng chứng kiến tổng tài sản suy giảm khi cổ phiếu STB giảm 500 đồng, xuống 19.900 đồng/CP. Anh cả họ Trầm, Trầm Trọng Ngân, người đang giữ vị trí thứ 15 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam mất 27,4 tỷ đồng. Người em Trầm Khải Hòa chứng kiến 12 tỷ đồng rời tài khoản. Cổ phiếu một số đại gia Việt nắm giữ không suy giảm nhưng do tốc độ tăng của cổ phiếu khá yếu nên ông Hà Văn Thắm, ông Lê Phước Vũ, đều bị các sếp lớn của Masan vượt mặt.
Cụ thể, khi OGC chỉ tăng 100 đồng/CP lên 12.600 đồng/CP, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đại Dương chỉ có thêm 13,6 tỷ đồng. Tài sản của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT đoàn Hoa Sen cũng chỉ tăng thêm 21,4 tỷ đồng. Mặc dù vượt mặt được hàng loạt đại gia Việt nhưng các sếp lớn của Masan vẫn phải “chịu thua” hai người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu VIC và HAG tăng mạnh. VIC tăng 2.500 đồng/CP lên 78.500 đồng/CP, HAG tăng 1.100 đồng/CP lên 28.200 đồng/CP.
VIC tăng mạnh giúp người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có thêm 711,6 tỷ đồng. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán, bầu Đức nhận được thêm 342,8 tỷ đồng nhờ cổ phiếu HAG.