Bộ phim Cha cõng con quen thuộc với bạn yêu điện ảnh, dành được một số giải thưởng quốc tế. Truyện ngắn là khởi nguồn, là ý tưởng ban đầu cho tác phẩm điện ảnh ấy mới được xuất bản trong cuốn sách cùng tên của Lương Đình Dũng.
Thấm đẫm tình cảm gia đình
Cha cõng con tập trung vào những mảnh ký ức về gia đình, dưới góc nhìn của một người con dành cho cha mẹ, anh chị em, thấp thoáng dáng hình của những số phận gia đình nghèo khó nơi miền quê thuở trước.
Tập truyện ngắn Cha cõng con mới phát hành. |
Truyện ngắn Bán chị tôi có nội dung rất quen với nhiều người nghèo khổ nơi miền quê hẻo lánh của đất nước này. Một người con gái lớn vì người cha bệnh tật, người mẹ ốm yếu, vì hoàn cảnh đưa đẩy buộc phải chấp nhận đi sang Trung Quốc làm dâu. Nói lấy chồng, nói làm dâu nhưng thực ra là bán mình, với giá rẻ mạt 20 triệu đồng.
Chuyện chẳng khác gì Thúy Kiều bán mình chuộc cha, chị Dậu bán mình nuôi con ngày trước. Không khí u ám đau buồn bủa vây cả một miền đất, một vùng trời và cả mấy phận người trong nhà.
Người con gái tên Xuân ấy bị lừa bán đi mười năm trời, chịu bao tủi nhục, tuổi xuân đã mất hẳn rồi, nguyện ước được sống cũng đã lụi tàn, cho đến khi người em trai đã trưởng thành, tìm ra tung tích cô và đưa cô trở về nhà.
Dòng sông Đáy bao năm đã chứng kiến nỗi đau thương lặng câm, cũng như nỗi khao khát đi tìm Xuân, cứu Xuân của người em trai, cùng những người trong gia đình.
Cũng chính bởi kết thúc ấy, mà câu chuyện Bán chị tôi của Lương Đình Dũng nhóm lên một chút hy vọng, mong manh đấy, nhưng vẫn là một vệt nắng đẹp, bừng sáng cả tác phẩm.
Trong truyện ngắn Bán chị tôi cũng như những truyện ngắn trong tập Cha cõng con, mỗi câu chữ anh viết ra đều sắc sảo, không chút dư thừa, dài dòng.
Những phận người lầm lũi
Trong tập truyện ngắn của Lương Đình Dũng, những phận người bé nhỏ, nghèo khổ, dường như sống bên rìa xã hội đã được khắc họa tinh tế, chân thật và đầy ám ảnh.
Đạo diễn, tác giả Lương Đình Dũng. |
Số phận của một cô gái quê bị lừa gạt bởi một chàng Sở Khanh phố thị (Con gái, mặt trời vẫn mọc ở phía đông kìa…); một tội phạm trẻ tuổi lầm lạc (Tiếng hát cô dọn phòng); một người bán củi nghèo khổ chạy từng bữa ăn (Người bán củi dở hơi); Một người ăn mày chết đói (Khoảnh khắc)… đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, nhiều nỗi buồn về đời sống.
Nhưng trong những lầm lũi chạy đua mòn mỏi với đời sống ấy, khi đặt nhân vật vào những cảnh huống ngặt nghèo, buộc họ phải đối diện, phải đau đớn, Lương Đình Dũng luôn tỏ ra là một người nhân hậu, tha thiết hy vọng, dẫn dắt nhân vật đến ánh sáng cuộc đời bằng những khoảnh khắc rất đỗi giản dị.
Người mẹ luôn mua giúp anh bán củi nghèo dù nhà đã có thừa, tiếng hát của cô gái dọn phòng đã khiến tên tội phạm đầu thú, và nhận được sự khoan hồng của pháp luật, hay người con gái khi bị lừa gạt vẫn luôn được cha bảo vệ, dang rộng vòng tay dẫn lối….
Ở đó, từng khoảnh khắc đẹp đẽ cứ ánh lên giữa đau buồn, lại thấy cuộc sống thực vẫn còn nương náu nhiều điều thiện, điều lành biết bao.
Nén chặt những ngậm ngùi
Còn nhiều rất nhiều những khắc khoải trăn trở Lương Đình Dũng dồn nén trong sáng tác của mình. Khoảng vực sâu ngăn cách giữa giàu nghèo, giữa phố thị thôn quê, giữa văn minh u tối hiện lên ngổn ngang trong những câu chuyện của Dũng.
Truyện ngắn Bảy ngày thành phố, chính là sự biểu đạt rõ nét nhất nỗi đau đáu của Lương Đình Dũng. Cái xót xa của chàng trai thành phố kia khi quay lưng khỏi làng quê phải chăng chính là cái xót xa cho sự nghèo khó, buồn tủi của những phận người nơi đây.
Những hình ảnh đẹp trong bộ phim Cha cõng con |
Truyện ngắn Cha cõng con là một dấu ấn u buồn nhưng lộng lẫy về tình cha con, cũng là truyện ngắn dồn nén nhiều trăn trở, ngậm ngùi của tác giả.
Cha cõng con chính là ý tưởng ban đầu cho bộ phim điện ảnh đầu tay cùng tên của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim đã được giới thiệu tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Thụy Điển…. giành một số giải thưởng quốc tế.
Câu chuyện về một người cha nghèo khổ cùng con trai sống ngày qua ngày bằng nghề đánh bắt cá. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi, nhưng đột ngột người con bị mắc bệnh máu trắng, không thể nào sống nổi. Khi ấy người cha tìm mọi cách để thực hiện ước nguyện của con, được đến thật gần hơn với bầu trời và những đám mây.
Người cha đã bắt đầu hành trình cõng con lên tòa nhà cao nhất nơi thành phố xa xôi, để con được đến gần hơn bầu trời. Rồi khi “thấy ánh mắt lấp lánh của con nhìn chiếc máy bay”, người cha lại tìm cách thực hiện ước nguyện cho con đi máy bay một lần trong đời.
Nhưng số tiền chỉ đủ cho một người đi, còn mình con lại không thể đi máy bay. Trong giây phút tuyệt vọng nhất, một người khách xuất hiện, như ông tiên trong cổ tích, mua vé giúp hai cha con.
Lương Đình Dũng không đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật, mà ngôn ngữ sắc bén, diễn tả những hành động liên tiếp nhau, như trình chiếu những hình ảnh trên màn ảnh lớn, để những hình ảnh tự biểu đạt tất thảy: nỗi đau đớn, niềm hạnh phúc, ước nguyện, hy vọng…. Chính những dồn nén ấy càng dễ khiến độc giả đồng cảm.
Cha cõng con đã có một cái kết đẹp, lấp lánh giữa dòng sông, thực và ảo đan quyện vào nhau. Hình ảnh cha cõng con cứ hiện ra mãi, ám ảnh mãi trong tâm trí độc giả về nỗi hoang tàn, khao khát, bi thương, ngậm ngùi.
Xuất thân là một đạo diễn điện ảnh, nên mỗi truyện ngắn của Lương Đình Dũng đều đậm vết dấu hình ảnh. Mỗi câu chuyện ở đó, có lẽ đều nung nấu những bộ phim điện ảnh đẹp đẽ như bộ phim Cha cõng con đã từng thể hiện.