CEO Vissan thành công nhờ 'cái tâm trong sáng'
Từ đơn vị chuyên giết mổ và phân phối thịt gia súc, Vissan - dưới sự dẫn dắt của ông Văn Đức Mười - đã trở thành một công ty liên hoàn theo mô hình "từ trang trại đến bàn ăn".
- Trong một lĩnh vực mà sản phẩm vốn đã tạo nên khẩu vị quen thuộc với người tiêu dùng, câu chuyện đổi mới và sáng tạo nên được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
- Đổi mới là điều phải thực hiện thường xuyên, nếu dừng lại sẽ tụt hậu. Đó là đổi mới về tư duy nhìn nhận thị trường, bộ máy, con người. Với thuộc tính của nền kinh tế đi lên từ sản xuất, thì "thị trường quyết định sản xuất" là một đổi mới rất căn bản so với tư duy bao cấp trước đây.
- Mấy chục năm gắn bó với Vissan, có không ít thời điểm khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, ông chia sẻ gì về tâm thế của người đứng đầu doanh nghiệp khi đối diện với những thử thách để không "ngã tay chèo"?
- Tôi luôn nghĩ rằng, cuộc đời của một công ty phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo và thích ứng. Đó là một quá trình mà chúng ta không thể dừng lại được. Muốn thể hiện được vai trò của mình, một doanh nhân không chỉ cần có trí thức, hoài bão mà còn phải có bản lĩnh để đứng vững trước những thử thách. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang có những sự sắp xếp lại như hiện nay thì điều đó càng trở nên quan trọng… Bản chất của một người lính giúp tôi luôn quyết liệt, bám riết đến cùng. Mặt khác, cũng phải biết thay đổi linh hoạt để phù hợp với thị trường. Trong những thời điểm khó khăn, nếu không có bản lĩnh thì sẽ dễ bị nản và ngã tay chèo. Tôi luôn nói với mọi người, tôi có cách ứng xử của một thanh niên, luôn sẵn sàng để đổi mới. Tư duy này được thực hiện kiên trì trong suốt một thời gian dài, đến ngày hôm nay thì chúng tôi đã có được sự đồng thuận lớn của công nhân viên chức. Điều này đòi hỏi tổ chức lãnh đạo bộ máy phải đổi mới trước. Còn nếu vẫn giữ đầu óc cũ thì sẽ không phát triển được.
Do mục tiêu rõ ràng nên ở Vissan, những ai chạy theo công cuộc thay đổi mà có "rớt dép" thì cũng lượm lên để chạy tiếp và hầu như không có ai phải trốn vào bụi rậm cả … Văn Đức Mười - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vissan |
- Quản trị chỉ là một công cụ để phát triển. Vấn đề đầu tiên nằm ở chiến lược. Việc phát triển nóng trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp không tập trung vào giá trị cốt lõi mà chạy theo những xu thế ngắn hạn. Đó là sai lầm về chiến lược, dẫn đến nợ xấu, đầu tư sai mục đích và phân tán nguồn lực. Nhiều người nản chí và không có cơ hội để phục hồi nữa. Quản trị cũng là một vấn đề, nhưng đó là bước đi sau chiến lược.
- Điều gì khiến ông và Vissan kiềm chế được để không chạy theo những xu thế ngắn hạn?
- Điều đó lại bắt nguồn từ tấm lòng trong sáng để khai thác nguồn lực của nhà nước, còn nếu không, có lẽ chúng tôi cũng sẽ bị lụy trước những mục tiêu ngắn hạn. Ngay từ rất sớm, chúng tôi đã có một tầm nhìn chung là bám vào lĩnh vực cốt lõi và kiên quyết không đi xa mục tiêu này. Là một công ty Nhà nước, chúng tôi đặt lên hàng đầu những mục đích chung, không nhìn lợi nhuận tách rời mục tiêu xã hội, tìm cách để đảm bảo được đời sống của cán bộ công nhân. Vissan ngày càng tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Hướng đi này có thể không đem lại lợi nhuận cao, nhưng chắc chắn rất bền vững, thực tế đã chứng minh điều đó.
Ông Văn Đức Mười cho biết, sự nở rộ của những thương hiệu thực phẩm nước ngoài tại Việt Nam chính cơ hội để Vissan khẳng định thương hiệu. "Nếu buông xuôi có nghĩa là mình tự thua, còn nếu sản phẩm có chất lượng tốt thì vì tinh thần dân tộc, tôi tin chắc chắn người tiêu dùng sẽ chọn thương hiệu Việt", ông nói. |
- Trong một bài phát biểu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM, ông cho rằng, không nên cứ tiếp tục ru nền kinh tế theo chiều hướng êm đềm. Phải chăng ông ngụ ý, những chính sách của chúng ta chưa thực sự quyết liệt và rốt ráo?
- TP.HCM cũng là một nền kinh tế địa phương chịu tác động từ những vấn đề chung của nền kinh tế. Chúng tôi phải đưa ra những kiến nghị để tháo gỡ những vấn đề như nợ đọng, nợ xấu, tồn kho. Tiền đọng trong ngân hàng khiến cho những lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế không hấp thụ được và cứ thế bị ru ngủ, giẫm chân tại chỗ. Tôi đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực tại thời điểm Thủ tướng vào TP.HCM và một số tỉnh khác để chỉ đạo về việc gỡ khó cho thị trường bất động sản. Giải pháp đưa ra là định giá lại và mua lại để bán cho những người có nhu cầu thực sự. Như vậy, vốn sẽ được thanh khoản và luân chuyển. Năm 2013, tôi tin rằng sẽ có tổng cầu mới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển để dần khôi phục lại, nhưng cũng chưa thể có bước phát triển đột biến.
- Nhưng có nhiều người lại lo rằng, nếu tiếp tục đổ tiền vào thị trường bất động sản thì bong bóng sẽ to hơn?
- Nợ xấu hiện còn đọng rất nhiều trong bất động sản. Giải quyết được vấn đề này tức là giúp cho tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Trong thời điểm này tôi không thấy có giải pháp nào tốt hơn, đó là căn cơ để giải quyết khó khăn cho những lĩnh vực khác.
Không thích êm đềm
- Trong những khó khăn chung về giá nguyên liệu, sự thu hẹp của thị trường... thì kinh nghiệm vượt bão của Vissan là gì?
- Trước hết phải biết cân đối lại nguồn lực tài chính, đầu tư đúng chỗ. Trong sản xuất kinh doanh, Vissan giảm thiểu những chi phí sản xuất không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm và uy tín. Để làm được điều này, cần có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, còn nếu chỉ làm riêng lẻ thì chắc chắn sẽ không làm nổi.
- Vậy kết quả kinh doanh của Vissan trong năm vừa rồi thế nào, thưa ông ?
- Năm 2012, doanh thu của Vissan đạt 4.320 tỷ đồng, lợi nhuận 150 tỷ đồng và nộp ngân sách 250 tỷ đồng. Chỉ số này chỉ cao hơn năm trước đó một chút, nhưng đó cũng là một thành quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, thành quả lớn nhất không phải là lợi nhuận mà là tư duy trong cách quản trị bộ máy theo chiều hướng tích cực, đổi mới. Đó mới là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững. Chúng tôi tận dụng cơ hội này để ngồi lại với nhau, cùng tìm ra giải pháp. Nhìn ở một góc độ khác thì thử thách này cũng là một điều rất may mắn. Còn nếu cuộc sống cứ êm đềm mãi và chúng ta bằng lòng nhận đồng lợi nhuận đều đều như vậy thì đến một lúc nào đó sẽ rất nguy hiểm. Sống trong thời đại "cao huyết áp", nhưng chúng tôi tự tin là mình đã có thuốc trị và Vissan giữ thế chủ động trong cuộc chơi này.
- Tư duy đổi mới của lãnh đạo thì ông đã chia sẻ, nhưng điều quan trọng hơn là kéo được cả đội ngũ cùng thay đổi, ông đã làm như thế nào?
- Nếu không có tập thể chúng ta không làm được, nhưng nếu không có người đứng đầu quyết liệt thì cũng không làm được. Để tạo ra được sự đồng thuận thì trước hết người phát ra thông điệp phải có cái tâm thật trong sáng, có mục tiêu rõ ràng, phân tích được thấu đáo vấn đề. Đó cũng là cách mà chúng tôi kéo được các nhân viên đi theo. Do mục tiêu rõ ràng nên ở Vissan, những ai chạy theo công cuộc thay đổi mà có "rớt dép" thì cũng lượm lên để chạy tiếp và hầu như không có ai phải trốn vào bụi rậm cả (cười)… Bằng quá trình thay đổi đó, những khiếm khuyết đã dần được bù đắp. Trong sáng rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó còn phải có công cụ và bản lĩnh để vượt qua. Nếu có bản lĩnh mà không trong sáng thì không thể gây dựng được niềm tin. Khi có được niềm tin và sự đồng lòng rồi thì phải có tri thức quản lý mới làm được, có nhiều yếu tố cấu thành để tạo ra kết quả đó. Và phải làm tới cùng, còn nếu chỉ làm nửa vời thì không bao giờ đạt đến điều gì cả.
- Tôi được biết Vissan đã tái cấu trúc từ rất sớm. Tại sao tình hình kinh doanh đang rất yên ổn mà Vissan lại nghĩ đến việc tái cấu trúc, thưa ông?
- Chúng tôi tái cấu trúc từ sớm bởi nhìn trước vấn đề rằng, dòng chảy êm đềm đó sẽ ru mình ngủ và mình sẽ tự chết thôi. Tại thời điểm đó, chúng tôi cũng đã xác định trước những khó khăn từ thị trường.
- Ông nghĩ việc này có dễ để các doanh nghiệp khác thực hiện không?
- Việc này nói vậy, nhưng không hề dễ dàng. Bởi thông thường nhiều người chỉ nghĩ đến đoạn mình xong việc mà ít khi nghĩ đến việc để lại cho những thế hệ sau điều gì.
- Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, với chuỗi giá trị liên quan đến rất nhiều khâu khác nhau, bắt nguồn từ người nông dân chăn nuôi, ông nói gì về nguyên tắc xây dựng chuỗi giá trị này để tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp?
- Tôi rất thấm nhuần một tư tưởng, đó là: công nghiệp tiên tiến là một phần quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, phải công nghiệp hóa ngành nông nghiệp. Chúng tôi chủ động trong chuỗi giá trị và kiểm soát chuỗi giá trị đó, tạo ra sự công bằng, người nào làm phần nào thì sẽ được hưởng đúng với công sức họ bỏ ra. Rồi quyền lợi của các nhà phân phối cũng vậy, phải công bằng thì mới huy động được nguồn lực xã hội.
- Vậy ông nghĩ gì về việc ứng xử với người nông dân - những người vốn được coi là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi giá trị?
- Phải công bằng trong mọi công đoạn và phải ứng xử tốt. Tiếp đó là cần có công cụ để thực hiện, ví dụ như giáo dục để người nông dân hiểu được lẽ công bằng. Người ta cứ nói nông dân thiệt thòi, vậy nhưng nhiều khi nông dân cũng không sòng phẳng hoàn toàn đâu.
Ví dụ như, có nhiều trường hợp chúng tôi ứng tiền để người nông dân chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu, nhưng rồi họ biến mất tiêu, giá lên cao người ta không bán cho mình, còn giá thấp thì họ lại bắt đền. Doanh nghiệp chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn với người nông dân lắm. Trong câu chuyện này, cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật để đem lại nhiều giá trị, tạo công bằng và giúp người nông dân hiểu đúng giá trị lao động của họ. Muốn công bằng và tiến bộ thì nhận thức của các bên đều phải được nâng lên.
- Trong năm 2013, tinh thần của ông khi đối diện và dẫn dắt doanh nghiệp như thế nào?
- Tôi luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó. Giải pháp của Chính phủ không thể đem lại kết quả ngay mà chắc chắn sẽ có độ trễ. Tất nhiên, tôi có niềm tin vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nhưng quan trọng hơn vẫn là tin vào bản thân. Năm 2013 cũng là năm quyết định sự quay trở lại của niềm tin để mọi người bắt đầu làm việc. Tôi dự báo vào quý III mới bắt đầu có tín hiệu tốt, còn quý I và quý II vẫn tiếp tục khó khăn.
- Và ông nói gì về cuộc sàng lọc thời gian vừa qua?
- Thời gian qua có thể coi như một cuộc chiến đấu của nền kinh tế để sàng lọc những người không đủ năng lực, bản lĩnh ra khỏi thị trường. Tôi tin rằng năm 2013 sẽ chỉ còn lại những doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển. Khi đó, nền kinh tế sẽ phát triển lành mạnh hơn. Việc loại bỏ một số doanh nghiệp, theo quan điểm của tôi là cần thiết, bởi lẽ nếu chỉ sống lay lắt rồi bám víu lấy cái cũ thì chỉ đủ dinh dưỡng để tồn tại thôi chứ không thể sống khỏe mạnh được. Cũng như nền kinh tế của chúng ta hiện nay không nên được xức dầu cù là (dầu cao) nữa mà phải được giải phẫu triệt để.
- Trước sự xâm thực mạnh mẽ của các thương hiệu thực phẩm nước ngoài, Vissan có phải chịu sức ép cạnh tranh?
- Đó là điều không tránh khỏi, nhưng cạnh tranh cũng là một cơ hội để Vissan khẳng định uy tín của mình. Nếu trước sức ép đó mà mình buông xuôi có nghĩa là mình tự thua, còn nếu sản phẩm có chất lượng tốt thì vì tinh thần dân tộc, tôi tin chắc chắn người tiêu dùng sẽ chọn thương hiệu Việt.
Theo Doanh Nhân