Những chuyện ồn ào của doanh nhân đầu năm 2013
Hàng loạt sếp công ty chứng khoán bị bắt, ông chủ Đại Nam treo giải 100 tỷ đồng cho người chứng minh mình bị tâm thần... là những chuyện ầm ĩ về doanh nhân trong tháng đầu năm 2013.
1. Giải thưởng 100 tỷ đồng của ông chủ khu du lịch Đại Nam
Trước tin đồn bản thân bị tâm thần, trong khi vợ là bà Nguyễn Phương Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam bị cho là đi vay nợ nghìn tỷ, ông chủ khu du lịch Đại Nam - Huỳnh Uy Dũng dã treo thưởng 100 tỷ đồng tiền mặt cho ai chứng minh được những tin đồn này. Ông Dũng cũng chia sẻ, những tin đồn ác ý trên đã khiến cuộc sống của gia đình ông điên đảo, tai tiếng.
Ngay sau đó, ông Dũng cũng đưa ra giấy xác nhận số dư tiết kiệm 100 tỷ đồng tại ngân hàng Nam Á, đồng thời cho biết sẽ nhượng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại khu đền thờ Đại Nam để mở cửa miễn phí cho xã hội tham quan. Trước đó, bà Hằng - vợ ông Dũng - cũng chia sẻ rằng hiện tại, gia đình ông không còn nợ nần ai, và đã lâu rồi gia đình bà không đầu tư gì, cũng không có nhu cầu nhiều về tiền bạc.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng (tên trước đó là Huỳnh Phi Dũng) xuất thân từ cán bộ công tác hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một. Sau đó, ông nhận chức Giám đốc Xí nghiệp Sơn mài Thành Lễ, rồi đầu tư 2 khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương. Thàng 9/2009, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng cho khởi công xây dựng khu du lịch Đại Nam với tổng diện tích lên tới gần 500ha. Đến tháng 9/2009, khu du lịch bắt đầu mở cửa đón khách.
2. Cựu CEO chứng khoán Tràng An bị bắt
Theo thông báo phát đi ngày 18/1 của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS) - ông Lê Hồ Khôi - đã bị bắt và khởi tố. Vị CEO này bị bắt vì có hành vi chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Liên quan đến sự việc này, ngay sau đó SHB đã phát đi thông báo cho biết, hoạt động vay cầm cố chứng khoán của TAS diễn ra với ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) từ tháng 1/2011 - thời điểm Habubank vẫn chưa sáp nhập với SHB. Đến ngày 7/5/2012, Habubank đã có đơn tố cáo TAS gửi công an TP.Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc ngân hàng này ký hợp đồng ủy thác đầu tư với 4 khách hàng của TAS. Tính đến 18/1, TAS còn nợ Habubank (nay là SHB) 19,8 tỷ đồng, được đảm bảo bằng số nợ chứng khoán là 17,6 tỷ đồng trị giá tại ngày 18/1.
Trước trường hợp của ông Khôi, thị trường chứng khoán năm 2012 đã rúng động trước tin nhiều sếp chứng khoán khác cũng bị bắt, trong đó có cựu CEO Liên Việt, cựu Chủ tịch kiêm CEO SME và cựu Chủ tịch Chứng khoán Cao su.
3. Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt đóng cửa công ty
Sau 7 năm gắn bó với thị trường chứng khoán, Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt (AVS) Đoàn Đức Vịnh bất ngờ thông báo sẽ tiến hành rút 4 nghiệp vụ, gồm môi giới, bảo lãnh phát hành, lưu ký, tư vấn đầu tư chứng khoán và xem xét việc giải thể. Riêng mảng đầu tư của AVS sẽ để lại để giải quyết nốt những cổ phiếu đang niêm yết, chia tiền cho nhà đầu tư, phần còn lại sẽ thỏa thuận mua lại với giá hợp lý.
Chia sẻ về quyết định có phần bất ngờ này, ông Vịnh cho biết bản thân đã quá mệt mỏi và không còn tâm huyết. "Sau bao nhiêu năm làm chứng khoán, tôi nhận ra rằng nếu mình làm trong sạch thì không thể nào cạnh tranh vững mạnh với các công ty chứng khoán lớn có nhiều chiêu trò được. Hơn nữa, các khách hàng của tôi liên tục thua lỗ, phải bán nhà bán cửa, nếu mình có lời mình cũng không ngủ ngon", vị này chia sẻ với báo chí.
Kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty này là lỗ khoảng hơn chục tỷ, trong đó 9 tháng đã lỗ 9,26 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có khoảng 158 tỷ đồng tiền mặt tại ngân hàng, đủ trả lương cho nhân viên đến thời điểm giải thể.
Ngay sau công bố của Chủ tịch AVS, cổ phiếu của công ty này lại có chuỗi 3 phiên tăng trần liên tục và vẫn được giao dịch trung bình trên 50.000 đơn vị trong vòng 1 tuần sau đó.
Hạ minh (tồng hợp)
Theo Infonet