Với quy mô chiếm hơn phân nửa thị phần ngành sữa, Vinamilk vẫn luôn bị đặt câu hỏi về động lực tăng trưởng và điều này tiếp tục được bàn luận trong kỳ đại hội cổ đông thường niên 2022.
Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đánh giá thị trường sữa hiện nay vẫn chưa bão hòa mà còn nhiều tiềm năng. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người còn rất thấp so với khu vực.
"Lợi thế và khả năng tăng trưởng trong tương lai vẫn phụ thuộc vào các yếu tố cốt lõi như tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân tăng lên, Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ em ra đời mỗi năm là đối tượng bắt buộc sử dụng sữa...", vị CEO nhận định.
Lãnh đạo Vinamilk trả lời chất vấn tại đại hôi cổ đông thường niên 2022. |
Doanh thu kỷ lục 64.000 tỷ đồng
Thực tế Việt Nam không phải là nước có truyền thống sử dụng sữa, trước đây đa phần các sản phẩm sữa đều nhập khẩu, không có ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành sữa đã đẩy mạnh truyền thông để đưa mức tiêu thụ sữa tăng lên, cao gấp 2,5 lần trong một thập niên vừa qua.
Theo bà Liên, Việt Nam vẫn thuộc diện mức thu nhập trung bình thấp và GDP chưa cao như các nước trong khu vực nên lượng sữa tiêu thụ trên đầu người còn thấp.
Trong dự báo của doanh nghiệp, doanh số kỳ vọng toàn thị trường sữa lên tới 136.000 tỷ đồng vào năm 2025. Riêng Vinamilk trong năm 2022 đạt 61.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 86.000 tỷ vào năm 2025.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA VINAMILK | ||||||
Nhãn | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | KH Năm 2022 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 52562 | 56318 | 59636 | 60919 | 64070 |
Lãi sau thuế | 10206 | 10554 | 11236 | 10632 | 9770 |
"Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là các sản phẩm chủ lực của Vinamilk kiên trì trong suốt 45 năm qua, đảm bảo dinh dưỡng cho mọi đối tượng với chất lượng quốc tế và giá cả cạnh tranh", bà Liên nhìn nhận.
Nói thêm về dòng Organic, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các sản phẩm này ra mắt từ năm 2019 đã ghi nhận một bộ phận đáng kể người tiêu dùng sử dụng trung thành. Tuy nhiên đây là sản phẩm kén người mua, giá thành cao, cần có thời gian chuyển biến nhận thức và hành vi người tiêu dùng, là sản phẩm chuẩn bị cho tương lai.
Hoạt động xuất khẩu cũng đang tiến triển tốt với mức tăng hơn 10% trong năm ngoái. Doanh thu xuất khẩu năm nay dự kiến tăng 5-10%, tuỳ thuộc vào yếu tố thị trường và giá nguyên liệu tăng.
Trong năm 2022, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu đạt trên 64.000 tỷ đồng, tăng 5% so với mức kỷ lục năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 8% về mức 9.770 tỷ đồng.
Đối với chiến lược 5 năm tới, doanh nghiệp dự kiến tập trung phát triển sản phẩm và trải nghiệm cho người tiêu dùng để tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tìm kiếm cơ hội M&A, thu hút nhân tài...
Bà Liên cũng mong muốn cổ đông chia sẻ khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh trong năm 2021 nhưng công ty không tăng giá bán sản phẩm để hỗ trợ người tiêu dùng, chung tay chống dịch theo chủ trương của Chính phủ.
Về nguyên liệu đầu vào, hiện Vinamilk đã chốt giá bột sữa đến tháng 8 năm nay và cũng đã tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo kết quả kinh doanh cho năm 2022.
Cơ cấu nhân sự mới
Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc bầu lại thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2022 - 2026. Số lượng bầu mới tối đa 11 người, trong đó có ít nhất 3 thành viên độc lập.
Đáng chú ý là bà Lê Thị Băng Tâm sẽ không tham gia vào kỳ bầu cử lần này, do đó sẽ rút lui khỏi vị trí chủ tịch HĐQT của Vinamilk sau 5 năm điều hành.
Bà Tâm sinh năm 1947 (tức 75 tuổi), là tiến sĩ kinh tế Đại học Kinh tế Tài chính Leningrat và có chứng chỉ tài chính quốc tế tại trường North University London. Bà nắm giữ vị trí cao nhất tại Vinamilk từ tháng 7/2015.
Trước đó bà từng làm Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước, Thứ trưởng Tài chính (1995-2006) và nhiều chức vụ khác tại Bộ Tài chính. Nữ lãnh đạo này cũng vừa rút khỏi HĐQT HDBank.
Nói về sự rút lui này, CEO Mai Kiều Liên bày tỏ sự tiếc nuối về chặng đường 10 năm gắn bó của bà Tâm với sự đóng góp lớn giúp Vinamilk đến ngày hôm nay, đặc biệt trong hai năm dịch bệnh vừa qua. Sự rút lui của bà Tâm là để tạo cơ hội cho những nhân sự trẻ hơn.
Cái tên được bầu mới tại Vinamilk là ông Nguyễn Hạnh Phúc - là thành viên HĐQT độc lập. Ông từng nắm nhiều vị trí chủ chốt ở Tỉnh uỷ Thái Bình, sau đó ông trở thành Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia... Từ tháng 11/2021 tới nay, ông Phúc nghỉ hưu theo chế độ.
Cổ phiếu VNM liên tục đi xuống khiến định giá doanh nghiệp ngày càng thấp. Đồ thị: TradingView. |
Việc tăng trưởng chậm đang khiến cho giá cổ phiếu VNM xuống thấp và định giá trở nên kém hấp dẫn, cổ đông Vinamilk sốt ruột và mong muốn doanh nghiệp có những biện pháp hỗ trợ như mua vào cổ phiếu quỹ.
Bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh giá cổ phiếu diễn biến theo quy luật cung cầu trên thị trường và HĐQT Vinamilk không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ để cứu giá cổ phiếu. Ban lãnh đạo cố gắng dẫn dắt công ty phát triển bền vững, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, còn giá cổ phiếu do thị trường quyết định.
Đối với kiến nghị về việc xem xét niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, bà Lê Thị Băng Tâm cho biết doanh nghiệp từng có nghiên cứu nhưng bây giờ thực hiện không còn đơn giản. Do vậy, công ty chưa có kế hoạch trong ngắn hạn, nhưng đó là một định hướng tốt trong tương lai khi điều kiện thuận lợi.