Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Vinacafe thú nhận làm cà phê trộn đậu nành

Ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa thừa nhận, trước sức ép của thị trường, 2 dòng sản phẩm của hãng này có trộn đậu nành.

Tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp - Người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch hôm nay, 23/8, một người tiêu dùng thắc mắc: “Mới đây, hãng tung quảng cáo từ 1/8, trong mỗi ly cafe từ Vinacafe là cà phê nguyên chất. Vậy từ trước đến nay, cà phê của doanh nghiệp không nguyên chất?”

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan - MSN) thừa nhận: “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, trước sức ép của thị trường, sức ép của gout thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào cà phê”.

cafe tron dau nanh anh 1
Sản lượng cà phê Việt Nam theo chủng loại. Ảnh minh họa: cesti.gov.vn

Cùng với đó, ông Kỷ kể, hè năm 2015, khi đưa gia đình tới một resort ở Phú Quốc nghỉ mát, bước vào một quán café, ông thấy có hai loại: một loại dán nhãn mua cà phê thật về pha cà phê. Loại thứ hai là cà phê rang xay.

“Không cần phải là một chuyên gia về cà phê hay một người chuyên về công nghệ, tôi dễ dàng nhận ra đó không phải là cà phê nguyên bản mà có trộn đậu nành. Khi nhấp ngụm cà phê đó, vị đắng vẫn còn nguyên trong cổ họng của tôi”, ông nói.

CEO Vinacafe chia sẻ, điều này khiến ông vô cùng day dứt khi đã đi ra khỏi triết lý kinh doanh, đi sai với niềm tin suốt 50 năm qua theo đuổi. “Chúng tôi quyết định từ 1/8 chỉ làm cà phê nguyên bản”, ông Kỷ khẳng định.

CEO này vẫn băn khoăn trước nghịch lý: Việt Nam là cường quốc về cà phê nhưng hầu hết người Việt chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa. “Chúng ta chưa có tiêu chuẩn nào đúng nghĩa về cà phê. Vậy mai đây, bước ra thế giới, chúng ta sẽ giới thiệu gì?”, ông Kỷ nêu vấn đề.

Trước đó, ông lớn khác trong ngành cà phê Việt Nam là Nescafe cũng thừa nhận sản phẩm cà phê Việt của mình có độn đậu nành. Lý do được hãng này viện dẫn cho việc trộn đậu nành vào cà phê cũng là "để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt Nam".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê - Masan Consumer, Tập đoàn Masan dẫn một báo cáo gần đây cho biết, 50% café ở Việt Nam không phải cà phê nguyên chất. Ông cũng nêu thực trạng là mỗi kg cà phê ở Việt Nam chỉ khoảng 2 USD, trong khi ở Mỹ là 20 USD.

Sau khi nghe các CEO chia sẻ, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng trước hết Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm cà phê đậm hương vị truyền thống.

Ông Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, các đại diện doanh nghiệp để phản hồi lại với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, từ đó, Bộ có những chính sách cụ thể hơn trong thời gian tới.

Chỉ 30% đường chuẩn trên thị trường

Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Uỷ ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, trên thị trường có khoảng 300.000 tấn đường tiêu thụ nhưng chỉ 30% đóng dấu cam kết của nhà sản xuất với khách hàng, 10% là đường nhái và 60% còn lại là đường bẩn.

Theo ông Dương, đường sạch phải đảm bảo 3 yếu tố, phải sạch từ trang trại sản xuất cho đến chọn công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối.

“Ở Việt Nam có 2 loại đường, 3 loại công nghệ và chỉ có chuyên gia mới phân biệt được. Đường sunfit dùng lưu huỳnh tẩy trắng, chỉ có carbonat là không dùng hoá chất tẩy trắng và giá cao hơn. Người tiêu dùng cho rằng đường càng trắng thì càng nhiều hoá chất. Thực ra không phải vậy mà là do dư lượng tạp chất còn tồn”, ông Dương nói.

Chiêu quảng cáo cà phê nguyên chất và giá của nỗi sợ hãi

Trong chiến dịch truyền thông mới được phát đi của Vinacafe, mọi thành bại của thương hiệu này đều bắt nguồn từ sự sợ hãi.

So sánh tỷ phú Vingroup và ông chủ của Masan

Cùng khởi nghiệp với mì gói trên đất Đông Âu nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tiến sĩ "nghèo" Nguyễn Đăng Quang lại đi theo những hướng khác nhau khi về Việt Nam.

Từ tiến sĩ nghèo đến ông chủ tỷ đô của Masan

Mức lương tiến sĩ 67.000 đồng/tháng không đủ nuôi gia đình là động lực quan trọng để ông Nguyễn Đăng Quang vươn lên trở thành ông chủ của "đế chế" Masan.

Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm