Sáng 28/2, Vietjet Air đã chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu lên sàn chứng khoán với giá khởi điểm là 90.000 đồng/cp.
Với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và mức giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% vốn hoá của HOSE (1,63 triệu tỷ đồng tính tới 15/2/2017), Vietjet nằm trong danh sách VN 30 - doanh nghiệp lớn nhất sàn HOSE.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đánh cồng để niêm yết chính thức cổ phiếu VJC. Ảnh: Việt Dũng. |
Ngay sau khi niêm yết giá cổ phiếu VJC đã tăng hết biên độ. Mở cửa phiên giao dịch, lượng đặt mua giá trần 108.000 đồng và ATO lên đến gần 5 triệu đơn vị nhưng chỉ có vỏn vẹn 10 cổ phiếu được khớp.
Tính sơ bộ theo mức giá 108.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu do bà Nguyễn Thị Phương Thảo và công ty do bà sở hữu 100% vốn là Hướng Dương Sunny có giá trị lên đến 10.580 tỷ đồng và thành người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán khi giá trị cổ phiếu bà nắm giữ, chỉ thua tỷ phú Trịnh Văn Quyết (43.360 tỷ đồng) và tỷ phú Phạm Nhật Vượng (33.266 tỷ đồng). Đồng thời giá trị cổ phiếu bà Thảo sở hữu cũng bỏ xa các tỷ phú xếp sau mình.
Cơ cấu chủ sở hữu Vietjet, trong đó công ty Hướng Dương Sunny cũng thuộc sở hữu của CEO hãng hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Đồ họa: Quang Thắng. |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của Vietjet, cho biết với 27 đường bay quốc tế, và thị phần nội địa chiếm 41%, đây là hãng hàng không có lợi nhuận sớm nhất ngay từ năm thứ 2 hoạt động.
Vietjet là công ty Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo quy trình quốc tế.
"Chúng tôi mong muốn mang đến giá trị đột phá cho nhà đầu tư", bà Thảo phát biểu. “Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, chúng tôi tin rằng có một tương lai tốt đẹp trên không cho hành khách của mình, cho công ty và cho các nhà đầu tư".
Theo nữ lãnh đạo Vietjet, hãng hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng và hiệu quả quản trị công ty niêm yết theo những chuẩn mực tốt nhất tại Việt Nam và trên thế giới.