Trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia Review, ông Roongrote Rangsiyopash - CEO Tập đoàn Xi măng Siam (SCG) - chia sẻ về kế hoạch mở rộng thị trường trong tương lai của tập đoàn, đặc biệt tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
SCG là một trong những công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp hàng đầu tại Thái Lan, bắt đầu hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam từ năm 1992. Hiện SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng.
Trước đó, công ty này đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp Việt như Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI), Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh và Prime Group. Tháng 2 năm nay, tập đoàn Thái Lan công bố đã ký kết thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân.
Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn siêu dự án này.
Ông Roongrote Rangsiyopash, CEO SCG, tập đoàn sản xuất xi măng hàng đầu Thái Lan. Ảnh: SCG. |
Kế hoạch "bản địa hóa"
SCG đang hướng tới những quốc gia nào?
- Có thể thấy hầu hết quốc gia tại châu Á đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Thị trường này cũng rất trẻ, đây sẽ là cơ hội tốt để một công ty Thái Lan mở rộng quy mô.
Siam đang lên kế hoạch “bản địa hóa” khu vực, tức là ngoài tập trung phát triển ở thị trường Thái Lan, công ty sẽ nhắm tới những thị trường mới nổi trong khối ASEAN. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, gần nhất là trong 2-3 năm tới.
Việc kinh doanh của Siam bị ảnh hưởng ra sao khi dịch Covid-19 xuất hiện?
- Rõ ràng là có thiệt hại, nhưng không đến mức nghiêm trọng lắm. Mảng hóa chất chiếm tới 50% doanh số bán hàng của Siam, sản xuất xi măng chiếm khoảng 30%, còn lại là kinh doanh bao bì. SCG Packaging - đơn vị sản xuất bao bì của công ty - vừa lên sàn vào năm ngoái.
Mảng hóa chất chủ yếu phục vụ cho các nhà sản xuất phụ tùng ôtô. Khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh số bán xe giảm mạnh khiến lĩnh vực này bị ảnh hưởng đáng kể. May là công ty vẫn có lợi nhuận từ việc sản xuất các sản phẩm vệ sinh như khẩu trang.
Trong khi đó, dịch vụ giao hàng tận nhà lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng kỷ lục. Lệnh giãn cách xã hội khiến người dân đặt hàng trên mạng nhiều hơn, nhu cầu về các loại bao bì nhờ vậy cũng tăng mạnh. Các nhà hàng đặt mua từ những chiếc hộp nhỏ đựng nước chấm, đựng tương ớt cho tới hộp to để chứa đồ ăn. Đây là mảng ghi nhận doanh thu tăng cao nhất trong năm ngoái.
Dù vậy, hoạt động sản xuất xi măng lại thật sự u ám. Dịch bệnh ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, nên cũng không mấy ai có ý định mua nhà hay mua chung cư. Hàng loạt dự án xây dựng bị hoãn lại nên doanh số xi măng trượt dốc không phanh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Thái Lan vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Bình thường, sẽ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đến đây để mua bất động sản. Rồi mọi thứ đã đóng băng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ngành du lịch điêu đứng, mọi lĩnh vực liên quan - trong đó có ngành xi măng - cũng bị chao đảo.
Nhu cầu tăng nhờ thương mại điện tử
Thế còn các dự án của công ty? Có bị ảnh hưởng gì không?
- Tất nhiên là có. Siam đang triển khai một số dự án lớn, trong đó có dự án xây dựng khu tổ hợp hóa dầu tại Việt Nam. Rất may là dự án này không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy vậy, dự án mở rộng xưởng tái chế bao bì tại Philippines bị hoãn lại do nước này ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong nhiều tháng. Nhưng giờ thì mọi thứ đã trở lại bình thường. Dự kiến kế hoạch sẽ được hoàn thành trong 6 tháng tới.
Bên trong nhà máy của SOVI tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: SVI. |
Theo ông, khi nào thì hoạt động kinh doanh của công ty trở lại bình thường?
- Đây là một câu hỏi khó. Dịch bệnh chưa chấm dứt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin vào triển vọng trong tương lai khi có vaccine. Có thể phải mất nhiều năm nữa, vaccine mới được phân bổ trên toàn thế giới. Nhưng ít nhất là dịch bệnh cũng đã được kiểm soát.
Dẫu vậy, việc phục hồi hay không cũng phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh. Mảng hóa chất không bị ảnh hưởng quá lớn, trong khi mảng sản xuất bao bì có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tôi cho rằng đứng trước sự phát triển của kỷ nguyên thương mại điện tử, nhu cầu đóng gói sẽ tiếp tục tăng cao.
Thế còn chính biến xảy ra tại Myanmar hồi tháng 2? Có ảnh hưởng gì tới công ty?
- Công ty có một xưởng sản xuất xi măng ở Myanmar. Chúng tôi đã liên tục vướng phải những rắc rối pháp lý với đối tác địa phương từ năm ngoái. Nhà máy này hiện đã tạm dừng hoạt động. Nhưng tôi hy vọng có thể tiếp tục nối lại sản xuất trong thời gian ngắn nhất.