Trả lời phỏng vấn City Pass Guide, bà Patricia Marques, tổng giám đốc của Starbucks tại Việt Nam, nói nhiều về cuộc sống tại mảnh đất hình chữ S cũng như việc mở các thị trường mới và thế mạnh của cà phê Việt.
Người phụ nữ này cho biết, trước khi bắt đầu, Maxims Group tại Hong Kong và Ma Cao đã có giấy phép cho Starbucks tại Việt Nam.
"Chúng tôi cảm thấy thị trường đã sẵn sàng. Trong hầu hết các quốc gia mà chúng tôi đã mở chi nhánh, Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, là bước tiếp theo hợp lý", Marques nói.
Patricia Marques, CEO của Starbucks tại Việt Nam cho biết, xây dựng một thương hiệu lớn luôn phải đối mặt với những trở ngại. |
Theo bà, xây dựng một thương hiệu lớn luôn phải đối mặt với những trở ngại tại mọi quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Starbucks có những khó khăn riêng, và điều này tạo ra những trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, thiết lập cơ sở kinh doanh tại một nền văn hóa cà phê sẵn có như Việt Nam tương đối dễ dàng.
"Tại các quốc gia châu Á khác, bạn phải thay đổi thói quen của những người uống trà. Tuy nhiên tại đây, bạn chỉ là một người chơi khác tham gia vào sân chơi", bà chia sẻ.
Nhiều người lầm tưởng "nàng tiên cá" không bán cà phê phong cách Việt. Tuy nhiên trên thực tế, Starbucks có 2 đồ uống trên menu, Asian Dolce Latte và Dolce Misto, được lấy cảm hứng từcà phê sữa đá và theo công thức của Starbucks.
"Thích nghi hoàn toàn với khẩu vị người Việt sẽ làm mất đi bản sắc của chúng tôi", người đại diện cho Starbucks tại Việt Nam nhấn mạnh. Bà cho hay, khách hàng của Starbucks đến từ khắp nơi trên thế giới. Và khi họ đến Việt Nam, họ vẫn muốn nếm hương vị đặc trưng riêng của hãng.
Nhưng khách hàng chủ yếu của hãng cà phê thương hiệu Mỹ tại mảnh đất hình chữ S vẫn là người Việt. Chỉ 5% là người nước ngoài.
"Về đồ uống lạnh, Green Tea Frappuccino đứng đầu danh sách. Những người không quen uống cà phê đặc biệt thích sản phẩm này. Về đồ nóng, chắc chắn là Latte", người phụ nữ này chia sẻ.
Ngoài ra, xu hướng giữa miền Bắc và miền Nam của Việt Nam cũng có phần khác biệt. Tại miền Bắc, sản phẩm tiêu thụ tùy theo thời tiết, do khí hậu tại đây có 4 mùa khác biệt. Trong khi ở miền Nam, cụ thể là TP HCM, không có mùa đông, vì vậy đa số cà phê không đá và cà phê phin đều do khách nước ngoài gọi.
"Tôi tin rằng chúng tôi là một nhà cải cách. Con đường phát triển của Starbucks rất rõ ràng, và đã có 4 hoặc 5 của hàng tại TP HCM, được quản lý bởi những cựu barista người Việt", Tổng giám đốc Starbucks tại Việt Nam nói.
Ngoài ra, bà cho hay, các cửa hàng của "nàng tiên cá" đều được xây dựng dựa trên "nguyên liệu" địa phương, với các đối tác xây dựng địa phương và các nghệ sĩ địa phương.
Giải thích về cơ chế hoạt động, Marques cho biết, Starbucks có công ty thu mua nguyên liệu từ các nguồn trên thế giới, gồm Việt Nam. Kể từ khi hoạt động trên mảnh đất hình chữ S, công ty này đã lắng nghe và chú ý đến cà phê Arabica của Việt Nam.
"Việt Nam đang nắm cơ hội vàng về cà phê, đặc biệt từ khi trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Nếu làm việc với những nông dân, chúng tôi có thể đẩy mạnh sự phát triển của cà phê Arabica vì tiềm năng đang rất lớn", bà nói.
Theo người phụ nữ này, Đà Lạt là nơi trồng cà phê Arabica tốt nhất ở Việt Nam, bởi đây là một mảnh đất xinh đẹp và có những điều kiện phù hợp để cho ra những sản phẩm xuất sắc.
Trước khi đầu quân về Starbucks, Patricia Marques (người Peru, sinh sống và làm việc tại Mỹ) từng đảm nhận vai trò quản lý chiến lược kinh doanh cho các tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới như Saks Fifth Avenue, Panera Bread.
Bà đã đến Việt Nam cách đây 5 năm. Chỉ 3 ngày ở trên mảnh đất này, bà đã muốn gắn bó. Dù từng sống tại nhiều quốc gia và dễ thích ứng với các nền văn hóa, khi đến Việt Nam, giao thông, sự náo nhiệt và những yếu tố đằng sau khiến bà cảm thấy như đang ở nhà. Cách đây 3 năm, bà vào làm tại Starbucks.
Chia sẻ về duyên tình với cà phê, Marques cho hay: "Cách đây 11 năm, tôi bắt đầu làm công việc của một thợ pha chế cà phê ở thành phố San Mateo, bang California, Mỹ. Khi đó, Starbucks mới chỉ có 400 cửa hàng trên toàn thế giới".
Bà có thói quen dùng mỗi ngày một tách cà phê pha phin, và khó chịu nhất về vấn đề giờ giấc tại Việt Nam.