Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO sàn tiền số qua đời, 190 triệu USD bốc hơi?

Cái chết của vị CEO này có lẽ đã không gây tranh cãi đến thế, nếu như ông không nắm giữ chìa khóa tới sàn tiền mã hóa trị giá 190 triệu USD.

Khi một vị CEO của ngân hàng qua đời, tài sản ngân hàng vẫn ở đó. Nhưng khi một vị CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa qua đời, mọi việc khác hẳn.

Vào ngày 31/1, vợ của CEO sàn giao dịch QuadrigaCX, ông Gerald Cotten thông báo ông vừa qua đời ở Ấn Độ khi đang làm từ thiện. Theo bà Jennifer Robertson thì ông qua đời từ tháng 12. Khi qua đời, ông là người duy nhất giữ mật khẩu quản lý sàn giao dịch, với giá trị cả tiền mã hóa và tiền mặt khoảng 190 triệu USD.

Bà Robertson cho rằng chồng của bà là người duy nhất giữ trách nhiệm quản lý quỹ và lượng tiền mã hóa của sàn giao dịch QuadrigaCX. Bà không hề có chi tiết giao dịch của QuadrigaCX, cũng không biết mật khẩu hay chìa khóa khôi phục chiếc laptop được mã hóa của ông Cotten. Trên website của mình, QuadrigaCX cho biết họ đã tìm kiếm chìa khóa mã hóa nhiều tuần nhưng chưa tìm ra.

ceo san giao dich tien ma hoa tron no 190 trieu USD anh 1
QuadrigaCX là một sàn giao dịch tiền mã hóa có trụ sở tại Canada. Ảnh: Getty.

Ngay sau khi thông báo về cái chết của ông Cotten, QuadrigaCX đã nộp đơn xin phá sản lên Tòa án tỉnh Nova Scotia, Canada.

Tuy nhiên chuyện chưa dừng ở đó. Nhiều người có liên quan cho rằng Cotten đã giả chết để trốn nợ. Trên Reddit và Twitter, nhiều người dùng cho rằng bản chứng tử của ông Cotten tại Ấn Độ có dấu hiệu giả mạo. Có người còn cho rằng giấy chứng tử ở Ấn Độ không đáng tin bởi có thể mua được.

ceo san giao dich tien ma hoa tron no 190 trieu USD anh 2
Thông báo trên trang web của QuadrigaCX về việc nộp đơn xin phá sản.

Vụ việc này khiến cho nhiều khách hàng của QuadrigaCX rất giận dữ bởi tiền của họ vẫn đang nằm trong sàn giao dịch.

Ông Jesse Powell, CEO của sàn giao dịch KrakenFX cho rằng cái chết của ông Cotten “kì quái và rất khó tin”.

Sắp tới, chiếc laptop của ông Cotten sẽ được chuyển tới luật sư bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng của QuadrigaCX. Đến nay, người ta vẫn chưa thể biết được chiếc laptop này có chìa khóa mã hóa sàn giao dịch hay không.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao sàn giao dịch này không hề phương thức sao lưu nào. Dù thế nào thì thời điểm này, người thiệt hại nhất vẫn là những khách hàng của QuadrigaCX.

Câu chuyện này lại một lần nữa cho thấy sự bấp bênh của những sàn giao dịch tiền mã hóa. Bên cạnh nguy cơ bị tấn công như Mt. Gox, một sự cố với người đứng đầu sàn giao dịch như QuadrigaCX cũng có thể khiến người dùng thiệt hại rất nhiều.



Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm