CEO quỹ đầu tư ngoại lạc quan về TTCK Việt Nam
Trải qua một năm mà theo ông Dominic Scriven, TGĐ Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital miêu tả là một năm tồi tệ, chứng khoán Việt Nam vẫn đang lên.
>> Sự kỳ quặc của chứng khoán Việt Nam
>> Nhà đầu tư bỏ vàng theo chứng khoán?
Trong quý đầu năm 2012, TTCK Việt Nam là một trong ba thị trường hoạt động tốt nhất thế giới, nhiều hoạt động với khối lượng giao dịch tăng gấp 3-4 lần. Trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bày tỏ mối quan tâm lớn.
Templeton Frontier Markets Fund đã tăng phân bổ đầu tư vào Việt Nam lên 8,4%, đưa Việt Nam thành thị trường được đầu tư lớn thứ 5 của Quỹ này. Nhiều nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi khác cũng đang suy tính tới việc tăng đầu tư vào Việt Nam.
"Ngày càng có thêm nhiều người muốn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi ngày càng phải họp ở nước ngoài nhiều hơn", Kevin Snowball, CEO PXP Vietnam Asset Management, Công ty Quản lý quỹ hoạt động lâu đời thứ hai tại thị trường Việt Nam với một quỹ đầu tư vào Việt Nam dạng quỹ đóng được niêm yết trên sàn Chứng khoán London cho biết.
Điều gì đã thay đổi ở Việt Nam?
Sau 5 năm lăn lộn tại thị trường chứng khoán Việt Nam và sau những gì mà Scriven miêu tả là "nỗi đau rất thật trong nền kinh tế", với đỉnh điểm là việc Tập đoàn Vinashin vỡ nợ hồi năm 2010, thì việc nền kinh tế Việt Nam hoạt động tốt như năm nay có thể coi như là sự phục hồi tự nhiên.
Dominic Scriven, TGĐ Dragon Capital |
"Đã có vài biến chuyển trong năm ngoái vẫn còn tiếp diễn sang năm nay. Quan trọng nhất là thay đổi trong chính sách tiền tệ", Johan Kruimer, Giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.HCM nhận định.
Thống đốc NHNN mới nhậm chức năm ngoái đã nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Trước đây, tăng trưởng tín dụng thường ở mức 28-29%/năm, năm ngoái đã hạ còn 12%. Cùng thời gian đó, lạm phát giảm 14% và kỳ vọng sẽ còn giảm mạnh trong năm nay.
"Như một hệ quả, lần đầu tiên trong nhiều năm, tiền tệ đã ổn định", Kruimer nói thêm. "Lần phá giá cuối cùng của VNĐ là vào tháng 2/2011".
Thực tế, theo ông Snowball, VNĐ là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực châu Á suốt năm 2011. Tại một quốc gia mà mọi người "giữ nhiều vàng vật chất hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới" vì họ không tin tưởng vào đồng tiền nước mình, đây là một đột phá đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đầu tư vào Việt Nam từ trước khi thị trường chứng khoán VN ra đời, là đồng sáng lập, TGĐ Quỹ đầu tư Dragon Capital vào năm 1994, ông Scriven cho biết, "Chúng tôi đã kiếm được tiền từ VNĐ trong năm nay, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, đây quả là một bất ngờ dễ chịu". Và những thay đổi về chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong công cuộc cải cách rộng hơn, trong đó bao gồm việc hợp nhất trong lĩnh vực ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước - khu vực vốn chiếm 60% GDP Việt Nam.
Cuối cùng, cải cách sẽ dẫn đến cổ phần hóa. Chính phủ đã công bố sẽ cổ phần hóa Vietnam Airlines và đề ra kế hoạch cổ phần hóa trong tương lai. Những cải cách này dường như đang đi đúng hướng - mặc dù chính phủ đã rất khó để cân bằng giữa kiềm chế và tăng trưởng. Việc cắt giảm lãi suất 100 điểm gần đây thể hiện mối quan tâm về tăng trưởng.
"Chính phủ cần phải đứng đằng sau các chương trình kinh tế, và có bằng chứng rõ ràng cho thấy chính phủ rất quyết tâm trong thực hiện", ông Scriven chia sẻ
Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố tích cực như tính cạnh tranh trong buôn bán trao đổi các loại hàng hóa mềm như gạo, cao su, hạt tiêu; dân số trẻ, đông, được đào tạo tốt; quá trình công nghiệp hóa diễn ra tích cực (ví dụ rõ ràng nhất cho việc này là hãng Intel đặt nhà máy lớn nhất của mình tại Việt Nam).
"Các yếu tố này báo hiệu một năm tương đối tốt đẹp", Scriven nhận xét. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài cũng trông chờ chính phủ sẽ có thêm nhiều hành động để giải quyết núi vấn đề còn hiện diện.
Giới đầu tư lạc quan về TTCK Việt Nam trong năm 2012. |
Rất nhiều thứ mà Snowball miêu tả như "dòng tiền lười" từ các tổ chức nước ngoài đã đầu tư vào hai quỹ tín thác (ETF) Việt Nam. Nhưng những quỹ này có xu hướng phóng đại các tác động của thị trường. Chỉ số FTSE Vietnam Index của DB X-trackers FTSE Vietnam Index ETF giảm xuống còn 52% trong năm ngoái trong khi chỉ số VN-Index (bao gồm những công ty mà người nước ngoài không thể đầu tư) chỉ sụt 30%. Chỉ số FTSE của những công ty mà các Quỹ tín thác không thể tham gia đầu tư do hạn chế sở hữu của NĐT nước ngoài đứng ở mức 49%.
Vì thế, Vinamilk - công ty mà theo ông Snowball nhận định là công ty tốt nhất Việt Nam - không nằm trong danh mục đầu tư của FTSE Vietnam Index ETF. Tuy nhiên, trong danh mục đầu tư của PXP Vietnam Fund (thành lập năm 2003) có cổ phiếu Vinamilk.
Việc hạn chế sở hữu của NĐT nước ngoài cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trực tiếp mới tham gia vào thị trường. Các vấn đề khác, ông Snowball nhận định "nhìn chung vẫn kinh khủng" và thực tế là rõ ràng NĐT nước ngoài không thể mua quá 100.000 USD giá trị cổ phiếu của một công ty trong một ngày.
Trong khi đó, những nhà đầu tư trong nước mà theo Kruimer "90% là con bạc thuần túy", thì rất khó có thể bình ổn thị trường trước những biến động quá mạnh.
Ngoài những cải cách khác, các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí để được giới thiệu trong năm nay. Các nhà đầu tư quan tâm có thể e dè trước những vấp váp quá khứ, nhưng như ông Kruimer cho rằng, "Điểm tham gia thị trường tốt nhất đối với loại thị trường cực kỳ ổn định kiểu này là khi bạn phải tự ép mình mạnh mẽ trong cảm xúc để ra quyết định đầu tư."
"Nếu Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối khiêm tốn trong vòng 3-5 năm tới, sẽ có một sự hồi phục mạnh mẽ trong giá trị cổ phiếu," ông Kruimer khẳng định. "Nhưng hẳn sẽ mất một thời gian dài để cổ phiếu có thể quay lại giá trị như năm 2007. Cá nhân tôi nghĩ không bao giờ đạt được điều này bởi nó là hoàn toàn vô lý."
Theo VEF