Ông Phùng Tuấn Đức, tân CEO của Gojek Việt Nam, cho biết với sự hỗ trợ nền tảng công nghệ đến từ tập đoàn, Gojek Việt Nam có thể hiện thực hóa tham vọng trở thành “siêu ứng dụng”, mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng.
- Ông nhận được phản ứng ra sao từ người dùng và các đối tác của GoViet trước thông tin hãng chuyển đổi thương hiệu thành Gojek?
- Dù ứng dụng Gojek chưa chính thức ra mắt tại Việt Nam, chỉ khoảng một tuần từ khi chúng tôi công bố kế hoạch hợp nhất ứng dụng và thương hiệu, hàng trăm nghìn người dùng trên ứng dụng của GoViet đăng ký bảo lưu thông tin để chuyển toàn bộ lịch sử giao dịch cũng như đăng nhập sang ứng dụng mới. Các đối tác tài xế cũng đồng ý chuyển thông tin sang ứng dụng mới.
Ông Phùng Tuấn Đức - tân CEO của Gojek Việt Nam. |
Tuần trước, GoViet cũng đến tận nhà một số tài xế gắn bó từ những ngày đầu và có thành tích nổi bật để tặng đồng phục và phụ kiện mới. Đồng phục của những tài xế này có thêu tên trên ngực áo và họ tự hào về điều đó.
Tôi nghĩ sự đồng thuận nói trên là do mọi người đều mong đợi ứng dụng Gojek mới sẽ mang lại những trải nghiệm mới, tốt hơn cho họ. Sự thay đổi lần này thể hiện cam kết của Gojek trong việc phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Bắt tay với Gojek cũng là cơ hội để GoViet tận dụng lợi thế thương hiệu, tiếp cận nhiều đối tác lớn hơn mang quy mô toàn cầu. Gojek là tên tuổi lớn trong khu vực và thế giới, 2 lần được tạp chí Fortune bình chọn trong danh sách 50 công ty thay đổi thế giới, nhận được sự tin tưởng đầu tư của các tập đoàn công nghệ và tài chính lớn. Với nền tảng công nghệ có sẵn của Gojek, việc triển khai các dịch vụ mới sẽ nhanh hơn.
Đây là quá trình được chuẩn bị từ lâu, quyết định này cũng không liên quan đến bất kỳ sức ép nào về kinh tế hay áp lực chỉ tiêu kinh doanh, mà chỉ nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng Việt. Chúng tôi hiểu rằng, để đi được xa hơn, trở thành siêu ứng dụng thì chuyển đổi thương hiệu là điều cần thiết.
- Trong tương lai, Gojek Việt Nam mang đến điều gì mới mẻ cho người dùng?
- Nền tảng công nghệ của tập đoàn Gojek hiện cung cấp hơn 20 sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Trong đó, 3 mảng chính được tập trung và tạo ra hệ sinh thái sống động nhất là di chuyển, giao vận và thanh toán. Đây là những mảng cốt lõi trong chiến lược phát triển của Gojek, hướng đi của Gojek tại Việt Nam cũng dựa trên 3 mảng dịch vụ này.
Vì vậy trong thời gian sắp tới, những điều mới mẻ sẽ xoay quanh sự bổ sung và hoàn thiện các mảng dịch vụ nêu trên. Sẽ có những thay đổi lớn về tính năng và sản phẩm dự kiến tung ra vào cuối năm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, tôi chưa thể chia sẻ cụ thể về các kế hoạch liên quan.
Bên cạnh đó, Gojek Việt Nam cũng tập trung thay đổi những điều nhỏ nhưng quan trọng để mang đến trải nghiệm hoàn hảo cho người dùng.
Việc GoViet chuẩn bị thay đổi thương hiệu thành Gojek là cơ hội tiếp cận nhiều đối tác lớn trên toàn cầu. |
- Bước lên vị trí CEO ngay thời điểm cuộc chuyển đổi lớn đang diễn ra, ông có cảm thấy áp lực?
- Được đồng hành từ GoViet từ những ngày đầu với tư cách là người đồng sáng lập công ty, tôi thực sự vui mừng với quyết định chiến lược tiếp theo của GoViet. Hướng đi mới sẽ đưa chúng tôi gần hơn tới mục tiêu trở thành siêu ứng dụng, mang lại nhiều tác động xã hội hơn cho các đối tác.
Khi đảm đương vị trí mới, tôi không tránh khỏi cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, tôi cũng có những lợi thế nhất định giúp bản thân tự tin hơn khi đương đầu với các thách thức trong thời gian tới.
Thứ nhất, nền tảng công nghệ của chúng tôi được thừa hưởng từ Gojek, nhờ đó những dịch vụ mới được triển khai nhanh hơn. Thứ hai, tôi có sự đồng hành của đội ngũ lãnh đạo có tính chiến đấu cao, những người am hiểu thị trường Việt Nam cũng như kiên cường cùng tôi chèo lái công ty trong thời gian qua.
- Từng là du học sinh tốt nghiệp Đại học Wesleyan, vì sao ông không chọn ở lại Mỹ mà về Việt Nam dấn thân vào con đường startup vốn nhiều rủi ro và thách thức?
Tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam là điều khiến CEO Phùng Tuấn Đức trở về sau khi tốt nghiệp Đại học Wesleyan. |
- Thời gian đó, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển bùng nổ, thương mại điện tử mới ở giai đoạn cơ bản. Ở môi trường như vậy, tiềm năng phát triển những mô hình mới rất lớn. Khởi nghiệp ở những quốc gia phát triển đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều đối thủ “sừng sỏ” xung quanh, có ít cơ hội để thực sự mang lại giá trị. Thị trường Việt Nam tất nhiên có rủi ro nhưng với tiềm năng lớn, tôi quyết định trở về.
- Khoảng thời gian đầu quân cho các startup mang đến cho ông những kinh nghiệm gì để có được bước tiến lớn ở GoViet?
- Làm startup, mỗi ngày đi làm là mỗi ngày đi học. Bài học lớn nhất tôi rút ra được từ khoảng thời gian đó là việc xây dựng đội ngũ. Thứ hai là sự nhanh nhạy, luôn nhìn vào các mảng dịch vụ có thể triển khai, mang lại giá trị cho khách hàng và tạo ra sự khác biệt. Thị trường có nhu cầu nào thì ta nghĩ cách để tạo ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó.
- Ngoại hình và câu chuyện của tân CEO Phạm Tuấn Đức gần đây được cộng đồng mạng quan tâm. Ông có muốn tận dụng lợi thế hình ảnh bản thân để quảng bá cho Gojek Việt Nam?
- Điều quan trọng nhất để khách hàng lựa chọn Gojek phải là trải nghiệm của họ. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các công ty không thể cứ “đốt tiền” quảng bá mãi được, chiến lược đó không lâu dài. Để có được sự trung thành của khách hàng, doanh nghiệp phải tạo ra được giá trị. Màu áo, logo hay người đại diện là những yếu tố góp phần chứ không phải là điều quyết định.
Tôi thực sự cảm kích trước sự quan tâm của mọi người. Việc bản thân người đứng đầu Gojek Việt Nam nhận được sự quan tâm của mọi người, từ đó tin tưởng sử dụng dịch vụ cũng là điều đáng mừng. Tôi cũng mong được như thế.
Bình luận