Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO PayME: 'Chúng tôi không vội dù tham gia đường đua fintech muộn'

Ông Lê Hoàng Gia - CEO PayME - chia sẻ góc nhìn về giải pháp thanh toán và tài chính trong bối cảnh thị trường sẵn sàng chờ đón cơ hội mới từ 2021.

Người đứng đầu đơn vị startup trong lĩnh vực fintech cho rằng thị trường không ảm đạm như mọi người vẫn nghĩ, dù phải trải qua một năm nhiều biến động kinh tế bởi Covid-19.

- Thế giới cũng như Việt Nam vẫn trong bối cảnh đối phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế. Người dân có xu hướng tiết kiệm hơn. Liệu đây có phải thời điểm thích hợp để dấn thân vào lĩnh vực thanh toán?

- Thị trường thực tế không ảm đạm như mọi người nghĩ. Năm 2020, dưới sự ảnh hưởng của đại dịch, chi tiêu online tại các nước trong khu vực và Việt Nam tăng nhanh chóng.

Việt Nam là một trong những quốc gia thương mại mạng xã hội (social commerce) phát triển nhất trên thế giới, trong đó, mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện tử và đồ ăn được mua online rất nhiều.

Đây là cơ hội cho các startup lĩnh vực thanh toán như PayME. Năm 2018, giá trị thị trường social commerce ước tính 5,9 tỷ USD. Năm 2020 chắc chắn hấp dẫn hơn nhiều.

- Ông có tự tin PayME là sản phẩm dành cho xu thế này?

- Tôi chưa khẳng định, nhưng từ doanh nghiệp của mình, tôi tin PayME là công cụ thanh toán phù hợp nhu cầu thị trường hiện nay, xuyên suốt và tự động giữa các nền tảng. Về chiến lược lâu dài, chúng tôi là công ty làm dịch vụ tài chính chứ không chỉ thanh toán.

Kể từ khi ra mắt cuối tháng 11/2020, chúng tôi tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là thanh toán mạng xã hội (social payment) và ví điện tử mở (open e-wallet). Mô hình hoạt động của chúng tôi là B2B2C: Cung cấp dịch vụ/giải pháp/sản phẩm cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phục vụ hệ sinh thái của họ.

payme anh 1

Người tiêu dùng trải nghiệm PayME app.

- Vì sao ông đặt niềm tin vào công nghệ Open e-Wallet vốn còn xa lạ ở Việt Nam?

- Lấy ví dụ về open banking (ngân hàng mở). Khi nói về mô hình này, nhiều người cho rằng khách hàng của mình sẽ đi qua ngân hàng khác, nhưng thực tế cho thấy khách hàng vẫn ở lại nếu dịch vụ cốt lõi phù hợp nhu cầu của họ.

Trước đây, khách hàng chỉ dùng dịch vụ nội tại của ngân hàng. Nhưng thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng đã mở ra các API để doanh nghiệp, đơn vị thanh toán có thể tích hợp. Tôi dự đoán open e-wallet (ví điện tử mở) cũng sẽ như thế.

- Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp và hướng phát triển của ví mở PayME Open e-Wallet?

- Từ giải pháp Open e-Wallet, PayME kết nối các nhà cung cấp dịch vụ tài chính với doanh nghiệp, từ đó có giải pháp toàn diện chăm sóc khách hàng của họ.

Người tiêu dùng của doanh nghiệp sử dụng ví mở sẽ có nhiều tiện ích hơn. Cụ thể, một ứng dụng của chuỗi cà phê thường ngày dùng để tích điểm, bây giờ có thể nạp tiền vào để thanh toán chi phí điện, nước, thậm chí mua bảo hiểm, vé máy bay...

Mô hình kinh doanh ví mở không tập trung vào thu phí giao dịch như phương thức thanh toán. Khi khách hàng của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tiện ích từ ví mở, PayME và nhà cung cấp dịch vụ sẽ chia sẻ doanh thu này.

Chúng tôi đang tìm và hướng đến doanh nghiệp có app sẵn, tệp khách hàng lớn. Càng nhiều tiện ích hàng ngày, khách hàng càng mở nhiều ứng dụng của doanh nghiệp, tương tác và quen thuộc với thương hiệu, mức độ hài lòng, trung thành từ đó cũng tăng lên.

- Theo ông, doanh nghiệp startup fintech tại Việt Nam nói chung có thể gặp những vấn đề gì trong việc phát triển?

- Trước mắt, tôi nghĩ nhiều startup bị ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư do ảnh hưởng của Covid-19. Ngược lại, đối với một số doanh nghiệp, đây là thời điểm vàng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, mức độ đón nhận sản phẩm số cao hơn.

Về dài hạn, thị trường fintech tại Việt Nam sẽ thêm phần sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh thú vị.

payme anh 2

Ông Lê Hoàng Gia - CEO củaPayME.

- Từ 44 doanh nghiệp startup năm 2017, đến hết năm 2020, con số này đã tăng gấp 3, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thanh toán. Đây có phải sự cạnh tranh mà ông đang nói đến?

- Không chỉ startup, ngân hàng cũng ngày càng chủ động và tích cực số hoá sản phẩm tài chính. Vì vậy, tạo được dấu ấn trên thị trường là một thách thức không nhỏ với doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, hành vi khách hàng đã thay đổi, tiêu chuẩn cao và ít trung thành với thương hiệu. Thời điểm này, giữ chân người dùng là câu hỏi lớn hơn so với việc thu hút họ.

- Ông nói tiêu chuẩn của người dùng đã cao hơn, nhưng PayME lại gia nhập cuộc đua này sau nhiều tên tuổi khác, đây có phải một bất lợi?

-Trước đây, mọi người thường quan niệm ai đi trước sẽ giành thị trường, càng lúc càng mạnh và rất ít chỗ cho những người đến sau. Câu chuyện hôm nay đã khác. Người dùng tinh tường hơn vì có sẵn rất nhiều lựa chọn, thông tin lại minh bạch, nhanh chóng.

Nếu trước đây, người dùng chọn sản phẩm vì khuyến mại mà không quan tâm đến trải nghiệm, thì bây giờ họ dễ dàng rời đi khi bên khác có cả hai. Điều đó vừa là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội cho doanh nghiệp và giải pháp tạo được dấu ấn riêng, hoặc biết cách cộng sinh trong hệ sinh thái làm nên giá trị thực cho người dùng. Chúng tôi không vội lôi kéo người dùng, mà tập trung phát triển sản phẩm.

Giang Quốc Hoàng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm