Theo Financial Times, trong thời gian qua Huawei đã phát triển chip và phần mềm để các công ty kết nối nhà máy sản xuất với Internet, sử dụng cảm biến để tự động hóa và giám sát dây chuyền sản xuất.
Năng lực sản xuất của Trung Quốc đem lại cho Huawei lợi thế thị trường lớn trong lĩnh vực công nghệ mới mẻ này và khả năng thiết lập tiêu chuẩn IoT toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc ước ngành công nghiệp IoT trị giá 44 tỷ USD vào năm ngoái và tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm.
"Mỹ sẽ tuyên chiến trong lĩnh vực IoT", Financial Times dẫn lời CEO Huawei Nhậm Chính Phi nhận định. Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa IoT vào tầm ngắm khi Huawei chiếm lĩnh thị trường này.
Ông Nhậm Chính Phi dự đoán về diễn biến chiến tranh thương mại với Mỹ. Ảnh: Huawei. |
"Hãy cứ để họ tuyên chiến", ông Nhậm thách thức.
Huawei không hề giấu mục tiêu chiếm lĩnh thị trường IoT toàn cầu và đặt ra các tiêu chuẩn cho thị trường này. "Qualcomm chưa làm gì đáng kể với IoT, trong khi chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu", ông Nhậm nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường IoT còn rất rộng mở, chưa có một công ty nào chiếm ưu thế tuyệt đối. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng Huawei đã có một số lợi thế nhất định khi có hệ thống sản phẩm đa dạng nhất.
"Từ chip đầu cuối cho đến hệ điều hành, hệ thống mạng, nền tảng, bảo mật, phân tích dữ liệu, Huawei có khả năng toàn diện", Milly Xiang, chuyên gia phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường Gartner, nhận định.
Huawei cũng kỳ vọng lợi thế trong lĩnh vực 5G sẽ giúp hãng này chiếm ưu thế trên thị trường IoT. Tập đoàn Trung Quốc hiện là hãng sở hữu số bản quyền sáng chế 5G nhiều nhất thế giới.
Hồi tháng 5, chính phủ Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" vì quan ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên tuần trước Tổng thống Trump thông báo các công ty Mỹ sẽ được bán thiết bị trở lại cho Huawei.