CEO Guốc Việt muốn trở thành Oprah Winfrey Việt Nam
Với doanh thu hơn một tỷ đồng từ kinh doanh vật liệu xây dựng, tham vọng trở thành nữ diễn giả hàng đầu Việt Nam, song nghiệp guốc mới là 'duyên trời định', thứ ngấm vào máu của CEO Guốc Việt.
"Người ta biết đến tôi và cho rằng tôi can đảm. Can đảm ở chỗ tôi dám theo đuổi một thứ mang tính di sản đã bị mai một", chị Phạm Như Hoa, CEO công ty Hoa Anh Đạt với thương hiệu Guốc Việt tâm sự. Nghĩ vậy, người phụ nữ bền bỉ này tiếp tục sống đời với guốc, vực dậy guốc và tới đây làm cho guốc bùng nổ.
- Chị đã từng làm gốm, làm sơn mài và nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác, vì sao guốc lôi cuốn chị?
- Một lý do duy nhất: nếu tôi làm guốc, tất cả những thứ kia vẫn nằm trên guốc của tôi. Nếu làm guốc, tôi vẫn giữ được tình yêu sơn mài trên guốc; vẫn thể hiện được tình yêu gốm trên guốc, bởi những mặt dây đeo cổ, lắc tay vẫn nằm trên quai guốc của tôi. Thậm chí, sản phẩm trang sức của những làng nghề kim hoàn vẫn được thể hiện trên đôi guốc. Tôi từng thiết kế những đôi guốc, gót quấn xung quanh bằng lá ngọc cành vàng, đá ruby để tặng những người bạn. Cho nên nói làm guốc, tôi sống được mọi nghề trên guốc là vậy.
Nhớ có lần, tôi lọ mọ lên rừng tìm những tay sặt bé xíu để về làm đồ trang trí cho guốc. Tay sặt chỉ nhỏ như hạt ké có lỗ xuyên chỉ qua được mang về tẩm sấy, nhuộm, cắt khúc thành những hạt trang trí mà không cần gia công. Không giống như pha lê, những hạt từ gỗ cây tô điểm cho chiếc guốc vẻ cổ điển, xù xì, “tây tây”, trở về với thiên nhiên rất hay. Giá trị của guốc nằm ở đó chứ không phải vì những thứ kia khó quá tôi chạy sang guốc.
- Những đôi guốc như vậy có giá bao nhiêu?
- Để có được đôi guốc đó, bạn phải trả tôi tiền triệu. Nếu tôi đã làm, mỗi đôi guốc phải lên hàng tác phẩm. Tất nhiên tôi vẫn làm những đôi guốc bình dân bán ra thị trường. Nhưng những đôi guốc để tôi tự hào với thế giới Hoa Guốc làm ra nó phải là như vậy.
- Chị đánh giá sao về tình hình kinh doanh guốc hiện nay ở Việt Nam?
- Nhiều làng guốc bị mai một hết. Cho nên, để duy trì được thợ, tôi vẫn phải làm hàng gia công (hàng chợ). Lúc ít khách hàng, tôi vẫn cho thiết kế mẫu, mang đi chào hàng. Nói chung công việc khá vất vả để giữ chân thợ. Tôi có ông bác đã bỏ guốc đi đóng bàn thờ vì bàn thờ bán chạy hơn guốc.
Trong gần 2 năm vừa rồi, gần như hoạt động kinh doanh guốc của tôi bị tê liệt. Tôi không làm guốc nữa do kinh tế đuối. Kinh tế đuối mà chờ thiên hạ đặt guốc của mình thì hơi khó vì đâu có ai thích guốc, yêu guốc như mình suốt ngày nghĩ ra guốc mà làm? Nếu cứ làm theo guốc hàng chợ, thị trường miền Bắc sẽ không lại được với miền Nam về quy mô và độ nhanh nhạy.
Với tham vọng làm quy mô như miền Nam, thậm chí hơn thế, tôi từng mở siêu thị guốc lớn nhất Việt Nam trên diện tích rộng 450 m2 tại Trung tâm Thương mại VKO, Giảng Võ, Hà Nội. Tôi cũng sản xuất hàng loạt và trữ hàng nghìn, hàng vạn đôi trong kho để bán buôn bán lẻ. Thế nhưng, do một tính toán sai dẫn đến bị thua lỗ, đổ bể. Nhưng khi nhiều người chạy đua theo guốc của mình, đua không được thì mới có đất để tôi quay lại và vẫn giữ vị trí số một.
Khi những thông tin về guốc được đăng tải sau sự kiện đôi guốc kỷ lục, tôi dám nói khá nhiều người chạy theo. Nhưng những mẫu thiết kế của họ chưa thể phong phú như công ty tôi. Họ chỉ ra mắt vài mẫu thiết kế, trong khi mỗi năm tôi ra 200 mẫu guốc.
Gần đây, một số bài báo nói guốc không sống được là sai. Bởi nhiều người lao vào hàng bình dân. Guốc chợ được bán ra với giá vài chục nghìn, trong khi chi phí thuê nhà trên phố cổ lên đến 10-20 triệu trên mấy m2, không trụ được là phải. Tôi có tất cả, từ mặt bằng đến sự sáng tạo vô bờ, nhưng đến thời điểm guốc bắt đầu được truyền thông, thị trường nước ngoài biết đến là lúc tôi đổ bể. Song bằng tư duy, vốn hiểu biết, mối quan hệ đặc biệt là tình yêu với guốc, tôi khẳng định mình sẽ thành công.
Thời gian trước tôi buộc phải làm những công việc khác để ổn định cuộc sống, trả nợ để tiếp tục sự nghiệp. Song tiếp tục không có nghĩa là âm ỉ mà trên cơ sở những cái mình đạt được để thừa thắng xông lên.
- Cơ sở nào khiến chị tin tưởng guốc sống được?
- Guốc mộc có đặc tính ưu việt mà ai cũng có thể nhận ra, đó là bền, sạch, mát, giá cả vừa phải. Guốc có thể được bán ở trung tâm chăm sóc sắc đẹp để đi trong nhà. Cùng với sự phát triển của xã hội, đôi guốc có thể kết hợp với trang phục hiện đại.
Guốc là nguyên liệu thiên nhiên, phù hợp với xu hướng tương lai không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong phong thủy, đôi guốc mộc được tin tạo ra vượng khí,…giúp con người hài hòa. Tất cả những điều đó khiến tôi có niềm tin mãnh liệt vào guốc.
- Trong nghiệp làm guốc, kỉ niệm nào để lại cho chị ấn tượng sâu đậm nhất?
- Điều làm tôi thích thú nhất là sự kiện ra mắt đôi guốc kỷ lục tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ - Hà Nội vào năm 2006, trong khuôn khổ "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam", chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Khi ra mắt, đôi guốc đã thức tỉnh tâm thức nhiều người. Đôi guốc kỷ lục có độ dài 2,3m, cao 1,1m được đầu tư khá tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng cuối cùng đã được hoàn tất.
Thứ hai, trong tuần lễ di sản Việt Nam, hình ảnh về gian triển lãm Guốc Việt đến với bạn bè quốc tế, ít nhất là hơn 20 nước tham gia khối APEC. Những phu nhân nguyên thủ quốc gia, vợ thương gia lớn dự tiệc ở Gala Dinner Văn Miếu cũng như khách tham quan đều nhìn thấy hình ảnh đôi guốc và bắt đầu có ấn tượng và khái niệm về guốc.
- Thành tựu chị gặt hái được tính đến thời điểm này là gì?
- Cho đến thời điểm này, tôi chưa hài lòng bất cứ điều gì về guốc. Người ta biết đến tôi vì sự can đảm, vì tôi dám theo đuổi một thứ mang tính di sản đã bị mai một. Hiện chỉ còn một số ít làm nghề này, các làng nghề gốc gần như “giã từ vũ khí”. Số còn lại tìm cách du nhập guốc từ Nhật, Hàn về. Nhiều đôi guốc chợ cũng lặp đi lặp lại dáng dấp của một vài năm trước, nhìn chung sự sáng tạo rất hạn chế. Có thể nói, thành công của tôi là làm cho thị trường guốc Việt Nam có sức sống hơn.
- Kinh tế khó khăn, chị có những biện pháp gì để duy trì và phát triển nghề guốc?
- Hiện tại, công ty, phòng mẫu Guốc Việt đều được đặt tại nhà. Kinh tế đang khó khăn, mình không nhất thiết phải làm hoành tráng, thuê mướn nhiều. Tất nhiên, khi có khách nước ngoài hẹn sang tham quan, tôi chọn giải pháp thuê văn phòng ảo để trưng bày và làm việc. Vì để có một văn phòng đẹp ở khu trung tâm, số tiền mình bỏ ra sẽ bị đánh vào đôi guốc.
Cũng tiết lộ thêm với bạn, ngoài guốc, tôi có làm chung công ty kinh doanh vật liệu xây dựng hoàn thiện và quảng cáo với anh trai, phụ trách toàn bộ việc bán hàng đầu ra. Mỗi tháng, công việc này cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Chính xác số tiền mặt thu về từ công nợ và bán hàng bình quân 1,4-1,6 tỷ đồng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sống với guốc, vực dậy guốc và tới đây làm cho guốc bùng nổ.
- Chị nói rằng chị cô độc trên hành trình ‘phục hưng’ guốc. Vậy chị có ý định tìm kiếm một “đại gia” giúp sức để đẩy nhanh tốc độ đưa Guốc Việt ra thế giới?
- Tôi không đủ xinh, chân không đủ dài, mắt không đủ lúng liếng để kêu gọi đại gia. Nhưng tôi vẫn có “đại gia” cho riêng mình là tất cả những ai yêu văn hóa Việt. Với guốc, tôi không bao giờ sợ thất bại. Bởi nó quá đẹp. Nếu Guốc Việt sống được, nhiều làng nghề sẽ sống theo nó. Hiệp hội làng nghề cũng không quá vất vả để đẩy thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
- Ngoài guốc, chị còn tham vọng nào khác?
- Tôi tham vọng trở thành một Oprah Winfrey, nữ hoàng truyền thông của Việt Nam. Hàng tháng, tôi vẫn tổ chức một số chương trình giao lưu, chia sẻ. Chủ đề tâm đắc nhất và sẽ làm nên tên tuổi tôi trong lĩnh vực diễn thuyết là "Để không sống trong ảo tưởng". Tôi chưa nổi trội vì thiếu một sự thành công được ghi nhận trong lĩnh vực đó. Nhưng tôi làm gì để đạt được điều đó là một câu chuyện dài.
Theo Cafef/TTVN