Phát triển chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam, CEO Dương Đỗ cho rằng để thành công, cần tập trung xây dựng giá trị cốt lõi thay vì lấy đối thủ làm trọng tâm.
Thời gian gần đây, thị trường coworking space tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động với sự gia nhập của nhiều đơn vị cung cấp mới, trong đó có cả những doanh nghiệp quốc tế lớn.
Chứng kiến những bước phát triển của thị trường coworking space Việt từ khi mới phôi thai, anh Dương Đỗ, người sáng lập Toong - chuỗi coworking space đầu tiên tại Việt Nam, chia sẻ nỗi trăn trở khi thấy nhiều doanh nghiệp trong nước nơm nớp lo sợ mỗi khi phải đối đầu với những “ông lớn” thế giới cũng như ánh mắt dè chừng từ chính người Việt.
- Anh từng nói đã lường trước việc các doanh nghiệp coworking space lớn trên thế giới sẽ sớm đổ bộ vào thị trường Việt Nam từ khi bắt đầu xây dựng địa điểm đầu tiên của Toong. Vậy anh chuẩn bị như thế nào cho điều này?
- Tôi không chuẩn bị gì cả. Tôi không xây dựng doanh nghiệp theo cách chạy theo xu hướng hay lấy đối thủ làm trọng tâm.
Khi bắt đầu thành lập Toong, mục tiêu của chúng tôi là phải dẫn dắt nhu cầu và khai phá tiềm năng to lớn của thị trường. Chúng tôi tập trung vào câu hỏi làm sao để nhiều người biết đến lợi ích mà dịch vụ không gian làm việc chung mang lại. Song song đó, chúng tôi xây dựng và giới thiệu cho nhiều người hiểu những giá trị khác biệt của Toong so với các mô hình khác.
Và việc công ty lớn thế giới mở địa điểm tại Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm của chúng tôi về tiềm năng rộng lớn của thị trường này. Tôi coi đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa thể hiện bản sắc rõ ràng hơn, chứ không phải một mối nguy hiểm khiến mình phải nhìn trước ngó sau.
- Nhưng rõ ràng dù ở lĩnh vực nào, một khi có “ông lớn” nước ngoài gia nhập thị trường thì các doanh nghiệp nội địa thường tỏ ra dè chừng, bởi “ông lớn” đó rất mạnh về tài chính.
- Đúng là nhiều doanh nghiệp nội địa đang thiếu sức đề kháng với sự cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài. Khi phải đối đầu với những “ông lớn”, họ thường tập trung vào giá, quay lại giành giật miếng bánh thị trường hiện có với các doanh nghiệp nội địa khác; hoặc nhanh chóng chào bán lại công ty cho doanh nghiệp lớn kia.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá kịch trần, thậm chí cho không dịch vụ. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp các đơn vị khác cử người trực tiếp đến Toong, giả vờ làm khách hàng và chào dịch vụ miễn phí tới các khách hàng hiện tại của chúng tôi. Cũng có lần, chúng tôi bị mạo danh để nhận tổ chức sự kiện, sau đó lại hủy để khách hàng có ấn tượng không tốt về Toong.
Nhưng sau những việc như vậy, chúng tôi vẫn thấy mình may mắn vì được chính khách hàng của Toong thông báo lại và đứng về phía mình. Tôi tin một doanh nghiệp muốn lâu bền thì trước hết phải đề cao nhân cách và các giá trị đạo đức. Chỉ như vậy, doanh nghiệp đó mới tập trung vào kiến tạo những giá trị mới.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác thì tích cực sao chép ý tưởng, mô hình kinh doanh ở nước ngoài. Tuy nhiên, một khi bạn không thực sự trăn trở, cân nhắc về các giá trị có thể tạo ra cho thị trường, mô hình kinh doanh của bạn cũng sẽ rất dễ bị sao chép chỉ bằng tiền. Và nếu một mô hình kinh doanh dễ dàng bị sao chép hoàn toàn chỉ bằng tiền thì tốt nhất là không nên thành lập.
- Nhưng việc xây dựng doanh nghiệp để bán lại cho những “ông lớn” khác cũng là một hướng đầu tư mà nhiều nhà sáng lập lựa chọn. Để dễ bán thì họ sao chép hoàn toàn mô hình kinh doanh của những công ty lớn. Như vậy có gì sai?
- Bản chất việc bán công ty cho các doanh nghiệp lớn hơn không sai. Nhưng nếu bạn đang nói đến những doanh nghiệp quốc tế hàng đầu trong một lĩnh vực đó thì cũng cần nhớ họ không thiếu tiền, có thể dễ dàng tuyển được nhân sự có kỹ năng tốt tại địa phương để triển khai mô hình dịch vụ tại Việt Nam nhanh chóng, trừ những ngành nhạy cảm, có quy định pháp lý chuyên biệt.
Vậy nếu họ có thể tự làm được việc đó nhanh chóng thì tại sao lại cần mua doanh nghiệp của bạn? Doanh nghiệp của bạn làm được gì mà những công ty lớn kia không thể tạo ra hoặc phải mất rất nhiều nguồn lực? Vì vậy, suy cho cùng, bạn vẫn phải tạo ra giá trị thực sự nếu muốn bán được doanh nghiệp của mình với giá cao.
- Vậy theo anh, nguyên nhân gì khiến doanh nghiệp Việt thường phản ứng tiêu cực trước sự đổ bộ của công ty lớn đến từ nước ngoài?
- Nó đến từ tâm lý “hớt váng” của một bộ phận doanh nhân. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là cái gốc, nhưng nhiều người xây dựng mà lại không xuất phát từ đó. Họ thiếu sự nung nấu để trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp của tôi có ý nghĩa gì cho khách hàng và xã hội?
Tinh thần kinh doanh của người Việt rất tốt, bằng chứng là hàng năm có biết bao nhiêu startup ra đời. Nhưng tinh thần kiến tạo thì còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Kiến tạo ở đây là kiến tạo giá trị thực sự. Vì phát triển không có gốc, ta rất dễ trở nên thiếu bản lĩnh.
Chưa kể thái độ của xã hội, cứ một “ông lớn” nhảy vào cạnh tranh thì kiểu gì cộng đồng cũng nhìn doanh nghiệp nội địa với con mắt thương hại: Vậy là chết rồi. Thậm chí, nhiều người chế giễu: Châu chấu mà đòi đá xe. Điều này bắt nguồn từ sự tự ti của nhiều người, luôn tự coi rằng đất nước mình nhược tiểu.
- Theo anh làm thế nào để loại bỏ tâm lý hớt váng, tự ti? Anh nói giá trị là cái gốc của doanh nghiệp thì đâu là rễ?
- Nếu coi doanh nghiệp là một cái cây, tôi cho rằng sự tự hào về nguồn cội, biết yêu thương người khác và tài thao lược là ba cọc rễ giúp mỗi doanh nghiệp bám sâu vào thị trường. Từ đó, rễ sẽ chắt lọc dưỡng chất, nuôi dưỡng gốc giá trị của cây doanh nghiệp.
Dù sinh ra và lớn lên ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, tôi không thấy có lý do gì chúng ta hổ thẹn về nguồn gốc của mình. Hoàn cảnh nào cũng có những cơ hội và giá trị riêng.
- Điều đó có phải là lý do mà các không gian làm việc của Toong thường có những chi tiết đặc trưng của Việt Nam?
- Đúng vậy, khi gây dựng Toong, tôi luôn đặt tinh thần “sáng tạo trên giá trị truyền thống” như một triết lý cốt lõi. Mỗi không gian của chúng tôi đều gắn chặt với những giá trị bản địa của khu vực. Từ địa điểm đầu tiên tại số 8 Tràng Thi được xây trong biệt thự Pháp cổ, thấm đẫm màu sắc kiến trúc Đông Dương tới địa điểm mới nhất TP.HCM tại số 87 Hàm Nghi, nơi chúng tôi hồi sinh tầng cao nhất của một trong những tòa nhà ngân hàng được xây dựng đầu tiên tại trung tâm tài chính thành phố, từ những năm 1950.
Tôi không muốn xây dựng một không gian làm việc mà người ta chỉ đến làm việc 8 tiếng rồi về. Chúng tôi đang nỗ lực để biến mỗi không gian do mình tạo ra còn là nơi phát triển con người cả về tri thức, thể chất và nhân cách. Từng cá nhân phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển. Vì thế, ngoài phong cách thiết kế nội thất, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc thiết kế và tổ chức các hoạt động cộng đồng đa dạng, từ nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh, công nghệ tới phong cách sống.
Sau một thời gian làm việc tại các không gian của Toong, mỗi người sẽ tự khai phá thêm nhiều điều mới mẻ và quan trọng nhất là tự hào về nguồn gốc của mình cũng như đề cao những giá trị nhân văn.
- Ngoài thiết kế mang phong cách bản địa, không gian làm việc của Toong có gì khác biệt mà nơi khác không dễ sao chép?
- Chúng tôi không so sánh quá nhiều với doanh nghiệp khác. Với Toong, không gian làm việc chỉ là một yếu tố cơ bản ban đầu và hữu hình mà có thể bị sao chép. Điều chúng tôi đang xây dựng là văn hoá làm việc cấp tiến, có khả năng hỗ trợ mỗi cá nhân phát triển toàn diện hơn, khuyến khích mỗi người biết trân trọng những giá trị bền vững và từng bước thúc đẩy hành động để kiến tạo chứ không ngồi chờ sự thay đổi từ thế giới xung quanh. Văn hoá được tạo dựng từ nhiều chi tiết hữu hình và vô hình, đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người có cùng hệ tư duy và phải thực sự tâm huyết.
Quan điểm văn hoá mà chúng tôi đang theo đuổi là bộ lọc tự nhiên giúp thu hút được khách hàng có đồng quan điểm. Và những khách hàng đó lại cùng chúng tôi tiếp tục bồi đắp văn hoá đặc trưng tại các không gian do Toong kiến tạo. Làm việc dưới cùng một mái nhà với những người có cùng quan điểm cấp tiến là điều không dễ tìm được. Đó cũng là điều thu hút khách hàng lựa chọn đặt văn phòng tại Toong và trung thành với chúng tôi.
- Anh có cho rằng mình những giá trị mà Toong đang theo đuổi không phù hợp với nhu cầu của số đông không?
- Tại sao phải đi theo số đông?
Ba năm trước, khi chúng tôi khai trương địa điểm đầu tiên, hầu như mọi người cho rằng Toong sẽ phá sản sau 3 đến 6 tháng hoạt động.
Hầu hết nhà đầu tư và đối tác đều cho rằng mô hình coworking space chỉ phù hợp với các nhóm khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Họ nói đây là dịch vụ chạy theo trào lưu khởi nghiệp mới xuất hiện tại Việt Nam và không bền vững.
Chúng tôi làm được nhiều điều ngược lại so với những định kiến đó. Đến giờ, chúng tôi vẫn giữ tốc độ phát triển đáng tự hào cả về mạng lưới không gian và hiệu quả kinh doanh.
Tính tới quý I năm 2019, tổng diện tích không gian do chúng tôi phát triển và quản lý sẽ nhân lên gấp 3 lần so với hiện tại và có mặt tại cả Hà Nội, TP.HCM, Viêng Chăn, PhnomPenh. Khách hàng hiện tại đến từ 36 ngành nghề khác nhau, có quy mô nhân sự từ một người cho đến hơn 1.000 người. Từ doanh nghiệp đang trong quá trình thành lập, tới những doanh nghiệp có hơn 100 năm lịch sử cũng đang dùng dịch vụ của chúng tôi.
Một thương hiệu muốn đi đầu, cũng như con người vậy, phải có khả năng dẫn dắt người khác, dẫn dắt nhu cầu thị trường bằng cách xác định, kiến tạo và chứng minh cho khách hàng về những giá trị giúp họ thực sự trở nên tốt hơn mà thời điểm đó nhiều khách hàng còn không nghĩ rằng mình cần đến những giá trị đó.
- Đã có nhiều trường hợp, doanh nghiệp khai phá thị trường nhưng lại không giữ được vị thế dẫn đầu của mình. Anh nghĩ sao về điều này?
- Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là năng lực kiến tạo giá trị không ngừng của doanh nghiệp đó.
Theo tôi, quan điểm về lợi thế cạnh tranh dựa trên những tính năng, đặc điểm tĩnh đã không còn phù hợp. Trong thời đại mọi người luôn tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho vấn đề thì kiến tạo phải là một quá trình không ngừng nghỉ. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần xác định được một mẫu số chung phù hợp để có thể phát triển một cách nhất quán, lại có thể tiến hoá linh hoạt.
Toong là đơn vị phát triển chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên khởi phát tại Đông Dương. Sau 3 năm hoạt động, hiện Toong đã tạo ra một cộng đồng với 3.500 thành viên là cá nhân và các doanh nghiệp, có quy mô 1-1.000 nhân sự, đến từ 36 lĩnh vực khác nhau. Các địa điểm của Toong thường được lựa chọn là điểm đến thăm của các doanh nhân, tri thức và chính trị gia trong và ngoài nước khi muốn gặp gỡ cộng đồng phát kiến tại Việt Nam.