Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật xác nhận việc bộ nhận được báo cáo của VNA về tình trạng phi công chuyển sang đến đơn vị khác hôm 24/4. Ông Nhật nhấn mạnh các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
Trước đó, Tập đoàn FLC - công ty mẹ của Bamboo Airways - gửi công văn tới Bộ GTVT, tiết lộ việc doanh nghiệp này "nhặt" được văn bản được cho là từ VNA. Trong đó VNA tố Bamboo Airways giành phi công và yêu cầu Bộ GTVT dừng xem xét việc cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với loại tàu bay B787 của Bamboo Airways.
Trả lời Zing.vn, ông Trịnh Văn Quyết - CEO Bamboo Airways - khẳng định hãng này "đang thừa nhân lực phi công và tiếp viên", do đó không đi giành giật với ai.
"Chúng tôi bị chơi xấu"
- Bộ GTVT vừa xác nhận việc Vietnam Airlines gửi văn bản mật nói Bamboo Airways giành giật phi công mà họ đã tốn nhiều chi phí đào tạo, gây thiệt hại lớn. Ông nói gì về điều này?
- Trước hết, phải nói rõ rằng chúng tôi không giành giật với ai, mà thi tuyển cạnh tranh. Đúng là có những phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines nộp hồ sơ, được giới thiệu qua Bamboo Airways làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi không giành giật của ai cả, chỉ thực hiện tuyển dụng thông thường.
Về việc doanh nghiệp khác đã phải tốn chi phí đào tạo nhân sự và họ chuyển sang chỗ khác thì cũng là điều bình thường trên thị trường. Họ chấm dứt hợp đồng và thực hiện đền bù theo hợp đồng thôi.
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ trích Vietnam Airlines chơi xấu Bamboo Airways. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay tại Bamboo Airways, chúng tôi có nhiều nhân sự chuyển từ các cơ quan Nhà nước sau khi được cấp học bổng đi học nước ngoài. Và theo quy định, họ cũng phải trả chi phí bồi thường khi rời đi. Việc chấm dứt hợp đồng và bồi thường theo quy định là áp dụng theo chuẩn chung, đâu phải riêng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
- Nguồn tin của Vietnam Airlines nói với Zing.vn rằng họ có trong tay email “mời chào nhảy việc” từ Bamboo Airways gửi tới các phi công VNA. Ông giải thích thế nào?
- Trong bất kỳ cuộc tuyển dụng công khai nào, các doanh nghiệp đều khuyến khích việc giới thiệu ứng viên. Không lẽ khi họ gửi hồ sơ đến, vì họ là phi công của Vietnam Airlines mà chúng tôi không gửi thông tin giới thiệu cơ hội việc làm đến họ? Như thế mới là phân biệt đối xử.
Nhân sự từ Vietnam Airlines hay bất kỳ doanh nghiệp nào đều có quyền chọn công việc mà họ thấy phù hợp và chúng tôi không lý gì lại kỳ thị họ cả. Đó là quy trình tuyển dụng thông thường, cạnh tranh thị trường thôi.
- Vậy ông định có động thái gì tiếp theo?
- Chúng tôi bị chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh. Đó không chỉ là xúc phạm cá nhân tôi mà tập thể nhân viên. Nếu Vietnam Airlines không có đính chính, tôi sẽ khởi kiện.
- Hiện nay, nhân sự của Bamboo có bao nhiêu người, và tỷ lệ các nhân sự nhảy việc từ nơi khác đóng góp bao nhiêu %? Con số cụ thể từ Vietnam Airlines ra sao?
- Tôi xin phép không chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
"Đề nghị của VNA đi ngược xu thế và pháp luật"
- Trong văn bản, Vietnam Airlines cũng đề nghị Cục Hàng không xem xét dừng cấp phép khai thác tàu bay Boeing 787 cho Bamboo Airlines. Ông phản ứng thế nào?
- Việc khai thác đường bay mới, tàu bay mới, mở thêm hãng bay là tốt, cho thị trường và cho khách hàng. Người dân có thêm lựa chọn đi lại. Hơn nữa, máy bay Boeing 787 đã được chúng tôi ký mua cả năm nay.
Nói cách khác, chúng tôi đảm bảo điều kiện cần và đủ, cớ gì để một doanh nghiệp lại đề nghị cơ quan chức năng cấm cấp phép. Cách làm như vậy là đứng trên luật pháp. Tôi tin không một cơ quan chức năng nào lại xem xét một đề nghị như thế.
Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định Bamboo Airways tuyển phi công công khai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Việc này không khác việc bạn đang học lớp 10, đủ điều kiện cả về chuyên môn lẫn pháp luật để lên lớp 11, mà một người cùng lớp lại đi can thiệp để ngăn cản bạn lên lớp.
Nói cách khác, đề nghị của Vietnam Airlines đã đi ngược xu thế và pháp luật.
- Mới đây, Cục Hàng không cũng đang phàn nàn về việc năng lực giám sát có hạn, cân nhắc việc cấp phép cho Bamboo Airways đấy thôi?
- Thực ra phải tách bạch 2 chuyện cấp phép khai thác tàu bay 787 và việc duyệt kế hoạch mở rộng của Bamboo Airways.
Năng lực giám sát của Cục Hàng không là cho cả thị trường. Trong kế hoạch trước đây, năm 2019, Bamboo Airways sẽ khai thác và vận hành 30 tàu bay tới cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nâng lên 40 tàu bay, và đó là lý do Cục Hàng không nói không đủ năng lực giám sát, vì không đủ người.
Thực tế, các tàu bay của chúng tôi sắp được giao. Giờ Cục Hàng không yêu cầu chúng tôi phải chỉnh lại đề án, nếu 40 chiếc không được thì bao nhiêu chiếc, lộ trình thế nào.
- 40 tàu bay này thuộc dòng nào, và với số lượng lớn như vậy, câu chuyện phi công, tiếp viên của hãng xử lý thế nào, thưa ông?
Chúng tôi khai thác cả máy bay Airbus 321 và Boeing 787. Về nhân sự thì không cần lo đâu. Chúng tôi đang thừa phi công.
Khi tuyển dụng, chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản. Boeing cũng gửi cho chúng tôi vài chục phi công Mỹ, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật. Giờ tới cuối năm, ngay cả có về đủ 40 máy bay và được khai thác hết, chúng tôi vẫn thừa nhân lực, cớ gì chúng tôi phải đi giành giật với ai.
- Airbus nói với Zing.vn rằng họ chưa ghi nhận bất kỳ hợp đồng mua bán nào với Bamboo Airways dù ông tuyên bố đặt cọc từ hơn một năm trước?
- Chuyện này dài lắm, không nói nhanh được. Dù mua của người này hay người khác, thì về cơ bản, máy bay khai thác của các hãng hàng không phần nhiều là đi thuê thôi.
Mua hay thuê, tôi nghĩ không quan trọng, mà quan trọng là có đủ máy bay để khai thác và vận hành. Chúng tôi đang và sẽ tiếp nhận nhiều máy bay và đều rất mới, để đảm bảo nhu cầu phát triển của mình.
Chia sẻ trong cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao diễn ra tại TP.HCM sáng 5/5, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, kể một đội bay của hãng bị hãng hàng không khác "câu" mất 30% nhân sự.
Ông Thành khẳng định để đào tạo một phi công lái chính phải tốn rất nhiều thời gian. Như phi công lái chính máy bay thông thường Airbus A320, A321, hãng cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản. Còn nếu đào tạo phi công lái máy bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787 thì phải cần tới 7-8 năm.