Nhiều năm qua, mỗi khi CLB Hải Phòng làm khách trước CLB Hà Nội, ban tổ chức và lực lượng an ninh luôn bị đặt trong tình trạng báo động bởi những CĐV quá khích. Trong suy nghĩ, nhóm người này luôn có một phần của mâu thuẫn từ quá khứ.
Mỗi lần đến sân Hàng Đẫy, CĐV Hải Phòng thường tạo nên "biển khói" bằng pháo sáng. Ảnh: Minh Chiến. |
Lịch sử không đội trời chung
Những trận đấu giữa các đại diện của 2 thành phố này luôn có sức hút kỳ lạ, cùng với đó là những màn đối đầu đầy hấp dẫn trên sân cỏ.
Trong quá khứ, các cuộc chạm trán giữa Cảng Hải Phòng và Công An Hà Nội hay Công An Hải Phòng gặp Thể Công chẳng khác nào trận đấu giữa nước và lửa.
Những cuộc đối đầu nảy lửa đó tạo nên lịch sử không đội trời chung giữa các đội bóng của 2 thành phố này. Khi bóng đá Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp, bên cạnh những đội bóng không tan rã, thì những cái tên còn lại vẫn giữ được độ nóng mỗi lần đối đầu.
Tại vòng 17 V.League 2014, vụ ẩu đả trên sân Lạch Tray khiến 4 cầu thủ Samson (CLB Hà Nội T&T - tiền thân của CLB Hà Nội hiện tại) cùng Đức Thắng, Thanh Tùng và Văn Nam (CLB Hải Phòng) nhận án phạt từ 2 đến 7 trận. Đó là ví dụ điển hình cho sức nóng của những cuộc đối đầu nảy lửa giữa các đại diện của 2 thành phố.
Giai đoạn những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đội bóng Công An Hải Phòng luôn nằm trong nhóm 3 đội mạnh nhất cả nước. Cầu thủ hay nhất của đội bóng này lúc bấy giờ là Đinh Thế Nam - người trưởng thành và nổi danh từ CLB Thể Công.
Ở V.League 2010, CLB Hà Nội T&T cùng CLB Hải Phòng tạo nên cuộc đua tới ngôi vô địch gay cấn tới vòng đấu cuối. 6 năm sau, cuộc đua tương tự cũng được tạo nên. Cả 2 lần đó, Hải Phòng đều chấp nhận về nhì.
Mùa giải 2010, đội bóng của bầu Hiển vô địch với 46 điểm. CLB Hải Phòng về đích thứ nhì với chỉ 1 điểm kém hơn. 6 năm sau, cuộc đua tương tự được lặp lại. 2 đội cùng được 50 điểm, nhưng CLB Hà Nội có hiệu số 17 so với 15 của đối thủ.
Khán đài luôn nóng ở mỗi cuộc đấu giữa CLB Hải Phòng và CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Suy nghĩ thù địch và tiêu cực
Với lịch sử đối đầu hấp dẫn, lẽ ra CĐV Hải Phòng luôn tự hào và coi các đại diện thủ đô như đối thủ xứng tầm với đội bóng quê nhà. Tuy nhiên, vào giai đoạn CLB Hà Nội T&T bắt đầu nổi lên trở thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam, có những sự đổi khác trong suy nghĩ của họ.
Với nhiều CĐV Hải Phòng, họ nghĩ đội bóng con cưng của mình chắc chắn về đích thứ 2 ở mùa giải 2010 khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng được "cơ cấu" từ trước. Suy nghĩ này khiến người hâm mộ đất cảng luôn chứa lòng thù địch với đội bóng thủ đô.
Ngay ở mùa giải sau, việc CLB Hòa Phát Hà Nội bất ngờ tăng giá vé ở trận tiếp CLB Hải Phòng như đổ thêm dầu vào lửa. Đội chủ nhà tăng giá vé lên thành 200.000 đồng, gấp 8 đến 10 lần những trận trước đó.
Quyết định này khiến CĐV Hải Phòng phẫn nộ và trong trận đấu, tiền âm phủ được sử dụng như thông điệp gửi tới đội bóng của bầu Long. Việc làm này được duy trì cho tới bây giờ với hàm ý "tiền không mua được tất cả".
Lật lại quá khứ, ở V.League 2009, sau màn "đấu khẩu" với CĐV Thể Công trên sân Hàng Đẫy, CĐV Hải Phòng có va chạm với lực lượng an ninh khi trận đấu kết thúc. Kết quả, CĐV Hải Phòng bị cấm đến sân khách vô thời hạn. Đó là lần đầu CĐV Hải Phòng nhận án phạt nặng từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam và hội CĐV này tuyên bố giải tán vào tháng 9/2009.
Đến mùa giải 2017, CĐV Hải Phòng khiến màn so kè giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng ở Mỹ Đình tại vòng 17 bị gián đoạn hơn 5 phút với khoảng 50 quả pháo sáng. Lần này, người hâm mộ đất cảng bị cấm đến sân khách tới hết mùa.
Hành động nói trên được xem là cách trả đũa cho sự việc tại vòng 6 mùa giải này, CĐV Hải Phòng liên tục chửi bới ban tổ chức giải và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi cho rằng CLB Hà Nội được thiên vị. Việc này cũng khiến sân Lạch Tray bị "treo" ở vòng 8.