Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trao đổi với nông dân tại một vườn mắc ca ở huyện Tuy Đức, Đắc Nông. |
Hơn nửa tỷ đồng/ha/năm?
Đến dự hội thảo, ông Bùi Hữu Hòa - một nông hộ ở xã Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng - giới thiệu: “Năm 2008, tôi trồng xen mắcca trên 2ha càphê, năm 2010 trồng thêm 1ha nữa, lứa đầu đã cho thu bói hai năm nay. Cà phê vẫn thu hoạch bình thường, tôi có thêm 170 triệu đồng từ mắcca, đó là thu bói cho vui thôi”.
Ông Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - cho biết, cây mắcca sống cả trăm năm, từ năm thứ bảy vườn cây mới định hình, kinh doanh chính thức. Khi đó, một hécta cho thu khoảng 5 tấn hạt, với giá bán 125.000 đồng/kg như hiện nay, tổng giá trị khoảng 600 triệu đồng.
Như vậy, so với cà phê (năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, giá hiện tại 35.000 đồng/kg, tổng doanh thu 77 triệu đồng/ha) thì cây mắcca cho doanh thu lớn gấp 7 lần.
Còn GS Nguyễn Lân Hùng kể chuyện mắt thấy tai nghe: “Người dân Trung Quốc đã trồng hàng chục nghìn hécta mắcca. Riêng Vân Nam đang phấn đấu mỗi năm trồng thêm 300ha. Còn ở Quảng Tây, Công ty Kim Cương đã thu hoạch giai đoạn đầu được 800 tấn quả khô”.
Từ đó, giáo sư đặt vấn đề: “Chúng tôi không tham vọng thay thế cà phê ở Tây Nguyên bằng mắcca, nhưng rõ ràng Tây Nguyên đang gặp khó về vốn, quy trình kỹ thuật, khả năng rủi ro trong tái canh diện tích cà phê già cỗi. Vậy tại sao không thay thế diện tích cà phê già cỗi, các vườn cây kém phát triển bằng cây mắcca hoặc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê? Chỉ tính năng suất 10kg hạt, mỗi cây mắcca đã cho bạc triệu rồi, mỗi hộ chỉ trồng 100 cây là đổi đời”.
Không chỉ siêu lợi nhuận, mà với dự kiến giá trị xuất khẩu lên tới nhiều tỷ USD trong vài năm tới; vì thế, người ta gọi mắcca là “cây tỷ đô”.
Về thị trường tiêu thụ mắcca, ông Nguyễn Công Tạn cho biết, cả thế giới đều có nhu cầu, nhưng trước hết là 11 nước Đông Nam Á với khoảng 500 triệu người tiêu dùng.
“Về cơ bản, các nước Đông Nam Á có hệ sinh thái nông nghiệp gần giống nhau, nhưng các nước khác ưu thế hơn Việt Nam về caosu, cọ dầu và một phần cà phê, còn ta hơn hẳn họ về tiềm năng mắcca” - ông Tạn nói.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết thêm, thế giới hiện cần khoảng 400.000 tấn mắcca/năm, trong khi khả năng đáp ứng chỉ 100.000 tấn/năm. Ở trong nước, do chưa có nhiều nguyên liệu nên cơ sở thu mua còn ít, ngoài DonaFood, ThaibinhFood...
Cơ hội cho Tây Bắc, Tây Nguyên?
Từ năm 2010 đến nay, người dân Đắc Nông đã trồng khoảng 500ha mắcca, trong đó 233ha tại huyện Tuy Đức. Tham quan một số vườn mắcca ở huyện này, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ sống đạt 95%, cây phát triển tốt, đậu quả đều, thời gian cho quả không muộn hơn dự kiến.
Ông Trần Đình Mạnh - Chủ tịch UBND huyện - cho biết, với kết quả bước đầu, tỉnh đã cho chủ trương lập quy hoạch phát triển 7.000-10.000ha mắcca tại Tuy Đức.
GS Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NNPTNT - thông tin: “Bộ đã giao cho Viện Điều tra quy hoạch rừng lập quy hoạch phát triển mắcca tại Tây Bắc và Tây Nguyên, tôi là thành viên của hội đồng. Hiện chưa có báo cáo chính thức, nhưng bước đầu xác định Tây Nguyên có 1 triệu hécta đất phù hợp cao nhất với cây mắcca, trong đó 50% thuộc tỉnh Đắc Nông. Các vườn cây thử nghiệm tại đây cũng cho thấy, không phải nghi ngờ gì về điều đó”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Khải - GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắc Nông - vẫn tỏ ra e ngại: “Trước ai cũng lo trồng mắcca ở Tuy Đức không có quả, bây giờ thấy có rồi, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, thăm dò thị trường... và chưa nên khuyến cáo người dân trồng đại trà”.
Việc các nhà khoa học và chính quyền địa phương có tâm huyết, táo bạo trong việc “mở đường” phát triển là điều rất đáng trân trọng, song rõ ràng là các vấn đề của cây mắcca mới chỉ được giải quyết về mặt lý thuyết. Vì vậy cần có thêm thời gian để các vườn cây hiện có định hình về năng suất, chất lượng, tiêu thụ ổn định, có kết luận thực tiễn trước khi đưa ra những tham vọng lớn hơn.
Mắcca là gì?
Mắcca (macadamia) là cây lâm nghiệp được người Úc phát hiện năm 1857, trồng thành công năm 1858. Nhân của quả mắcca có chứa 87% hàm lượng axít béo không no, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Mắcca được sử dụng làm thực phẩm như hạt điều (nhưng ngon hơn nên được gọi là “hoàng hậu” quả khô) hoặc ép dầu, làm dung môi trong sản xuất mỹ phẩm, hương liệu. Trên thế giới hiện có 78.000ha mắcca, tập trung chủ yếu tại Australia, Mỹ, Trung Quốc...