Gần 30 năm nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã đạt được nhiều thành tựu liên quan đến loài cây này. Ngày 16/9, trong lễ tổng kết và trao tặng “Giải thưởng sáng chế TP.HCM lần thứ tư (2015-2016)”, bà đã đạt giải nhất và được Chủ tịch UBND TP.HCM tặng bằng khen.
Chia sẻ rõ hơn về thành quả nghiên cứu và đặc tính của loài cây này, TS. Trâm cho biết, loại cây này chứa các hoạt chất sinh học kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch tế bào ung thư để tạo ra những sản phẩm thuốc điều trị bệnh ung bướu.
Kết quả sàng lọc cho thấy, so với những cây thuốc khác, trinh nữ hoàng cung có tác dụng sinh học mạnh nhất. Các dịch chiết alcaloid từ lá cây có thể điều trị khối u lành tính và ác tính.
Tiến sĩ, dược sĩ Ngọc Trâm (áo dài tím) nhận giải thưởng cho hai sáng chế: Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloit có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung và Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoit có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung. |
TS. Trâm đã thực hiện nghiên cứu nhiều về thảo dược Việt, đặc biệt là loài cây trinh nữ hoàng cung. Tiến sĩ cho biết, bà đã bắt đầu nghiên cứu về loài cây này để tạo ra những sản phẩm thuốc điều trị bệnh ung bướu từ năm 1990, khi còn là cộng tác viên của Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria.
Tại Việt Nam, bà có nhiều đề tài cấp bộ và dự án cấp nhà nước như: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất alcaloid toàn phần từ lá cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt, u xơ tử cung (1999-2001); Nghiên cứu bào chế viên nang cứng từ cao khô alcaloid toàn phần của cây trinh nữ hoàng cung và thử tác dụng sinh học trong điều trị u xơ tiền liệt tuyến (2001-2003).
Một số đề tài nghiên cứu khác gồm: Phát triển nguồn gen cây trinh nữ hoàng cung để có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt (2005-2010); Nghiên cứu tác dụng sinh học và độ an toàn của các phân đoạn alcaloid và flavonoid chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung (2010- 2012).
Tiến sĩ Trâm cũng tham gia nhiều công trình khoa học khác như: Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước KC.10.DA17 - hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất từ cây trinh nữ hoàng cung để sản xuất viên nang điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt (1/2006-6/2007); Dự án KC 06.DA14 - hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila forte đáp ứng nhu cầu xuất khẩu (2012-2015).
Bà cũng làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ theo Nghị định thư giữa Việt Nam - Bungaria Nghiên cứu khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư của các alcaloid và flavonoid được chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư (T6/07- T6/09).
Đến nay, bà vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về loại cây này. Những kết quả của các dự án này được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín quốc tế và tạp chí y dược danh tiếng tại Việt Nam như: Experimental Pathology and Parasitology (1999), National Congress of Anatomy, Histology and Embryology with International Participation (1999), Experimental Pathology and Parasitology (2001), International Immunopharmacology (2001), Z. Naturforsch (2002), Fitoterapia (2002), J.Essent. Oil Res.(2003), Scientia pharmaceutica (2011)...
Ngoài giải nhất Giải thưởng sáng chế, trước đó, TS. Trâm từng đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010 và giải thưởng Kovalevskaia năm 2006.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi và tiến sĩ Ngọc Trâm tại vùng trồng trinh nữ hoàng cung năm 1992. |
Theo TS. Trâm, cây trinh nữ hoàng cung phải sử dụng thận trọng. Đây là cây náng lá rộng. Trước đây, các nhà phân loại thực vật trên thế giới chia những cây náng theo hệ thống Linne, do vậy, nó có tên khoa học là Crinum latifolium L, họ Amaryllidaceae.
Khi phân loại cây náng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan…, họ chỉ dựa vào đặc điểm thực vật mà không dựa vào gen (ADN) cũng như không căn cứ vào thành phần hóa học. Đến nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trinh nữ hoàng cung ở các nước trên không giống Việt Nam. Chúng hoàn toàn khác nhau về ADN, thành phần hóa học, dẫn đến sự khác biệt về tác dụng sinh học.
Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Công Khánh và tiến sĩ Ngọc Trâm tại vùng trồng trinh nữ hoàng cung năm 1998. |
Tại Việt Nam, ở trại dược liệu của Công ty TNHH Thiên Dược (Long Thành, Đồng Nai) vào năm 1992, giáo sư, tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi đã được chứng kiến loại cây này nở hoa. Tại đây, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Công Khánh đã theo dõi cây vào năm 1998 và khẳng định loài cây tại Việt Nam là thứ mới của loài Crinum latifolium L, họ Amaryllidaceae có ở Việt Nam, dân gian vẫn thường gọi là trinh nữ hoàng cung.