Quả bần có 2 loại là bần dĩa (mọc ở ven sông, trái dẹt như cái dĩa) và bần ổi (được trồng ở trong vườn, trái nhỏ tròn như quả ổi).
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), trái bần thường được người miền Tây chế biến thành nhiều món ăn dân dã như hoa bần trộn gỏi với thịt heo, tép bạc, cá sặc.
Trái bần chua có thể ăn sống và chấm kèm với các loại mắm được chế biến từ thủy sản. Trái bần chín dùng để nấu canh chua, kho cá hoặc dầm với nước mắm, đường, bột ngọt để chấm rau lang, rau muống luộc...
Cây bần không chỉ có giá trị sinh thái, ẩm thực, kinh tế mà còn có giá trị y học. Bần có nhiều tên gọi khác nhau như bần chua, bần sẻ, thủy liễu.
Trái bần thường được người miền Tây chế biến thành nhiều món ăn dân dã. |
Ở Việt Nam, cây bần mọc hoang và được trồng ở rừng ngập mặn ven biển từ Bắc vào Nam, nơi có nhiều bùn và bãi bồi.
Ở miền Bắc, cây bần mọc thành rừng gần như thuần loại ven bờ biển và vùng cửa sông như ở Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở miền Nam cây bần là thành phần chính yếu của các rừng ngập mặn tự nhiên ven biển và chúng mọc dày đặt ven sông rạch.
Bác sĩ Vũ cho hay quả có vị chua của phó mát, tính mát, tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Quả có tác dụng tiêu viêm và chỉ thống (giảm đau), lá tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu. Chủ trị: Bong gân và chảy máu do vết thương hở.
Lá vị chát, tính mát có tác dụng cầm máu, chữa bí tiểu tiện, đắp vết thương.
“Chiết xuất từ cây bần có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Dịch chua từ trái bần có tác dụng bảo vệ tế bào gan, gây độc đối với ấu trùng muỗi và chống viêm. Chiết xuất từ bần có tác dụng ức chế ung thư vú, ung thư phổi và ung thư biểu mô”, bác sĩ Vũ nói.
Ngoài ra, cây bần còn ức chế enzyme acetylcholinesterase - enzyme làm ngưng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, vị thuốc này tác dụng ngăn chặn phát triển bệnh Alzheimer (chứng bệnh xảy ra do thoái hóa thần kinh).
Trên thế giới, Ấn Độ sử dụng dịch quả bần lên men để cầm máu và điều trị các chứng bệnh xuất huyết. Người Myanmar dùng trái bần tươi, đem giã nát rồi thêm muối vào và đắp trực tiếp vào vết bầm do máu ứ. Tại Malaysia, lá tươi của cây bần được sử dụng để chữa bí tiểu tiện. Ngoài ra, người dân còn ăn quả bần chín để tiêu diệt ký sinh trùng sống trong sán, giun, bệnh đậu mùa, bệnh thiếu máu tiểu cầu,
Người Philippines sử dụng quả non và lá bần giã nhuyễn để giảm sưng, trị bong gân và cầm máu.
Bác sĩ Vũ lưu ý cần phân biệt với cây bần ổi/bần trứng (Sonneratia ovata Bak) – loài thực vật có lá hình bầu dục, vỏ thân tróc thành từng mảng cũng mọc ở những khu rừng ngập mặn nhưng quả vị chua và thơm.
Quả bần vị chua nên tránh ăn khi bụng đói và cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng. Cần tránh lạm dụng dược liệu (đặc biệt là quả bần) vì acid trong loại quả này có thể gây đau dạ dày và xót ruột.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.