Sau vụ cây phượng bất ngờ gãy đổ tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) làm một học sinh thiệt mạng, 17 em khác bị thương, đại diện Sở Xây dựng đến khảo sát hiện trường và đề xuất trường nên đốn bỏ cây phượng cao tuổi còn lại trong khuôn viên. Bởi loài cây này thân trên 30 cm có hệ rễ rất rộng, không thích hợp với khu vực trồng cây nhỏ hẹp như đô thị.
Thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã loại bỏ cây phượng, không trồng trên đường đô thị nữa.
Vậy những cây phượng trên 30 cm trong thành phố đều nên đốn bỏ để đảm bảo an toàn cho người dân? Làm thế nào để đánh giá độ an toàn của các cây xanh có tuổi thọ lớn khác trong thành phố?... là những vấn đề được nhiều người đặt ra câu hỏi.
Xác định tuổi thọ cho cây "về hưu"
Nhận định về ý kiến cây phượng thân rộng hơn 30 cm không phù hợp với đô thị, ông Trần Thiện Hà (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM) cho biết chưa từng nghe đến quy chuẩn nào như vậy và cho rằng "không hợp lý". Theo kinh nghiệm của ông Hà, cây có đường kính 30 cm không quá lớn, có thể cắt hết tán, hạ bớt độ cao thì sẽ hạn chế nguy cơ gãy đổ.
Quan sát những hình ảnh của gốc cây phượng bị gãy đổ trên báo chí, ông nhận định có 3 nguyên nhân khiến cây gãy đổ.
Thứ nhất, tuy nhìn cây còn tươi nhưng thân đã mục ruỗng, rễ cũng có dấu hiệu mục. Thứ hai, ngày trước đó trời mưa lớn khiến đất quanh gốc cây bị mềm. Thứ ba, tán cây lớn khiến cây dễ gãy đổ.
Chuyên gia cho rằng nên có tiêu chí tuổi thọ cây xanh đô thị để thay thế những cây mục ruỗng, gây nguy hiểm. Ảnh: Quang Anh. |
Theo kinh nghiệm của ông Hà, việc cây tự gãy đổ là hiện tượng xảy ra hàng năm do đầu mùa mưa, đất mềm khiến độ bám của rễ cây không tốt. Do đó, thời điểm đầu mùa mưa, thành phố thường đẩy mạnh việc cắt tán cây nhằm giảm nguy cơ gãy đổ. Đồng thời, mỗi xí nghiệp cây xanh có đội đi kiểm tra những cây già cỗi, hư hỏng để đề xuất thay thế.
"Cây phục vụ đời sống con người thì cũng phải đến cái tuổi 'về hưu', phải thay thế. Trừ những cây thuộc trường hợp muốn bảo tồn thì phải có chế độ chăm sóc cực kỳ đặc biệt, nếu không thì nên thay. Tuy nhiên, không thay bừa bãi hàng loạt mà có lộ trình", ông Hà đề xuất.
Trường hợp các cây thay thế vẫn chưa được chuẩn hóa tại Việt Nam mà trước nay vẫn do các kỹ thuật viên đề xuất dựa trên kiến thức, kinh nghiệm. Theo ông Hà, để chuẩn hóa, cần có nhà khoa học về lâm nghiệp nghiên cứu, định ra lứa tuổi, yêu cầu điều kiện thay thế cho từng loại cây được áp dụng rộng rãi.
Việc khuyến khích hay hạn chế cây nào cần phụ thuộc điều kiện từng vùng. Ảnh: Quang Anh. |
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, việc khuyến khích trồng loại cây gì, quy chuẩn thế nào phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi thành phố để có quyết định kiểm đếm và thay thế dần.
Theo ông Tiến, việc quản lý cây xanh đang căn cứ trên Nghị định của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị. Dựa trên 2 quy định này, các địa phương có thể căn cứ theo thực tế để có quy định cụ thể để quản lý cây xanh đô thị. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết các tiêu chí ban hành lựa chọn cây trồng trong đô thị hiện vẫn chưa thống nhất giữa các tỉnh.
Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, đặc tính chủng loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, đặc thù của mỗi đô thị và phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, thích ứng chống chịu thiên tai.
Ví dụ, cây có tính hướng quang cao như phượng, lim xẹt... dễ lệch tán, nghiêng về nơi có không gian rộng nên nguy cơ gãy đổ cao hơn trong mùa mưa bão, không phù hợp với đường đô thị. Hay việc chọn cây cần tính đến bối cảnh thành phố đẩy mạnh hạ ngầm các đường dây nổi, xây dựng các công trình ngầm để tính toán loại cây trồng có bộ rễ phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2013, TP.HCM đã có quyết định về danh mục cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố ở địa bàn này. Trong danh mục 5 cây cấm trồng và 23 cây hạn chế trồng, không có quy định nào về cây phượng.
Siêu âm cây để "bắt bệnh"
Ngoài việc ban hành tiêu chí tuổi thọ cây xanh đô thị để cây "nghỉ hưu" đúng lúc, ông Trần Thiện Hà cho rằng cần có chế độ theo dõi, chăm sóc cây đô thị nếu không rất khó phát hiện cây có dấu hiệu mục ruỗng. Theo ông Hà, siêu âm là một trong những giải pháp hiệu quả để "bắt bệnh" cây xanh.
"Nếu siêu âm có thể biết độ rỗng của thân cây để thay thế các cây có khả năng gãy đổ", ông Hà kiến nghị và cho biết trước đây Công ty Công viên cây xanh cũng từng thử nghiệm giải pháp này để độ an toàn của từng loại cây. Tuy nhiên, việc siêu âm toàn bộ cây trong thành phố là khá khó khăn, chỉ nên dùng trong trường hợp nghi ngờ.
Bên cạnh đó, chuyên gia này đề xuất cần nghiên cứu nguy cơ đến từ sự bê tông hóa đô thị khiến phần đất thịt để rễ cây bám vào ngày càng bị hạn chế, làm tăng nguy cơ đổ của cây.
Cây phượng bị gãy đổ tại TP.HCM có phần thân mục ruỗng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Một nguy cơ nữa được PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu ra là quá trình đô thị hóa quá nhanh không chỉ thu hẹp không gian sinh trưởng của cây xanh mà còn tạo ra hiệu ứng "gió đường hầm", khiến sức gió thay đổi khi có dông, gió lớn, dễ làm bật gốc cây. Về mặt quản lý, ông Tiến cho rằng không chỉ Công ty Công viên cây xanh mà cơ quan quản lý Nhà nước về cây xanh và mỗi cơ quan, xí nghiệp đều phải phối hợp quản lý để có giải pháp đồng bộ.
"Phải có sự kiểm soát xây dựng, cân đối trong quy hoạch không gian giữa nhà cao tầng, thấp tầng và cây xanh để cây xanh phát triển mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân", ông Tiến đề xuất.
Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) trốc gốc đè trúng 18 học sinh. Trong đó, một học sinh không may thiệt mạng, 17 người bị thương. Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.