Việc dự án này được công nhận đã đem đến tin vui và hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư.
Theo bà Bùi Kim Nga, Giám đốc doanh nghiệp Hoàn ngọc 7 Nga Tây Ninh, đơn vị thực hiện dự án, ung thư là căn bệnh vẫn còn nhiều thách thức đối với các nhà khoa học.
Phương pháp điều trị từ hóa trị, xạ trị đến phẫu thuật vẫn còn tác dụng phụ không mong muốn. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang cố gắng tìm ra loại thuốc để điều trị nội khoa, góp phần hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ung thư. Trong khi đó, thuốc điều chế từ thảo dược vẫn là bài toán khó với nhiều nhà nghiên cứu.
Các nhà khoa học thăm vườn trồng cây hoàn ngọc. |
Ở Việt Nam, nguồn dược liệu rất phong phú. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm kiếm những hoạt chất sinh học có tác dụng điều trị bệnh ung thư trong các dược thảo này. Sản xuất hai chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ cây hoàn ngọc là một trong những dự án nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia phát triển công nghệ hóa dược.
Trước đó, doanh nghiệp Hoàn ngọc 7 Nga Tây Ninh đã dồn tâm huyết nghiên cứu để chứng minh hiệu quả điều trị bệnh của loài cây này. Kết quả là từ một loại thảo dược dân gian, cây hoàn ngọc đã được các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân lập các chất quý có tính năng điều trị nhiều chứng bệnh. Đặc biệt là khả năng ức chế khối u, trong đó rễ cây (7 năm tuổi) là bộ phận chứa nhiều chất nhất, có hàm lượng tritecpen cao nhất.
Năm 2012, doanh nghiệp Hoàn ngọc 7 Nga Tây Ninh được nhà nước cấp kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm điều trị ung thư từ cây hoàn ngọc. Đề tài hoàn thành với kết quả tốt, nhà nước tiếp tục cấp kinh phí lần hai để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm hai sản phẩm viên nang hỗ trợ điều trị ung thư.
Bà Bùi Kim Nga, Giám đốc doanh nghiệp Hoàn ngọc 7 Nga Tây Ninh báo cáo trong buổi nghiệm thu. |
Đến nay, dự án đã hoàn thiện. Ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định 3570/QĐ-BCT thành lập hội đồng và tổ chuyên gia để nghiệm thu. Ngày 10/9, hơn 10 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã đến khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, nhân giống... Tại trung tâm nuôi, trồng, nhân giống, bảo tồn gene dược liệu hoàn ngọc (xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), các nhà khoa học thảo luận, đánh giá dự án đã hoàn thiện và đạt loại khá.
Dự án đã hoàn thành các nội dung, mục tiêu đề ra với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, trong đó, phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 2,7 tỷ đồng. Nhà máy chiết xuất dược liệu được đầu tư máy móc hiện đại, phù hợp với quy trình, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chuẩn ISO 22000:2005 do Đức chứng nhận. Nguồn nguyên liệu ổn định, gần 50 ha vườn trồng đạt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực đóng góp của doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu và chất lượng của sản phẩm cũng được đánh giá là có nghiên cứu bài bản trên thị trường.
Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã xác định kết quả đạt được là đáng khích lệ. Đây là căn cứ khoa học vững chắc để sản xuất đại trà, góp phần chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Theo dõi từ đề tài đến dự án, GS.TS Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng: “Đây là một công trình nghiên cứu bài bản, đầy đủ. Kết quả đạt được trên cả mong đợi. Nhóm nghiên cứu và thực hiện chuyên nghiệp”.
TS Phùng Hà đánh giá về dự án. |
TS Phùng Hà, nguyên Cục trưởng Cục hóa chất, Bộ Công thương nhận định: “Mô hình nghiên cứu này cần được nhân rộng, nhằm phát hiện chất lượng dược liệu Việt Nam. Có thể nói, đây là mô hình liên kết thành công giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp”.
PGS.TS Phan Phước Hiền, nguyên chủ nhiệm khoa hóa sinh hóa dược trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận xét: “Doanh nghiệp Hoàn ngọc 7 Nga Tây Ninh là một điểm sáng trong nghiên cứu khoa học. Thành công của dự án không chỉ là tiếng vang ở Tây Ninh mà là niềm tự hào của cả nước và vinh dự cho ngành hóa dược. Báo cáo nghiệm thu tương đối đầy đủ, chỉ cần thêm ảnh minh họa khu vườn trồng, nhà xưởng, khu nghiên cứu… là hoàn chỉnh”.
Bác sĩ chuyên khoa II Hoa Công Hậu, Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh - ủy viên hội đồng nghiệm thu vui mừng: “Giờ đây, cây hoàn ngọc đã trở thành loài cây đặc biệt của tỉnh Tây Ninh, tạo hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đa dạng, chất lượng. Đây là dự án cấp nhà nước đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Hy vọng lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, được khoa học chứng minh góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân”.