Người trồng mía ở Hòa Bình đang khốn đốn vì đã bước sang vụ mới nhưng phần diện tích mía cũ vẫn bạt ngàn. Các vùng trồng mía nổi tiếng như Phú Vinh, Trung Hòa (huyện Tân Lạc) đều bí đầu ra. Người dân đứng ngồi không yên vì mía không tiêu thụ được. Hiện tại, ở những vùng trồng mía trọng điểm, số tồn đọng lên đến 20 ha.
Mía đỏ lòng, người dân khóc “ròng”
Theo thống kê của ngành nông nghiệp năm 2014, hiện toàn tỉnh trồng khoảng trên 8.700 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím. Các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.890 ha, Yên Thủy 1.491 ha.
Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân Hòa Bình. Nhưng năm nay, đã vào cuối vụ, toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được khoảng 70% diện tích. Nhiều ruộng mía chưa bán được. Trong khi ở thời điểm này năm ngoái hầu như mía đã được thu hoạch hết.
Huyện Tân Lạc là một trong những vùng chủ lực trồng mía của tỉnh Hòa Bình. Niên vụ này, toàn huyện trồng với tổng diện tích 1.890 ha, trong đó có 1.200 ha mía tím, còn lại là mía trắng. Tại các xã Phong Phú, Phú Vinh, Trung Hòa… giá mía tím năm nay xuống thấp, giảm kỷ lục chỉ còn khoảng 30-50% so với mọi năm.
Là cây giảm nghèo ở Hòa Bình, mía tím đang khiến cho người dân lao đao vì đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Ảnh: Cường Ngô. |
Ở xã Trung Hòa, mỗi nhà trồng bình quân 5.000 m2 mía tím. Năm nay, nhiều gia đình lâm vào cảnh mếu dở khóc dở vì vụ mới đã đến mà chưa có đất để trồng. Là một trong những hộ trồng mía tím với diện tích nhiều ở xóm Kè Ưng, xã Phú Vinh, ông Đinh Công Sao vẫn không tin nổi mía năm nay lại rớt giá thảm hại như vậy.
Ông Sao cho biết: “Trong Tết, giá mía đắt nhất cũng chỉ 5.000 đồng một cây. Hiện tại, thương lái đến mua cũng chỉ 1.000-2.000 đồng một cây. Bây giờ, mía đã quá lứa lỡ thì đổ ngổn ngang, đỏ lõi, họ không lấy, đành phải chịu thôi".
Các hộ gia đình trong xã Trung Hòa đều có cùng tình cảnh với ông Đinh Công Sao. Một số hộ may mắn hơn, kịp bán với giá 3.000-4.000 đồng một cây song là loại chọn lọc. Phần mía bị thương lái tự chối, người dân chặt cho trâu ăn. Nhiều thời điểm, trâu cũng... chê. Người dân ngậm ngùi đốt bỏ "đống tiền" đã đầu tư trồng mía tím.
Không nén nổi nỗi buồn, bà Bùi Thị Bình ở xóm Ngau, xã Phú Vinh nói: “Mọi năm, trồng mía cũng thu được hơn 100 triệu. Nhưng năm nay, vốn rót nhiều nhưng thu chỉ có mấy chục triệu thôi. Mía còn đầy có ai bán được đâu, có ai muốn mía nữa đâu. Họ mang xe lên mua thì 2.000 đồng một cây, 1.000 đồng một cây cũng không mua. Bây giờ nhiều nhà đem đốt".
Mía tím lận đận: Do đâu?
Cả người trồng và thương lái đều công nhận, chưa năm nào mía tím lại khó tiêu thụ như năm nay. Các năm trước, người trồng bán vội cũng được 5.000 đồng một cây, nhưng năm nay giá rớt thê thảm.
Theo người trồng, thời tiết năm nay mưa nhiều khiến cho việc thu hoạch, tiêu thụ gặp khó khăn. Hơn nữa, năm nay, trọng tải cân đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc thu mua. Anh Cát Văn Tứa, xóm Đạy, xã Trung Hòa cho hay, các năm trước, cước xe chở 400 bó mía về Hải Phòng là 3 triệu đồng. Năm nay, cước phí vẫn vậy nhưng trọng tải chở chỉ còn 200 bó, tương đương khoảng 6 tấn.
Người dân trồng mía đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Ảnh: Cường Ngô. |
Về diện tích trồng mía ở địa bàn, ông Hà Minh Phúc, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: “Theo kế hoạch của UBND huyện, xã Phú Vinh được giao 290 ha. Hiện nay, bà con đã bán và tiêu thụ được 240 ha. Số còn lại vẫn đang thu hoạch. Song giá năm nay giảm so với mọi năm, đầu ra cho mía tím cũng chậm rất nhiều”.
Còn về nguyên nhân dẫn đến giá mía tím giảm, ông Phúc dự đoán có khả năng là diện tích trồng mía tím tại huyện Tân Lạc và các huyện lân cận trong toàn tỉnh tăng đột biến trong khi nhu cầu thị trường giảm. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích mía tím ở các tỉnh như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và đưa cơ giới hóa nông nghiệp, dùng phân bón hóa học vào trồng mía khiến giá thành giảm. Mía ở Thanh Hóa, Nghệ An chỉ cần bán với giá 2.000 đồng một cây là người trồng đã có lãi. Trong khi đó, ở Hòa Bình, giá bán phải cao hơn.
Tuy nhiên, có một thực trạng khiến cho ông Phúc băn khoăn đó là người nông dân ở Phú Vinh và một số xã lân cận vẫn còn “phó mặc” cho thương lái. Họ không chủ động tìm kiếm mối hàng, chỉ chờ thương lái đến thu mua. "Người dân chỉ có nghĩa vụ trồng mía, còn giá mua là do thương lái tự đặt ra. Nghĩa là người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng mía cũng như đời sống cua bà con nhân dân", ông Phúc chia sẻ.