Nhạc cụ này, được tìm thấy gắn chặt vào thi thể của ông Wallace Hartley sau khi ông bị chết đuối cùng với 1.500 người khác trong thảm họa xảy ra năm 1912, đã được bán đấu gia tại nhà bán đấu giá chuyên sưu tập về kỷ vật Titanic là Henry & Son ở Devizes, tây nam nước Anh.
Trên thân cây vĩ cầm có dòng chữ khắc - viết tắt W.H.H do vị hôn thê Maria Robinson của nhạc công Wallace Harley khắc để ghi nhớ lễ đính ước của họ. Khi đó Hartley 33 tuổi.
Cây đàn violin của nhạc trưởng Wallace Hartley. |
Hàng thập kỷ trôi qua, cây vĩ cầm được cho là đã thất lạc nhưng nó đã được tìm thấy trên gác của một ngôi nhà ở đông bắc nước Anh vào năm 2006, khiến nảy sinh một cuộc tranh luận về tính xác thực của nó, cho đến thời gian vừa qua các chuyên gia mới có lời giải đáp.
Giá “chào khách” bắt đầu chỉ với 50 bảng Anh để mua cây vĩ cầm, nhưng chỉ trong vài phút nó đã vượt qua kỷ lục thế giới trước đó là 200.000 bảng Anh dành cho một mảng tàu Titanic trong cuộc cạnh tranh giữa 4 khách hàng trả giá cao nhất qua điện thoại.
200 người đã giật bắn mình tại nhà bán đấu giá khi nghe giá lên đến 350.000 bảng Anh và sau đó xuất hiện một sự im lặng đến nghẹt thở khi cuộc chiến dành cây vĩ cầm chỉ còn sót lại 2 khách hàng trả giá cao nhất qua điện thoại.
Sau 10 phút “số phận” cây vĩ cầm gắn liền với lịch sử đau buồn của con tàu Titanic đã được định đoạt cùng với túi xách bằng da của nó.
Ban nhạc của nhạc trưởng Hartley đã chơi bản thánh ca: Nearer, My God, To Thee (tạm hiểu: Lạy Chúa của con, xin hãy đến gần con hơn) để trấn an hành khách khi họ leo lên phao cứu sinh trong lúc con tàu Titanic bị chìm dưới sóng biển buốt giá ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 15/4/1912, sau khi đâm phải một tảng băng ngầm.
Hartley và 7 nhạc công đồng nghiệp của ông đã chìm vào lòng đại dương lạnh giá sau khi tiếng nhạc của họ lịm dần...