Cầu Phú Long cũ nối TP.HCM và Bình Dương được xây dựng từ năm 1913 đã quá cũ, không đảm bảo an toàn giao thông nên sẽ bị tháo dỡ cuối năm nay.
Cầu Phú Long cũ bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 12 (TP.HCM) và thị xã Thuận An (Bình Dương) xây dựng từ thời Pháp sẽ được tháo dỡ vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Việc tháo dỡ cây cầu được xây dựng từ năm 1913 này nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông vì bị cho là đã quá cũ.
Sau hơn 100 năm tồn tại, kết cấu nguyên sơ của cây cầu chỉ còn dàn thép dạng Eiffel và vòm thép trên phần đất địa bàn thị xã Thuận An.
Cầu Phú Long cũ có tổng chiều dài 251 m, trong đó một nửa nhiều lần bị đánh sập trong chiến tranh và được sửa chữa với kết cấu thép, có 2 trụ bê tông mới.
Theo kế hoạch, sẽ tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu, tổ chức lại giao thông trong khu vực. Đối với vật tư thu hồi sẽ được thanh lý theo quy định để bù vào tổng mức đầu tư của công trình. Tổng kinh phí dự án tháo dỡ là 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM.
Bên cạnh đó, vì đây là cây cầu có lịch sử lâu năm, theo đề nghị của Bảo tàng TP.HCM một số phần khi tháo dỡ sẽ được lưu giữ và chuyển giao cho Viện Bảo tàng thành phố. Trong ảnh, bảng tên cùng năm xây dựng cầu sắt thời gian đầu vốn dành cho xe lửa được đúc nổi vẫn còn trên dàn thép.
Theo cơ quan quản lý, việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ sẽ phát huy tiềm năng giao thông đường thủy, kết nối giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giảm áp lực về giao thông đường bộ hiện nay, góp phần phát triển kinh tế vùng.
Kết cấu nguyên bản của dàn thép Eiffel sau 105 năm vẫn còn vững chãi, nguyên vẹn, hạng mục mới chỉ có mặt cầu được đổ bê tông cho xe cộ lưu thông nối với phần cầu sắt sửa chữa.
Tuy nhiên, tổng thể cây cầu đã quá yếu, lâu nay chỉ cho người đi bộ và xe hai bánh lưu thông.
Trải qua thời gian dài, cơ quan chức năng TP.HCM và Bình Dương phải nhiều lần đóng cầu để sửa chữa. Nhìn bên ngoài, hầu hết các thanh lớn, nhỏ của dàn thép chỉ biến đổi màu sơn, ốc vít nối các bộ phận vẫn còn nguyên vẹn.
Hộp cầu dao điện trên dàn thép nguyên bản vẫn tồn tại theo thời gian bên cạnh đèn cao áp chiếu sáng hai bên thành cầu.
Tuy nhiên, một số tấm thép sau hơn 100 năm chống trọi mưa nắng đã rỉ sét, thủng.
Hiện còn 2 trụ cầu thuộc thị xã Thuận An và 1 trụ bên phần quận 12 được xây dựng theo kiến trúc hình mai từ thời Pháp.
Những thanh dầm của dàn thép trên mặt đất đã quá cũ, biến đổi màu thời gian.
Hai trụ chống va đập được thi công cuối năm 2014 ngoài việc cản tàu thuyền đâm còn có nhiệm vụ tăng lực đỡ cho cầu.
Với phần cầu được dựng mới trong chiến tranh, mặt sàn trước đây làm bằng gỗ nay làm bằng thép, lan can hai bên cao khoảng 1,6 m.
Cầu luôn có công nhân Công ty Công trình cầu phà TP.HCM túc trực để phân luồng xe cộ, giải quyết các sự cố như tai nạn, cản trở lưu thông, vệ sinh mặt cầu...
Bên cạnh quá cũ, tĩnh không thông thuyền của cầu thấp, không đồng bộ nên hạn chế tàu bè lưu thông trên sông Sài Gòn. Những thời điểm nước lên, các tài công luôn phải quan sát, hạn chế tốc độ để tránh va đụng vào thành cầu.
Trước hai đầu cầu, đơn vị quản lý dựng 2 cột chắn các loại xe lớn.
Bà Mạch Mỹ Linh (58 tuổi, ngụ Hóc Môn) cũng như người dân hai bên cây cầu và những người thường xuyên qua lại làm việc, vận chuyển hàng hóa đều tỏ ra tiếc nuối khi cây cầu mang cả giá trị lịch sử này bị tháo dỡ.
Cách khoảng 1 km là cầu Phú Long mới thay thế cầu cũ đã đi vào hoạt động từ năm 2012, cầu có chiều dài hơn 1.400 m, có chiều rộng mặt cầu 26 m với 6 làn xe, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Vụ va chạm với thiết bị bay không người lái khiến ông T bị cánh quạt của thiết bị bay chém vào đầu và cổ. Ông được đưa đi cấp cứu, nhưng vết thương quá nặng nên đã tử vong.
Trong mắt Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, con gái của Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông là người cả đời sống giản dị, chỉ thích ăn cơm với cá kho mặn, không cầu kỳ, không đòi hỏi.