Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu vòm cong ba chiều 'khơi thông' dòng Cổ Cò

Một diện mạo đô thị mới ở phía Nam Đà Nẵng đang lớn dậy từng ngày, vươn hình hài, tạo dáng trên một vùng đất rộng lớn với cảnh quan sông nước hữu tình.

Điểm nhấn cho tuyến đường vành đai

Cầu Cổ Cò dài hơn 176 m với 1 nhịp vòm bê tông cốt thép rộng 90 m. Hệ thống dầm dọc, dầm ngang bằng bê tông cốt thép dự ứng lực được treo bởi hệ thống cáp chủ trên một hệ vòm chủ. Phần móng cọc khoan nhồi sâu 45 - 46 m. Mặt cầu được thiết kế rộng 18 m, gồm 4 làn... Công trình có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng do Cienco 4 thi công.

Cầu Cổ Cò nằm trên Đường vành đai phía Nam TP Đà Nẵng thuộc dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng do Ngân hàng thế giới tài trợ và một phần vốn đối ứng của thành phố. Công trình do Công ty Tư vấn quốc tế CDM của Mỹ là đơn vị thiết kế, Công ty The Louis Berger Group Inc của Mỹ là đơn vị giám sát thi công.  

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, Đà Nẵng đã có “thương hiệu” là thành phố của những cây cầu với những lối kiến trúc độc đáo, đẹp, lạ và đã giành nhiều “cái nhất” như: Cầu dây võng lớn nhất Việt Nam (cầu Thuận Phước), cầu quay duy nhất Việt Nam (cầu quay sông Hàn), cầu dây văng 3 mặt phẳng nghiêng 120 độ đầu tiên tại Việt Nam (cầu Trần Thị Lý), cầu có con Rồng thép lớn nhất (cầu Rồng). Đó là chưa kể đến cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ... đều tạo được ấn tượng với nhiều nét độc đáo riêng. 

Ngay trong ngày khánh thành cầu Cổ Cò trung tuần tháng 5/2014 vừa qua, Đà Nẵng cũng khánh thành tổng thể công trình đường vành đai phía Nam có điểm đầu giao với QL1 đi qua cầu Hòa Phước và cầu Cổ Cò nối với đường biển Đà Nẵng - Hội An với tổng chiều dài gần 8 km, mặt đường rộng từ 30-34 m. Tổng vốn đầu tư toàn bộ công trình khoảng 1.000 tỷ đồng từ vốn ODA của WB và vốn đối ứng TP Đà Nẵng.

Nằm trong định hướng chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông đô thị của TP Đà Nẵng, Dự án đường Vành đai phía Nam là công trình trọng điểm kết nối giao thông giữa hai khu vực phía Đông Nam (các resort, làng Đại học, Phố cổ Hội An) và phía Tây (trung tâm TP, sân bay, QL1A), góp phần kết nối hiệu quả giao thông của thành phố với hệ thống giao thông quốc gia trên QL1, QL14B và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Người dân vui mừng đi lại trên cầu Cổ Cò trong ngày khánh thành.
Người dân vui mừng đi lại trên cầu Cổ Cò trong ngày khánh thành.

Việc chính thức khánh thành đưa vào sử dụng đường vành đai này sẽ là cột mốc quan trọng thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Đông Nam Đà Nẵng mà ở đó, cầu Cổ Cò là điểm nhấn xuyên suốt cho cả tuyến đường vành đai. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nhận định, việc đưa vào hoạt động đường Vành đai phía Nam sẽ tạo bước đột phá, lan tỏa cho cả khu vực nghèo khó phía Nam, vùng ven biển phía Đông. Một diện mạo đô thị mới ở phía Nam TP đang lớn dậy từng ngày, vươn hình hài, tạo dáng trên một vùng đất rộng lớn với cảnh quan sông nước hữu tình. Và cú hích đó được “vẹn tròn” hơn khi có được cây cầu mới mang tên cùng dòng sông Cổ Cò.

Kết cấu độc đáo, lần đầu áp dụng 

Cầu Cổ Cò thuộc gói thầu C57, dự án hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, có điểm đầu (Km 0+00) giao với QL1 thuộc phường Hòa Phước, quận Cẩm Lệ và điểm cuối (Km 7+279.52) nối với đường Sơn Trà - Điện Ngọc thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Cầu có dạng vòm bê tông cốt thép cong không gian 3 chiều, khẩu độ nhịp lớn nhất hiện nay. Đây là loại hình kết cấu đặc biệt, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam.

Công ty CP 473 (Cienco4) là đơn vị trực tiếp thi công xây dựng cầu. Nhớ lại những tháng ngày anh em công nhân “phơi nắng” nơi mảnh đất Đà thành xây cầu Cổ Cò. Giám đốc Công ty CP 473 Nguyễn Xuân Hải cho biết, cầu Cổ Cò được đánh giá là cầu vòm bê tông cốt thép có bậc siêu tĩnh cao, kết cấu chịu lực phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong quá trình thi công. Cầu được thi công dạng vòm cong không gian ba chiều với khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam. 

Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco 4 nhớ lại, sau một thời gian thử nghiệm, Cienco 4 đề xuất thay đổi biện pháp thi công chủ đạo từ đúc hẫng theo dây phi tuyến sang đúc tại chỗ trên đà giáo cố định. Với giải pháp này, một hệ thống trụ tạm bằng cọc khoan nhồi D1000mm (30 cọc, L=33m) cùng hệ thống đà giáo lắp ghép bằng cột chống pale khổng lồ (trên 800 tấn) nhanh chóng được lắp đặt. Cùng đó, hệ thống ván khuôn toàn bộ hệ vòm chủ sừng sững mọc lên giữa dòng sông Cổ Cò. 

Với khối lượng vật tư, thiết bị lớn và cồng kềnh như vậy, đòi hỏi phải có ổn định gió rất cao. “Lãnh đạo Cienco 4 nhiều lần yêu cầu cán bộ kỹ thuật tính toán, kiểm tra kỹ càng độ ổn định gió cho kết cấu đối với sức gió mạnh cấp 15 trở lên. Sau khi được tính toán và gia cố, công trình đã hoàn toàn vững vàng trước 2 cơn bão số 10 và số 11 lịch sử đổ bộ vào Đà Nẵng gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng”, ông Hoa nói.

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho rằng, công trình cầu Cổ Cò được đánh giá cao cả về tiến độ, chất lượng cũng như yếu tố thẩm mỹ. Trong quá trình xây dựng, Công ty CP 473 đã huy động hơn 100 CBCNV có trình độ tay nghề cao và máy móc thiết bị hiện đại, thực hiện thi công hệ sàn đạo gồm: 20 cọc khoan nhồi đường kính 1m, chiều dài 33m. Hệ kết cấu dầm ngang, dầm dọc bằng 401 tấn thép hình I400 đến I1.000, 255 tấn ván khuôn và khung định vị. “Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là món quà ý nghĩa của tập thể CBCNV Công ty CP 473 cũng như Cienco 4 kính dâng lên Người” - ông Trung nói.

“Khơi thông” dòng Cổ Cò

Ý tưởng kết nối Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam) bằng đường thủy thông qua sông Cổ Cò đã được hai địa phương thống nhất thực hiện từ nhiều năm qua. Hôm nay, cầu Cổ Cò đã nên dáng nên hình, khơi thông cả đoạn sông bấy lâu bị tắc. 

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho biết, dự án khơi thông, mở rộng sông Cổ Cò nối hai đô thị này có chiều rộng đoạn hẹp nhất là 90m, chiều dài khoảng 25km, trong đó khoảng 19km nằm tại Quảng Nam. 

Khi đó, hệ thống tàu, thuyền du lịch sẽ kết nối thẳng Đà Nẵng tới đô thị cổ Hội An, thông qua đồng ruộng, làng quê, phố xá, cửa biển mà dấu ấn đặc biệt là đi ngang qua cầu Cổ Cò, đem đến cho du khách nhiều sự thưởng ngoạn thú vị.

“Đà Nẵng đang thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Vì thế, để tạo ra những sản phẩm này, cần những cách làm ấn tượng. Một con đường, một cây cầu, một dòng sông, vốn đã gắn với lịch sử văn hóa của địa phương sẽ càng trở nên đặc biệt hơn nếu được biến thành một điểm đến. Trong tương lai không xa, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất phía Đông Nam Đà Nẵng được đánh thức hôm nay sẽ tạo nên một vành đai xanh văn hóa du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần tăng trưởng kinh tế cho thủ phủ miền Trung- mà trong đó cây cầu mang tên Cổ Cò như là một biểu tượng” - ông Trung nhấn mạnh.

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201405/ky-uc-ve-nhung-cay-cau-cau-vom-cong-ba-chieu-khoi-thong-dong-co-co-488398/

Theo Giao Thông Vận Tải

Bạn có thể quan tâm