“Nếu so với các lứa cầu thủ trước, đội tuyển U22 Việt Nam hiện nay là tập hợp những cầu thủ được giáo dục tốt, có tính đoàn kết cao. Tuy nhiên, không vì thế công tác an ninh có thể xem nhẹ, bởi việc gì cũng có thể xảy ra”, Thượng tá Bùi Xuân Lệ, công tác tại P4, Cục cảnh sát Hình sự C45 (Bộ Công an) chia sẻ.
Cán bộ an ninh C45 từ Việt Nam sang Kuala Lumpur theo sát các hoạt động của U22 Việt Nam, nhằm tránh các đối tượng xấu tìm cách tiếp cận HLV Hữu Thắng cùng các học trò. Ảnh: Tùng Lê. |
Ông Lệ hiện có mặt cùng đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, với nhiệm vụ giám sát an ninh theo đề nghị từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Công tác an ninh, phòng chống tiêu cực thường xuyên là một trong những công việc quan trọng mỗi khi các đội tuyển Việt Nam thi đấu tại AFF Cup hoặc SEA Games, 2 giải đấu quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Là người chỉ đạo, bám sát hoạt động an ninh liên quan tới các đội tuyển Việt Nam, Thượng tá Bùi Xuân Lệ nhớ nhất là SEA Games 2005, diễn ra ở Philippines. Đây là năm bóng đá Việt Nam rúng động với vụ bán độ của đội tuyển U23, với những cái tên đình đám như Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu…Nhắc lại chuyện cũ, Thượng tá Lệ cứ tiếc mãi, bởi đây là lứa cầu thủ đặc biệt xuất sắc của bóng đá Việt Nam. “Có cảm giác như mấy đứa thích thắng là thắng. Thật không ngờ họ lại bán độ”, ông Lệ nói.
Chỉ có mặt cùng đội tuyển U22 Việt Nam tại Malaysia từ ngày 10/8, nhưng Thượng tá Bùi Xuân Lệ cho biết công tác giám sát, theo dõi hoạt động của đội thực chất đã được triển khai từ nhiều tháng trước đó. Mọi hoạt động của các thành viên U22 Việt Nam đều trong tầm ngắm, đảm bảo bất kỳ bất thường nào (nếu có) đều không ngoài sự giám sát của an ninh.
Theo ông Bùi Xuân Lệ, trước ngày diễn ra trận đấu, các thành viên U22 Việt Nam thường xuyên được yêu cầu giao điện thoại, máy tính cá nhân. Việc này vừa nhằm đảm bảo an ninh, và mặt khác giúp các cầu thủ giữ gìn sức khoẻ. “Đêm hôm thức muộn, nếu mải mê trò chuyện với người thân, bạn bè, cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng sức khoẻ. Việc đảm bảo cho các cầu thủ tập trung vào công việc chuyên môn là hết sức cần thiết”, Thượng tá Bùi Xuân Lệ nói.
Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cho biết việc cử an ninh theo đội tuyển U22 Việt Nam là công tác thường xuyên trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29. “Đây không chỉ là vấn đề phòng chống tiêu cực, bởi ở góc độ này, chúng tôi rất mừng vì chúng ta đang có một lứa cầu thủ được giáo dục tốt, cả về chuyên môn lẫn văn hóa. Tuy nhiên, việc gì cần thì vẫn phải làm. Có an ninh đi theo, đội cũng an tâm tập luyện hơn”, ông Trần Quốc Tuấn nói.