Kingsly Coman trở thành mục tiêu bị tấn công mạng sau thất bại của Pháp tại World Cup. Ảnh: Daily Star. |
Kingsley Coman là một trong 2 người đá hỏng quả 11 m ở loạt luân lưu trong trận chung kết giữa Pháp và Argentina tại World Cup 2022. Điều này khiến anh trở thành mục tiêu tấn công của những người hâm mộ quá khích.
Trên mạng xã hội, các bình luận khiếm nhã, phân biệt chủng tộc hướng đến cầu thủ này xuất hiện với số lượng lớn. Cụm từ phân biệt người da màu “n***a” hay các icon khỉ, vượn, chuối vốn được sử dụng với ý nghĩa mang tính thóa mạ cũng được nhiều người dùng bình luận trên bài đăng của tiền vệ người Pháp.
Trong khi đó, trang Instagram của một cầu thủ sút trượt quả 11 m khác là Aurelien Tchouameni cũng được đưa về chế độ hạn chế người bình luận.
Xuất hiện nhiều bình luận mang tính phân biệt chủng tộc trên Instagram của Kingsley Coman. Ảnh: King_coman. |
Bên cạnh các bình luận ác ý, nhiều tài khoản khác lên tiếng tẩy chay hành động xấu, kêu gọi người dùng cùng bảo vệ cầu thủ da màu.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra sau trận chung kết Euro 2020 giữa Anh và Italy. 3 cầu thủ da màu là Bukayo Saka, Marcus Rashford, Jadon Sancho đá hỏng cú 11 m, dẫn đến thất bại của đội tuyển. Sau đó, cả 3 trở thành nạn nhân của hành vi tấn công mạng, phân biệt chủng tộc.
Các bình luận, bài đăng khiếm nhã, thóa mạ, mang tính phân biệt chủng tộc được nhiều tài khoản đưa ra trên mạng xã hội. Sau đó, nhiều cổ động viên, các câu lạc bộ chủ quản, danh thủ lên tiếng bảo vệ những cầu thủ trẻ này. Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) cũng vào cuộc để điều tra vụ việc.
Vấn đề chủng tộc vẫn liên tục gây tranh cãi trong bóng đá. Các cầu thủ nhập cư đóng vai trò quan trọng tại tuyển Pháp ở hai kỳ World Cup gần nhất. Họ nâng cúp vàng vào năm 2018 với đội hình 20 cầu thủ sinh ra bên ngoài nước Pháp hoặc có cha mẹ là dân nhập cư. Trong khi đó, hơn 90% các bàn thắng được ghi tại World Cup 2022 của đội tuyển này từ chân của các cầu thủ nhập cư.
Tuy nhiên, tranh cãi xảy ra khi các đội tuyển thất bại. Bên cạnh trường hợp của tuyển Anh tại Euro, Mesut Ozil cũng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Cách đây 4 năm, Mesut Ozil bị chỉ trích nặng nề sau bức ảnh chụp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Anh cũng có một kỳ World Cup với phong độ tệ hại, còn tuyển Đức bị loại từ vòng bảng sau khi thua một đại diện châu Á là Hàn Quốc.
Cầu thủ này cho rằng người hâm mộ Đức và DFB (Liên đoàn Bóng đá Đức) chỉ tập trung chỉ trích anh vì tấm ảnh, thay vì khía cạnh bóng đá. Ozil gọi đây là sự thiếu tôn trọng với gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ của anh, cũng như biến anh thành một dạng tuyên truyền chính trị.
"Tôi sẽ không tiếp tục chơi cho Đức ở cấp độ tuyển quốc gia khi cảm thấy bị phân biệt chủng tộc và xúc phạm", Ozil viết trên trang cá nhân khi công bố giải nghệ ở đội tuyển.
Câu nói nổi tiếng của Ozil, “Tôi là người Đức khi thắng nhưng là kẻ nhập cư lúc chúng tôi thua” cũng được nhiều người trích dẫn trở lại khi tuyển Đức che miệng chụp ảnh, ủng hộ nhân quyền tại World Cup 2022.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.